Lao động đi làm việc ở Đài Loan: Vì sao phải 'gánh' phí cao?

Khanh Lê 24/03/2017 08:50

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trước thông tin phản ánh doanh nghiệp thu phí “vượt rào” khi môi giới xuất khẩu lao động đi Đài Loan.

Báo cáo của Bộ LĐTB&XH thừa nhận, trong những năm qua, tình trạng người lao động bị thu phí cao hơn quy định diễn ra tương đối phổ biến, xuất hiện ngay từ giai đoạn đầu đưa lao động Việt Nam sang Đài Loan.

Theo Bộ LĐTB&XH, việc lao động bị thu phí cao có nhiều nguyên nhân. Luật pháp Đài Loan không cho phép công ty dịch vụ việc làm Đài Loan thu phí môi giới, nhưng do cạnh tranh giữa các công ty này để được chủ sử dụng ủy quyền tiếp nhận lao động nước ngoài dẫn đến việc các công ty dịch vụ phía Đài Loan thường yêu cầu một khoản phí môi giới rất cao mới tiếp nhận lao động đối với tất cả các nước. Chi phí này lên tới 3.000-4.000 USD đối với lao động Việt Nam làm việc trong nhà máy.

Đáng chú ý trong báo cáo của mình, Bộ LĐTB&XH nêu, mức phí môi giới yêu cầu đối với lao động Việt Nam thường cao hơn so với lao động của nước khác, mà theo giải thích của các công ty dịch vụ việc làm của Đài Loan, là do trình độ và ý thức của lao động Việt Nam kém hơn lao động các nước khác, tỉ lệ lao động phá bỏ hợp đồng cao, mang lại nhiều rủi ro cho bên sử dụng lao động, việc tuân thủ nội quy làm việc và ý thức trong sinh hoạt chưa tốt dẫn đến chi phí quản lý lao động Việt Nam tốn kém hơn.

Nhiều nhà máy tại Đài Loan tuyển dụng nhiều lao động nước ngoài vào làm việc với chi phí xuất cảnh thấp, thường không chọn lao động Việt Nam, một phần vì trình độ tay nghề không đáp ứng, nhưng phần nhiều vì quản lý phức tạp và chi phí quản lý cao hơn.

Tiếp nữa là việc cạnh tranh với các nước cùng đưa lao động vào Đài Loan để lấy thị phần, đồng thời nội bộ các doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam cũng cạnh tranh với nhau, đẩy gánh nặng cho người lao động.

Mặt khác, nhu cầu đi làm việc tại Đài Loan của lao động Việt Nam cao, nên nhiều tổ chức, cá nhân không có chức năng xuất khẩu lao động cũng thực hiện các hoạt động “cò mồi”, môi giới, lừa đảo thu tiền của người lao động.

Liên quan đến vấn đề lao động bỏ trốn tại thị trường này tăng, báo cáo của Bộ LĐTB&XH cũng thừa nhận hiện nay xấp xỉ 25.900 lao động Việt Nam bỏ hợp đồng, cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Đài Loan, chiếm 48,5% tổng số lao động nước ngoài bỏ hợp đồng và chiếm 14% số lao động lao động Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan.

Nguyên nhân do một bộ phận không nhỏ lao động có ý thức tuân thủ pháp luật kém, dễ bị rủ rê lôi kéo ra ngoài làm việc bất hợp pháp để được sinh hoạt tự do; Công tác tuyển chọn lao động chưa tốt, công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi xuất cảnh chưa đảm bảo cả về thời lượng và chất lượng; một số trường hợp doanh nghiệp chưa thông tin đầy đủ, minh bạch về hợp đồng làm việc tại Đài Loan; trong khi phần lớn người lao động có tâm lý muốn xuất cảnh sớm nên không tham gia đầy dủ chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi, không quan tâm đến nội dung hợp đồng nên khi sang đến nơi muốn chuyển việc hoặc bỏ hợp đồng.

Mặc dù trách nhiệm quản lý và hỗ trợ người lao động trong thời gian làm việc tại Đài Loan thuộc về các công ty dịch vụ việc làm Đài Loan, nhưng một số công ty dịch vụ Đài Loan thiếu quan tâm khúc mắc của người lao động, hỗ trợ không kịp thời người lao động khi họ cần. Sự phối hợp của một số doanh nghiệp Việt Nam với đối tác Đài Loan để chăm sóc, hỗ trợ lao động cũng chưa tốt…

Từ những hạn chế trên, trong thời gian tới, Bộ LĐTB&XH sẽ tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1401/VPCP-HTQT ngày 7/7/2016 và thực hiện các giải pháp ổn định, phát triển thị trường lao động Đài Loan, tập trung chủ yếu vào việc khắc phục giải quyết 2 vấn đề tồn tại nêu trên.

Theo đó, tiến hành rà soát các nội dung điều hành thị trường của Bộ trong những năm qua, chọn lựa, đề xuất các nội dung quản lý thị trường, giám sát doanh nghiệp, các tiêu chuẩn tham gia thị trường và điều kiện hợp đồng để đưa vào Thông tư của Bộ, nhằm minh bạch và đảm bảo các hoạt động quản lý, điều hành phù hợp với quy định của pháp luật.

Tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có nhiều vụ việc khiếu nại, chậm trễ giải quyết khiếu nại phát sinh của người lao động cũng như doanh nghiệp bị phát hiện có dấu hiệu sai phạm về tuyển chọn, đào tạo, thu phí. Trong đó, cơ quan quản lý sẽ chú trọng kiểm tra đột xuất nhằm gia tăng hiệu quả giám sát…

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ LĐTB&XH nghiên cứu, báo cáo về thông tin báo chí phản ánh người lao động Việt Nam tại Đài Loan phải trả phí môi giới lao động quá cao.

Theo báo chí phản ánh, Đài Loan là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 60% tổng số lao động đi nước ngoài. Tuy nhiên, tình trạng thu phí “trên trời” và nạn bỏ trốn khiến Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ đánh mất thị trường này.

Khanh Lê