UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu làm rõ việc ‘hút cát biển Cửa Đại mang bán’

Thành Nhân 24/03/2017 13:52

Sáng ngày 24/3, ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định: UBND tỉnh vừa chỉ đạo điều tra, làm rõ việc thông tin dư luận phản ánh về bơm hút và vận chuyển cát trái phép tại khu vực Cửa Đại, Hội An.

Bờ biển Cửa Đại bị sạt lở nghiêm trọng.

Tại Văn bản số Số 1324/UBND-KTN, UBND tỉnh Quảng Nam giao cho Sở Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức kiểm tra, xác định rõ các đơn vị hợp đồng thi công, phương tiện, thiết bị phục vụ và phạm vi thi công của các dự án nạo vét luồng đường thủy Cửa Đại và kè khẩn cấp xâm thực bờ biển Cửa Đại, thành phố Hội An; phát hiện và xử lý nghiêm các đơn vị bơm hút và vận chuyển cát trái phép, thi công ngoài phạm vi các dự án và không đúng nội dung hợp đồng đã ký kết.

Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng để điều tra làm rõ, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm.

Người dân cho rằng, đã có nhiều tàu hút cát biển Của Đại đi bán ngoài Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Hồng Quang khẳng định: “Chúng tôi sẽ cương quyết xử lý các sai phạm nếu có. Tỉnh Quảng Nam không cho phép chuyện hút cát rồi chở ra san lấp ở Đà Nẵng. Tỉnh chỉ phê duyệt dự án dùng tiền ngân sách của tỉnh để nạo vét và tận dụng cát đó để lấp cát cho bở biển Cửa Đại đang bị sạt lở”.

Còn theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, hiện biển Cửa Đại, Hội An đang bị sạt lở rất nghiêm trọng, nguyên nhân cũng là do thiếu hụt lượng cát quá lớn. Do đó, thành phố mới chỉ đạo phải bơm cát vào biển Cửa Đại để tái tạo lại bãi biển. Vì vậy, không có việc Hội An cho phép doanh nghiệp hút cát từ Cửa Đại trở đi nơi khác. “Tuyệt đối nghiêm cấm các phương tiện vận chuyển cát ra khỏi khu vực dự án” - ông Hùng khẳng định.

Gần đây, dư luận phản ánh, có một số đơn vị thi công những gói thầu dự án khẩn cấp để chống sạt lở bờ biển Cửa Đại cũng như nạo vét thông luồng khẩn cấp để giải quyết thực trạng bồi lấp cục bộ tại cửa sông Thu Bồn gần biển Cửa Đại.

Do hai dự án cùng triển khai trong một lúc, việc bơm, hút vận chuyển cát được triển khai rầm rộ cả ngày lẫn đêm, rất khó phân biệt tàu thuyền nào phục vụ dự án, đã có nhiều tàu lợi dụng hút cát chở ra Đà Nẵng để bán.

Qua tìm hiểu chúng tôi, trước thực trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại, từ tháng 11/2016, Quảng Nam đã triển khai dự án xây kè khẩn cấp chống xâm thực bờ biển Cửa Đại với quy mô lên đến 60 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Phương thức xây kè mềm bằng bao cát (túi địa kỹ thuật) có trọng lượng khoảng 300 tấn, chiều dài 20 m, cao 5 m để thả ngầm xuống dưới biển, chắn sóng, chống biển xâm thực trên suốt chiều dài 1,6 km.

Nỗ lực cứu bờ biển Cửa Đại bằng kè cát.

Tiếp theo là thuê các tàu vận tải biển cỡ lớn, hút cát tại cửa sông Thu Bồn gần biển Cửa Đại để bơm vào phía trong bờ kè này, tạo bãi cát nhân tạo, với khối lượng ban đầu là 70.000 m3.

Cũng tại thời điểm này, Bộ GTVT cũng có một dự án nạo vét luồng khẩn cấp để giải quyết thực trạng bồi lấp cục bộ tại cửa sông Thu Bồn, tạo điều kiện cho tàu thuyền ra vào sông, với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương.

Chính quyền tỉnh Quảng Nam đã cho phép hút cát ở dự án nạo vét thông luồng này đổ vào bờ “kè mềm” của dự án chống sạt lở bở biển Cửa Đại với khối lượng 80.000 m3.

Người dân cho rằng, lợi dụng hoạt động đan xen của hai dự án đã có nhiều con tàu khác vào hút trộm cát để ra bán cho các dự án lấn biển tại Đà Nẵng.

Trước phản ánh của người dân, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo lực lượng chức năng, kiểm tra xử lý vụ việc. Gần đây Bộ đội biên phòng đã phục kích, truy đuổi, bắt quả tang 4 tàu biển đang trên đường chở cát Cửa Đại ra hướng Đà Nẵng. Tuy nhiên, khi lập biên bản, các chủ tàu này chối cho rằng mình bị chạy lạc vào vùng biển Cửa Đại.

Thành Nhân