Không dễ đạt 10 tỉ USD tổng kim ngạch xuất khẩu tôm vào năm 2025
Ngày 23/3, tại Hội nghị “Triển khai kế hoạch sản xuất ngành tôm năm 2017” tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết do nhiều nguyên nhân, mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu tôm 10 tỷ USD vào năm 2025 là... không dễ.
Ảnh minh họa.
Một khó khăn đang hiện hữu, theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, là thời tiết đang diễn ra một cách thất thường, cực đoan tạo nên một trở ngại lớn cho ngành tôm.
Nếu như thời điểm này năm 2016 đã xảy ra tình trạng hạn, mặn (độ mặn khoảng 27 phần ngàn thì hiện nay nhiều nơi chỉ khoảng 1 phần ngàn), cộng thêm xuất hiện mưa trái mùa, gây khó khăn cho việc thả nuôi tôm giống.
Thiệt hại tôm nuôi do yếu tố môi trường, thời tiết đang có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là diễn biến phức tạp của tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn (năm 2014 là 21.844ha đến năm 2016 là 42.823ha) đang tác động rất lớn đến nuôi tôm nước lợ.
Tình hình dịch hại trên tôm thời gian qua diễn biến khá phức tạp. Theo số liệu báo cáo của Cục Thú y, năm 2016 tổng diện tích tôm nuôi thiệt hại là 67.810ha, trong đó bệnh đốm trắng do vi rút (WSD) và bệnh hoại tủy gan tụy cấp (AHPND) là hai bệnh gây thiệt hại lớn đối với ngành nuôi tôm nước lợ.
Cụ thể, bệnh đốm trắng có tổng diện tích thiện hại 3.892ha, bệnh hoại gan tụy cấp là 6.342ha, hai bệnh hại này xuất hiện hầu hết ở các tỉnh nuôi tôm và có xu hướng tăng về phạm vi qua các năm.
Đại diện Cục Quản lí chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết: Tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn xảy ra ở các cơ sở nuôi và chế biến tôm nhỏ lẻ, đang làm ảnh hưởng xấu đến uy tín sản phẩm tôm Việt.
Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh: Chúng ta phải tạo ra sản phẩm tôm đáp ứng với nhu cầu thị trường, tức là tuyên chiến với nạn tiêm chích tạp chất vào tôm và dư lượng kháng sinh.
Chuyển từ nuôi tôm có kháng sinh sang nuôi theo chế phẩm sinh học và các giải pháp khác có liên quan, để hướng đến ngành tôm thân thiện với môi trường sinh thái.
Một khó khăn khác của ngành tôm nữa là chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ chọn tạo, gia hóa trong cung ứng giống. Bên cạnh đó, giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn khá cao, do nguồn thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỉ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng 65% tôm công nghiệp), chi phí con giống cao do phải nhập khẩu...
Ông Hồ Công Chánh- Giám đốc sản xuất Cty Minh Phú Cà Mau cho biết: Hiện nay giá thành sản xuất tôm cao kéo theo nguồn tôm nguyên liệu vẫn còn khá cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm.
Trong khi đó, việc xuất khẩu tôm ở các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, châu Âu đang gặp khó khăn, do vấn đề kiểm soát 100% kháng sinh trên tôm, nhưng hiện nay việc kiểm soát chất lượng nguồn tôm nguyên liệu vẫn còn rất hạn chế. Về lâu dài, việc kiểm soát chất lượng nguồn tôm nguyên liệu là rất cấp bách.
Ngoài ra, ngành tôm Việt Nam vẫn đang đối diện với các khó khăn khác như: nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; công tác dự báo thị trường còn yếu kém nên rơi vào tình trạng bị động trong định hướng sản xuất; công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch, cơ chế chính sách thu hút đầu tư còn nhiều bất cập, hạn chế,...
Tại hội thảo, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện 14 định hướng phát triển ngành tôm theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ trong kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025.
Trong năm 2017, ngành tôm nêu kế hoạch phải tăng kim ngạch xuất khẩu từ 9 đến 12%, cần tập trung vào hai giải pháp mang tính đột phá, mà không trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước.
Thứ nhất là tập trung vào việc ứng dụng khoa học công nghệ, chế phẩm sinh học vào nuôi tôm quảng canh và tôm công nghiệp, làm sao để tăng năng suất mà không tăng diện tích.
Thứ hai, là phải tổ chức lại sản xuất, bằng cánh là lấy doanh nghiệp làm trung tâm và trụ cột để tổ chức lại sản xuất. Đặc biệt là phát huy vai trò của doanh ngiệp trong liên kết sản xuất, thông qua mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác.