'Dạ cổ hoài lang': Từ sân khấu sang màn bạc
Ăn theo vở sân khấu “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng, bộ phim cùng tên “Dạ cổ hoài lang” (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) sẽ công chiếu toàn quốc từ ngày 24/3.
Cảnh phim “Dạ cổ hoài lang”.
“Dạ cổ hoài lang” là bản nhạc trứ danh của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Năm 1993, khi nghe bản nhạc này, diễn viên Thanh Hoàng liền nghĩ ra ý tưởng viết một kịch bản sân khấu.
Kịch bản có sự kết hợp những cảm xúc do bản cổ nhạc mang đến cùng các câu chuyện do bạn bè anh là những Việt kiều góp thêm.
Cuối năm 1994, kịch “Dạ cổ hoài lang” (đạo diễn Nguyễn Công Ninh), nói về cuộc sống và nỗi niềm của hai ông già người Việt trên đất Mỹ, công diễn lần đầu tiên trên sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, TP HCM.
Khi ấy nghệ sĩ Việt Anh vào vai ông Năm, Thành Lộc đóng vai ông Tư. Hồng Vân - Quốc Thảo đóng vai nhân vật chàng trai, cô gái trẻ. Vở chỉ có bốn diễn viên nhưng thể hiện được trọn vẹn tâm tư, nỗi lòng người xa xứ.
Vở kịch khi đó đã tạo ra cơn “sốt vé”. Mỗi ngày, kịch diễn 3 suất vẫn không đủ bán vé cho người xem. Hơn 20 năm qua kịch “Dạ cổ hoài lang” từng có hơn 1.000 suất diễn, và cũng đã đoạt bốn huy chương vàng cho bốn diễn viên trong Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1995.
Trường hợp phim “Dạ cổ hoài lang” cũng được coi là hiếm hoi khi điện ảnh ăn theo sân khấu. Trước giờ phim ra rạp, vẫn còn đó những băn khoăn.
Nhiều khán giả so sánh một bộ phim làm trên nền kịch bản đã nổi tiếng liệu có làm ảnh hưởng đến chuyện bán vé? Hơn thế, hành trình từ sân khấu đến điện ảnh có làm thay đổi nguyên bản gốc của câu chuyện hay không?
NSƯT - đạo diễn sân khấu Thanh Hoàng, người tham gia một vai nhỏ trong phim “Dạ cổ hoài lang” chia sẻ: Trong phim, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chuyển chàng cháu rể tương lai của ông Tư, thành một người bản địa da đen, chứ không phải người Việt như anh đã viết.
Hoặc vai ông Nguyễn con trai ông Tư trong kịch bản sân khấu không hề xuất hiện nhưng lại được đưa vào phim và tạo được cảm xúc mạnh cho người xem…
Đó là hai thay thay đổi quan trọng mà đạo diễn sân khấu Thanh Hoàng đồng tình. Còn với những thay đổi khác trong phim, đạo diễn Thanh Hoàng cũng cho rằng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã dựa trên tinh thần kịch bản gốc và điểm xuyết những đổi thay ấy một cách tài tình, sáng tạo.
Bộ phim “Dạ cổ hoài lang” được thực hiện trong vòng hơn 2 năm. Các diễn viên chính tham gia trong phim gồm: diễn viên Hoài Linh vai Tư Lành, diễn viên Chí Tài vai Năm Triều, Đình Hiếu trong vai Tư Lành thời trẻ, Oanh Kiều trong vai Út Trong thời trẻ…
Đạo diễn Quang Dũng cho hay cả anh và các diễn viên Hoài Linh - Chí Tài rất hâm mộ vở kịch này. Vì thế phim ít nhiều mang dáng dấp hoặc chịu ảnh hưởng của vở sân khấu “Dạ cổ hoài lang” cũng là điều dễ hiểu.
Trước đó do lo lắng rằng phim sẽ làm hỏng kịch, nhiều khán giả khuyên hãy để vở kịch sống trên sân khấu như hơn 20 năm qua nó từng tạo được sức hút.
Nhưng sau khi bộ phim chiếu cho báo chí và giới chuyên môn xem, nhiều người đã nhận định phim vẫn giữ được tinh thần mà kịch từng gửi gắm.