Món ngon từ măng đắng

Ngọc Hà 26/03/2017 14:00

Măng đắng hầu như có quanh năm nhưng mọc nhiều nhất vào mùa mưa. Măng hái từ rừng, đem bỏ bẹ, thái nhỏ rồi cho vào nồi luộc sơ qua với chút muối để giảm vị đắng sau đó vớt ra ngâm nước lạnh khoảng 1 giờ là có thể chế biến được.

Tiết tháng giêng, trời ấm hơn và bắt đầu có những trận mưa xuân cây cối đua nhau đâm chồi nảy lộc thì trên các cánh rừng, mảnh nương vầu măng cũng đua nhau trồi lên khỏi mặt đất.

Khi mưa xuân bắt đầu nặng hạt là măng bắt đầu có vị đắng xen lẫn vị ngọt. Khi trời có sấm, bắt đầu những cơn mưa rào măng mọc càng nhiều và lớn càng nhanh. Vị đắng của măng cứ theo tiếng sấm mà tăng dần lên. Măng vầu ngon chính là ở cái vị đăng đắng, ngọt ngọt rất lạ mà chả có loại măng nào có được.

Người miền núi thích ăn măng cái nướng để giữ được vị đắng của măng. Vị đắng thấm nơi đầu lưỡi hòa cùng vị cay nồng của nước chấm chẩm chéo vô cũng hấp dẫn. Đây là món ăn quen thuộc trong bữa cơm gia đình của người Tây Bắc, nhất là các dân tộc Tày, Thái, Mường…

Ở Mường Lò, Mù Căng Chải – Yên Bái. Măng nướng cũng là món ngon đặc sản đãi khách phương xa của người dân nơi đây. Người miền xuôi lại chế biến theo một cách khác. Củ măng hái từ rừng về, bỏ bẹ, thái nhỏ tùy theo ý thích, rồi cho vào nồi luộc sơ qua với chút muối để giảm vị chát đắng. Sau đó vớt ra ngâm nước lạnh khoảng 1 giờ là có thể chế biến được.

Măng ớt: Những người thích ăn cay thì món măng ớt chính là một đặc sản. Củ măng thái mỏng, luộc qua nước muối, để ráo nước rồi cho vào ngâm ớt, tỏi, móc mật độ nửa tháng là được lọ măng ớt, thứ gia vị ăn hàng ngày rất ngon.

Chả thế lên Lạng Sơn, đặt chân vào bất cứ quán ăn nào thực khách cũng đều thấy một lọ măng ớt nhỏ đặt trên bàn. Vị cay cay thơm thơm của măng và mắc mật chỉ cần ăn với cơm hay mì đều ngon và hấp dẫn vô cùng.

Măng luộc chấm mắm tôm: Những người mới ăn, chưa quen với vị đắng thì thường tìm những loại măng củ to, tròn và chưa lên tai xanh. Loại măng này đào từ khi mầm vẫn còn nằm sâu trong lòng đất nên chưa có vị đắng.

Măng đem về rửa sạch, luộc kỹ, thái miếng to bản, chấm ăn với mắm tôm thì có lẽ phải liệt vào hàng đặc sản. Một chút ngọt, một chút đắng hòa lẫn vị chua cay của mắm tôm, chỉ nhắc đến thôi đã thấy thèm.

Mặc dù người ta vẫn gọi là măng đắng thế nhưng nếu biết chế biến lại trở thành món ăn vô cùng hấp dẫn như măng nhồi thịt, măng hầm xương, canh vịt nấu măng, măng nấu giò heo…

Mỗi món mang một hương vị riêng nhưng dù chế biến thế nào cũng không thể lẫn đi vị ngọt đắng của măng. Chẳng vậy mà người miền núi xa quê luôn ngậm ngùi nhớ vị măng đắng, còn người thành thị đã ăn một lần thì cứ đến mùa lại phải ra chợ mua cho kỳ được những củ măng tươi còn nguyên bẹ để về chế biến thành những món ngon mà chỉ ăn một lần là nhớ mãi.

Ngọc Hà