Cắt giảm phụ cấp, giáo viên kêu trời
Ngay sau khi Nghị định 61 và 116 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có hiệu lực, nhiều giáo viên tại huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) đồng loạt kêu khó và cho rằng so với mặt bằng chung, điều kiện công tác của họ rất khó khăn, việc cắt giảm các khoản phụ cấp đã làm cuộc sống của họ bị đảo lộn.
Trường Tiểu học Hữu Lập, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).
Cuộc sống đảo lộn
Có mặt tại trường tiểu học Hữu Lập, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vào những ngày giữa tháng Ba, cách TP Vinh hơn 300km, trên vùng cao của huyện biên giới xa nhất tỉnh Nghệ An, gặp và trò chuyện với nhiều giáo viên cắm bản nơi đây, mới thấu hiểu nỗi cực nhọc mà hàng ngày họ phải vượt qua.
Trên 90% giáo viên là người đồng bằng, thậm chí là người “chuẩn phố”, người công tác ít nhất là 9 năm, còn người nhiều nhất thì chỉ còn dăm ba tháng nữa là cầm sổ hưu.
Mặc dù vậy, với niềm tự hào gieo chữ giữa đại ngàn, họ chẳng hề ngại khó, kêu ca, trái lại còn tự bỏ công, bỏ sức trèo đèo lội suối “gọi” các em trở lại trường học.
Vậy nhưng, đầu năm 2017, chính những giáo viên này được thông báo sẽ bị cắt giảm một phần trợ cấp vì ngôi trường họ đang công tác đã “hết khó khăn”. Số tiền bị cắt giảm cũng khác nhau, người giảm nhiều thì 2,5-3 triệu/1 tháng, người thấp thì cũng gần một tháng lương cơ bản (tức từ 1,1 – 1,2 triệu đồng/1 tháng). Và cũng bắt đầu từ đây, cuộc sống họ đã bị đảo lộn. Số tiền bị cắt giảm đã kéo theo bao khó khăn cho những giáo viên của trường.
Cô giáo Trần Thị Thảo (trường Tiểu học Hữu Lập), thâm niên 23 năm công tác tại miền núi cao huyện Kỳ Sơn chia sẻ: “Bắt đầu từ tháng 2-2017, chúng tôi được thông báo và chính thức cắt giảm một số khoản phụ cấp vì ngôi trường chúng tôi đang công tác thuộc bản “thoát nghèo”. Bản thân tôi là giáo viên công tác ở miền núi 23 năm, so với giáo viên miền xuôi, chúng tôi có thêm một số phụ cấp của địa phương đặc biệt khó khăn, nhưng giờ thì…”.
Cùng có chung tâm trạng, cô Phạm Thị Hương (SN 1986) là người trẻ nhất, có 9 năm “cắm bản” cho biết “Là người miền xuôi, học xong lên đây công tác, trường có 5 điểm, và toàn điểm rất khó khăn, năm vừa rồi tôi được chuyển về điểm chính (bản Xộp Thạng) thì năm nay nguồn phụ cấp bị cắt giảm, vì điểm trường chính nằm trong bản đã thoát nghèo”. Cùng với nỗi buồn của cô Hương, cô Thảo là 21 giáo viên của trường Tiểu học Hữu Lập.
Chậm tiền trợ cấp
Không những bị cắt giảm, mà ngay cả những nguồn trợ cấp của giáo viên vùng cao này cũng bị chậm rất lâu. Cụ thể, các khoản phụ cấp như thâm niên, lâu năm, chuyển vùng…giáo viên ở đây mới chỉ nhận đến tháng 8-2016. Không những vậy, các khoản trợ cấp cho học sinh khu vực miền núi cũng thuộc diện chậm.
“Theo qui định, học sinh khu vực miền núi thuộc diện khó khăn sẽ được Nhà nước hỗ trợ 100 ngàn đồng/1 học sinh/ 1 tháng, nhưng số tiền này, hầu hết không trả đúng hạn mà luôn chậm.
Thậm chí, số tiền trợ cấp năm 2016 cho học sinh trường Tiểu học Hữu Lập chỉ mới cấp đến 2/2016, nhiều giáo viên đã phải bỏ tiền túi mua đồ dùng học tập cho các em”, một giáo viên cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc nhiều giáo viên vùng cao huyện Kỳ Sơn bị cắt, giảm các khoản phụ cấp từ đầu năm 2017 là quá thiệt thòi.
Bản thân họ là những người từ miền xuôi lên vùng núi cao để dạy học phải đối diện với nhiều khó khăn nên các phụ cấp thêm cho vùng đặc biệt khó khăn là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, đến nay thì nguồn trợ cấp đó bị cắt, bởi vì địa phương của họ công tác đã “thoát nghèo”.
Ông Nguyễn Hồng Hoa – Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn cho biết: “Việc đầu năm 2017, nhiều giáo viên vùng cao của huyện bị cắt, giảm một số khoản phụ cấp là thực hiện theo Nghị định 61 và NĐ 116 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Không chỉ riêng giáo viên của trường Tiểu học Hữu Lập, đầu năm 2017 toàn huyện có thêm 16 bản của 6 xã bị cắt vì “thoát nghèo”, như thế.
Tuy nhiên, so với các vùng khác thì những giáo viên vùng cao vẫn rất thiệt thòi, số tiền bị cắt giảm ấy cũng là cả một vấn đề.
Được biết, tính đến thời điểm hiện nay toàn huyện Kỳ Sơn có 172 thôn, khối, bản thuộc 21 xã, thị trấn vẫn đang thuộc diện xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, 24 thôn, khối, bản thoát khỏi cảnh hộ nghèo.