Hỗ trợ ổn định phát triển chăn nuôi lợn

Thanh Vân - Khánh Linh 24/03/2017 15:10

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất chăn nuôi trong nước đang trong đà tăng trưởng cao, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp và thu nhập của người chăn nuôi. Tuy nhiên, việc phát triển chăn nuôi lợn “quá nóng” trong thời gian gần đây đang tạo nên sự mất cân đối cung cầu, đồng thời sẽ gây nên hệ lụy không nhỏ.

Hiện giá lợn hơi xuống thấp, người chăn nuôi lo lắng.

Không tăng quy mô đàn lợn bằng mọi giá

Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hỗ trợ ổn định phát triển chăn nuôi lợn.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cảnh báo các địa phương chỉ đạo không tăng quy mô đàn lợn bằng mọi giá mà cần thay đổi cơ cấu giống, phương thức chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng và kiểm soát tốt thị trường thịt lợn của Việt Nam.

Hiện nay, giá lợn hơi đang xuống rất thấp và chưa có dấu hiệu hồi phục trở lại, gây thua thiệt lớn cho người chăn nuôi, nhất là những hộ chăn nuôi lợn thịt phải mua con giống giá cao và thức ăn chăn nuôi hoàn toàn từ bên ngoài.

Nhằm giảm thiểu áp lực, khó khăn cho người chăn nuôi lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn rà soát quy hoạch chăn nuôi lợn gắn với thị trường chung và tiềm năng của từng địa phương.

Việc mở rộng quy mô đầu lợn trên địa bàn phải căn cứ vào tín hiệu của thị trường, nhất là quy mô đàn lợn nái; khuyến khích thay đổi cơ cấu giống và phát triển giống cao sản, giống đặc sản để đa dạng hóa sản phẩm và tránh rủi ro.

Đồng thời đa dạng hóa phương thức chăn nuôi, không quá chú trọng phát triển chăn nuôi lợn công nghiệp mà cần chú ý phát triển mô hình chăn nuôi lợn bán công nghiệp gắn với chăn nuôi truyền thống và chăn nuôi hữu cơ, thế mạnh của loại hình chăn nuôi nông hộ nước ta.

Đưa Cysteamine vào danh mục chất cấm trong chăn nuôi

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã ban hành Thông tư số 01/2017/TT-BNNPTNT về việc quyết định bổ sung chất Cysteamine vào Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam.Thông tư này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2017.

Mới đây, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Hoàng Thanh Vân cũng cho biết, chất Cysteamine (Cys) là một chất mới. Đây là một loại tiền hoócmôn có tác dụng kích thích sinh trưởng và tạo nạc đối với vật nuôi.

“Mặc dù là chất nội sinh nhưng hiện nay có một số cơ sở chăn nuôi lạm dụng sản phẩm này. Mặt khác, về hiệu quả đến nay chưa có ai đánh giá là nó có tác dụng tăng trọng hay tăng nạc hay không và cũng chưa có ai đánh giá nó độc hại hay không độc. Song, trước dư luận và qua công tác thanh tra kiểm tra có phát hiện các cơ sở có dùng Cysteamine.

Do đó, sau khi lấy ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia và xin ý kiến của các cơ quan quản lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chính thức đề xuất và dự thảo

Thông tư để cấm Cysteamine trong sản xuất thức ăn chăn nuôi,” Cục trưởng Hoàng Thanh Vân nói.

“Chất cấm thì sẽ bị điều chỉnh bởi các hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt rất nặng, nếu các tổ chức cá nhân hoặc các doanh nghiệp vi phạm thì sẽ xử theo luật và kể cả luật hình sự,” ông Vân nhấn mạnh.

Cục trưởng Hoàng Thanh Vân cũng cho biết, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chỉ định được 5 phòng thí nghiệm có thể thử nghiệm chất Cysteamine.

Thanh Vân - Khánh Linh