Nghệ thuật chất lượng cao tại Nhà hát lớn: Đắt có 'xắt' ra miếng?
Bộ VHTTDL vừa công bố kế hoạch tổ chức các chương trình nghệ thuật chất lượng cao tại Nhà hát lớn trong năm 2017. Dự kiến, chương trình mở màn mang chủ đề “Quảng Bình trong câu hát” sẽ diễn ra vào hai tối 26 và 27/3. Dẫu thế, sau chương trình biểu diễn năm 2016, vẫn còn đó những băn khoăn…
Một chương trình nghệ thuật chất lượng cao tại Nhà hát Lớn.
Tiêu chí lựa chọn các vở tham gia biểu diễn tại Nhà hát Lớn trong năm 2017 vẫn là những vở diễn, chương trình nghệ thuật đạt chất lượng cao về tư tưởng và nội dung nghệ thuật tiêu biểu của từng nhà hát, từng loại hình nghệ thuật.
Theo kế hoạch các chương trình sẽ chuyển hướng biểu diễn ở Nhà hát Lớn theo từng chủ đề chuyên biệt theo tháng, cụ thể là chuyên đề biểu diễn nghệ thuật truyền thống và biểu diễn kịch nói... Mỗi chuyên đề đều hướng tới một cách giới thiệu quảng bá riêng.
Đồng tình với việc đưa chương trình nghệ thuật chất lượng cao vào Nhà hát lớn biểu diễn, nhưng Phó Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội - Đỗ Mạnh Hà nhìn nhận các chương trình tại Nhà hát lớn năm 2016 lượng khách tuy đông nhưng chủ yếu là vé mời, lượng vé bán được trực tiếp rất thấp mặc dù công tác truyền thông quảng bá rất mạnh.
Ông Hà cũng cho rằng nên giao vé cho chính các đơn vị biểu diễn định giá thay vì áp giá vé ở ba mức (500.000 đồng, 1.000.000 đồng, 1.500.000 đồng) như hiện nay. Bởi giá vé phi thực tế thì rất khó bán.
Trước những khúc mắc này ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục NTBD kiến nghị các nhà hát cần phối hợp Nhà hát Lớn Hà Nội để bán vé theo mức đảm nhận 30 đến 40% tổng lượng vé, và tiến tới chủ động bán vé hoàn toàn trong trong tương lai gần.
Riêng đối với các đơn vị nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, Bộ VHTTDL sẽ vẫn hỗ trợ truyền thông và bán vé qua Nhà hát lớn Hà Nội trong thời gian tới.
“Rút kinh nghiệm của công tác tổ chức biểu diễn, đặc biệt là bán vé trong các chương trình của năm 2016 các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn tham gia vào kế hoạch năm 2017 sẽ không đứng ngoài cuộc. Bởi cạnh yếu tố nghệ thuật công tác bán vé doanh thu là một trong những vấn đề sống còn để khẳng định vị thế của mình đối với đời sống xã hội thay vì việc diễn miễn phí, phát hành vé mời. Chính vì vậy mà giá vé bán xem chương trình nghệ thuật ở Nhà hát lớn sẽ giảm xuống so với giá của năm 2016. Dự kiến ở mức từ 300.000 đồng đến 700.000 đồng/vé” ông Chương cho hay.
Trước đề nghị này, NSND Trần Bình - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật đương đại cho biết: “Chúng tôi xác định tất cả các nội dung biểu diễn trong chương trình nghệ thuật chất lượng cao tại Nhà hát Lớn không nhằm mục đích kinh doanh, bán vé để có nguồn thu, nhưng chúng tôi thấy vẫn cần tìm ra nhiều kênh để phát triển công tác bán vé. Đối với các đơn vị truyền thống như chèo, tuồng, cải lương, rối… thì việc bán vé còn khó khăn”.
NSND Trần Bình cũng đề nghị ngoài sự kết hợp giữa Nhà hát Lớn với đơn vị trực tiếp tham gia biểu diễn, thì còn cần những đơn vị mang tính xã hội như những công ty tổ chức sự kiện phù hợp cùng thực hiện hoạt động này.
Như thế, bên cạnh việc đưa các chương trình nghệ thuật chất lượng cao vào Nhà hát Lớn – Hà Nội biểu diễn, cần nhìn nhận một thực tế là hầu hết các chương trình biểu diễn, các vở diễn tại đây đều không mới.
Việc trong năm 2016 áp dụng một mức giá chung là chưa phù hợp bởi mỗi loại hình nghệ thuật biểu diễn đều có một đối tượng khán giả riêng.
Do đó, ngoài việc đưa ra mức giá phù hợp, các đơn vị cần tạo ra những sự hấp dẫn mới, ấn tượng mới cho các tác phẩm biểu diễn tại không gian nghệ thuật đặc biệt như Nhà hát lớn Hà Nội.
Sau chương trình mở màn “Quảng Bình trong câu hát”, trong năm 2017 sẽ có hai đợt diễn gồm 12 chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống luân phiên vào tháng 5 và 12 chương trình biểu diễn nghệ thuật kịch nói luân phiên diễn vào tháng 8.
Cụ thể tháng 5 với chủ điểm nghệ thuật truyền thống, sẽ có 6 nhà hát nghệ thuật truyền thống tham gia biểu diễn gồm: Nhà hát Cải lương Việt Nam diễn vào tối 4 và 5/5 (vở “Cung phi Điểm Bích”, “Hừng đông”), Nhà hát Múa rối Việt Nam diễn vào tối 6 và 7/5 (Vở “Aladanh và cây đèn thần”, “Tôn Ngộ Không 3 lần đánh Bạch Cốt Tinh”), Nhà hát Chèo Hà Nội diễn vào tối 8 và 9/5 (các vở “Nàng thứ phi họ Đặng”, “Vương nữ Mê Linh”), Nhà hát Tuồng Việt Nam diễn vào tối 13 và 14/5 (Vở “Nữ tướng Đào Tam Xuân”, “Chuyện bịa của làng Vồm”), Nhà hát Ca kịch Huế diễn tối 20 và 21/5 (vở “Vụ án Lệ Chi Viên”, “Dòng sông đỏ”), Nhà hát Chèo Việt Nam diễn vào tối 22 và 28/5 (vở “Súy Vân”, “Dây tràng hạt diệu kỳ”).
Tiếp đó, tháng 8 là chương trình biểu diễn “Những vở kịch còn mãi với thời gian” với sự tham gia của 5 nhà hát và đoàn nghệ thuật bao gồm: Nhà hát Tuổi trẻ diễn vào tối 5, 6 và 7/8 (vở “Vòng phấn Kavkaz”, “Tất cả đều là con tôi”, “Công lý không gục ngã”), Nhà hát Kịch Hà Nội diễn vào các tối từ 8 đến 10/8 (vở “Những mặt người thấp thoáng”, “Bỉ vỏ”, “Cát bụi”), Nhà hát Kịch Việt Nam diễn vào các tối từ 11 đến 13/8 (vở “Hamlet”, “Kiều”, “Lâu đài cát”), Đoàn Kịch nói Công an nhân dân sẽ diễn vào các tối 17 và 18/8 (vở “Đường đua trong bóng tối”, “Quyết đấu giữa sương mù”), Nhà hát Kịch nói Quân đội diễn vào tối 20/8 (vở “Dưới cát là nước”).
Ngoài ra, sẽ có các chương trình biểu diễn của các Nhà hát thuộc Bộ từ tháng 4 cho đến tháng 11/2017.