Điểm sáng ở Kim Bình
Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, với nhiều nỗ lực phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, diện mạo của Kim Bình (Chiêm Hóa- Tuyên Quang) - xã vùng cao vốn nhiều khó khăn đã từng bước thay đổi.
Trường Mầm non xã Kim Bình (Chiêm Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang.
Có thể nói, sự nỗ lực về đích nông thôn mới của Kim Bình như một làn gió mát lành, tạo động lực để các xã khác nỗ lực phấn đấu sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Và quá trình thực hiện, Kim Bình đã có không ít những kinh nghiệm hay để chia sẻ.
Trước tiên phải kể đến sự đoàn kết đồng thuận của người dân. Mỗi khi xây dựng một công trình bà con đều tham gia với tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Tổng kinh phí huy động để thực hiện chương trình đạt trên 101 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 50 tỷ đồng; kinh phí huy động từ nguồn tín dụng, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ và nhân dân đóng góp là hơn 51 tỷ đồng, chiếm hơn 50%.
Chủ trương đúng, hợp lòng dân, quá trình thực hiện luôn công khai minh bạch theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” nên mọi tiêu chí đều về đích rất nhanh.
Xã luôn có những kế hoạch và giải pháp phát huy hiệu quả tiềm năng, nội lực của địa phương; xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, hiệu quả; chuyển dịch cơ cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm; áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất…
Cùng với đó, việc triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.
Trong các điểm sáng của Kim Bình thì không thể không kể đến thôn Đồng Cột. Theo ông Ma Quang Hồng, trưởng thôn Đồng Cột, thôn có 78 hộ dân, trong đó hơn 70% là đồng bào dân tộc Tày.
Kinh tế của người dân trong thôn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trồng lúa và trồng chuối. Cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn.
Mặc dù có điện nhưng điện rất yếu, buổi tối điện chỉ đủ thắp sáng, ngoài ra không sử dụng được các thiết bị điện khác; đường trong thôn là đường đất lầy lội cho nên việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân không được thuận lợi; các sản phẩm làm ra thì thường xuyên bị thương lái ép giá…
Từ khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, thôn đã được nâng cấp đường điện mạnh hơn; các tuyến đường ở thôn đã được bê-tông hóa sạch đẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, đưa máy móc vào sản xuất.
Năm 2016 là năm đầu tiên người dân trong thôn đưa được máy gặt đập liên hoàn vào tận ruộng để thu hoạch lúa. Hiện nay, xe ô-tô của thương lái đã có thể vào tận vườn, ruộng để thu mua nông sản cho người dân, không còn tình trạng ép giá như trước. Thu nhập bình quân của người dân trong thôn hiện nay đạt 27,6 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm còn 11 hộ.
Bộ mặt làng quê thay đổi từng ngày, đường làng thẳng tắp, những ngôi nhà kiên cố dần thay cho nhà cấp bốn. Nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững có điều kiện cho con cái học hành.
Sản xuất cũng không còn nhỏ lẻ, manh mún như xưa. Bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất cũng tăng.
Theo ông Ma Quang Bắc, Bí thư Đảng ủy xã Kim Bình, để duy trì những kết quả đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới, thời gian tới xã tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho lao động, giảm nghèo bền vững; vận động, hướng dẫn người dân mở rộng diện tích và trồng lại cây chuối (một trong hai cây trồng chủ lực trên địa bàn xã) theo đúng kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận địa chỉ đối với sản phẩm chuối quả của xã Kim Bình.
Xã cũng nâng cao hệ số sử dụng đất, chú trọng sản xuất ba vụ trên đất hai lúa, đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính.