Miền Nam thiếu điện nhưng các dự án nhiệt điện vẫn 'không vội được đâu'
Kiểm tra tại hiện trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng bức xúc vì miền Nam đang thiếu điện nhưng 2 dự án rất quan trọng có ý nghĩa quyết định hỗ trợ cho miền Nam là Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 và Sông Hậu lại đang bị chậm tiến độ.
Ngày 24/3, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã có buổi kiểm tra tiến độ, tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án Trung tâm điện lực Sông Hậu tại Cụm Công nghiệp tập trung Phú Hữu A, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, Hậu Giang.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tham quan NMNĐ Sông Hậu 1.
Chậm trễ sẽ bị vỡ trận
Theo Ban quản lý dự án Trung tâm điện lực Sông Hậu: Dự án có quy mô khoảng 355 ha, gồm: cơ sở hạ tầng chung và 3 nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Sông Hậu 1, 2 và 3, với tổng công suất 5.200 MW.
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án, hiện NMNĐ Sông Hậu 1 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư đang tiến hành giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng và đã thi công xong nhà điều hành, hệ thống cấp điện, hệ thống cấp nước thi công, hoàn thành cảng thiết bị. Tổng vốn đầu tư NMNĐ Sông Hậu 1 là 43.000 tỷ đồng.
Riêng NMNĐ Sông Hậu 2 (do Tập đoàn Toyo của Malaysia làm chủ đầu tư) và NMNĐ Sông Hậu 3 (do Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển Năng lượng Việt Lào làm chủ đầu tư) đang trong quá trình triển khai các thủ tục đầu tư.
Dự kiến, NMNĐ Sông Hậu 1 sẽ vận hành vào năm 2019; NMNĐ Sông Hậu 2 có tổ máy một sẽ vận hành vào năm 2021, tổ máy 2 vận hành năm 2022; NMNĐ Sông Hậu 3 đang trình Thủ tướng bổ sung quy hoạch.
Theo ông Vũ Huy Quang, Trưởng Ban quản lý Dự án Điện lực dầu khí Sông Hậu 1: Dự án NMNĐ Sông Hậu 1 bị chậm tiến độ 17% (hơn 12 tháng). Trong quá trình triển khai, chủ đầu tư gặp một số vướng mắc, như việc chọn nhà thầu, mua sắm thiết bị phục vụ dự án. Chính những vướng mắc và chậm trễ đã kéo theo thiết kế thi công chậm.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó Tổng Giám đốc PVN đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương cần xem xét, chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đẩy nhanh công tác xây dựng đường dây 500 kV Sông Hậu - Đức Hoà để đáp ứng tiến độ cung cấp điện phục vụ chạy thử, nghiệm thu NMNĐ Sông Hậu 1 vào đầu năm 2018.
Về phía địa phương, ông Nguyễn Hùng Dũng cũng đề nghị chính quyền cần xử lý tốt các vấn đề liên quan đến việc di dời dân cũng như thực hiện các chính sách cho người dân trong vùng giải toả. Đề nghị địa phương phối hợp chặt chẽ với PVN để thực hiện các chính sách này.
Ông Vũ Huy Quang cũng đề nghị Phó Thủ tướng: “Chỉ đạo các Bộ ngành sớm thực hiện chọn các gói thầu FGD, nếu gói thầu này mà chậm trễ sẽ bị vỡ trận…”. Ngoài ra ông Quang cũng đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang tiếp tục chỉ đạo để các Sở, ngành của địa phương có hỗ trợ cho PVN và Ban QLDA sớm được giao đất và tiến hành các thủ tục đầu tư xây dựng khu nhà ở cho CBCNV vận hành nhà máy ngay từ quý II-2017.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị.
Dân mong chờ các dự án điện
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Hiện nhu cầu sử dụng điện của Sóc Trăng rất lớn, nhất là đối với hoạt động nuôi trồng thuỷ sản, cụ thể là nuôi tôm phải sử dụng nguồn điện rất lớn, Nhà máy nhiệt điện Long Phú sớm đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được nguồn điện cho địa phương.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua khi giải phóng mặt bằng để thực hiện nhà máy nhiệt điện, người dân ở các dự án tạo điều kiện thuận lợi và rất trông chờ dự án mau chóng được thực hiện.
Ngoài ra các vấn đề thuộc về trách nhiệm của địa phương trong việc phối hợp thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện, Sóc Trăng cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để dự án được triển khai thuận tiện.
Ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang cũng kiến nghị: Phó Thủ tướng và các Bộ ngành sớm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc các cơ chế để Dự án NMNĐ Sông Hậu 1 sớm triển khai. Đối với dự án NMNĐ Sông Hậu 2, đề nghị Phó Thủ tướng sớm chỉ đạo đàm phán giá để thực hiện dự án đúng theo lộ trình.
Cũng theo ông Trần Công Chánh, gần đây có một số nhà đầu tư muốn đầu tư năng lượng điện mặt trời tại địa phương. Đề nghị Phó Thủ tướng và Bộ Công Thương tạo điều kiện để các nhà đầu tư năng lượng tái tạo được triển khai tại địa bàn.
Giải quyết tình trạng "điện nơi thừa nơi thiếu"
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của chủ đầu tư và các nhà thầu, các nhà tư vấn, đặc biệt là sự vào cuộc của 2 địa phương Sóc Trăng và Hậu Giang trong thời gian triển khai các dự án.
Phó Thủ tướng cho biết: Hiện nay nhu cầu sử dụng điện cả nước liên tục tăng dự kiến đến năm 2020 công suất nguồn khoảng 60.000 MW, đến 2030 là 129.000 MW. Tuy nhiên, cơ cấu sử dụng điện ở các khu vực vùng miền cũng khác nhau. Hiện miền Bắc và miền Trung đang thừa điện. Trong khi đó miền Nam đang thiếu điện, hiện nay đang phải hỗ trợ truyền tải điện từ khu vực miền Bắc và miền Trung vào miền Nam thông qua đường dây tải điện 500 kW.
"Khu vực miền Nam theo đánh giá, nguy cơ thiếu điện vào những năm 2018 năm 2019 và năm 2020 vô cùng nghiêm trọng. Nếu chúng ta không có giải pháp để sớm khắc phục thì nguy cơ thiếu điện rất cao". Vì vậy, theo Phó Thủ tướng, cần đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư nguồn điện, đặc biệt là các nguồn điện khu vực phía Nam, nâng cấp các hệ thống truyền tải điện là vấn đề trọng tâm năm 2017 và các năm tiếp theo.
Trong khi đó 2 dự án rất quan trọng có ý nghĩa quyết định hỗ trợ cho miền Nam không bị thiếu điện là NMNĐ Long Phú 1 và Sông Hậu lại đang bị chậm tiến độ.
Phó Thủ tướng đề nghị thời gian tới cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; đảm bảo chất lượng công trình, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành khai thác sử dụng điện...
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu quá trình thực hiện dự án phải đảm bảo an toàn trong vận hành, trong thực hiện dự án không để xảy ra sự cố làm thiệt hại đến tính mạng và tài sản, không để xảy ra sự cố môi trường. Đảm bảo hiệu quả, tăng cường kiểm soát, khắc phục thất thoát lãng phí.
Để các dự án NMNĐ sớm đi vào hoạt động, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương tăng cường chỉ đạo kiểm tra định kỳ, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện tiến độ đầu tư, đưa công trình sớm hoạt động, xử lý các trường hợp không đảm bảo tiến độ. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh triển khai các dự án điện tái tạo, như điện gió và điện năng lượng mặt trời.
Đối với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch cần đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án. Bộ Xây dựng hướng dẫn các cách xác định chi phí hợp đồng, phối hợp với Bộ Công Thương, chủ đầu tư thực hiện đề án xử lý tro xỉ. Còn đối với Bộ TN&MT cần kiểm soát chặt chẽ vấn đề môi trường của các công trình, các nguồn điện đặc biệt là các công trình nhiệt điện, điện than với chủ trương vừa có điện vừa đảm bảo môi trường.