Trung Quốc: Ô nhiễm không khí đỉnh điểm trong 2 tháng đầu năm

K.D. 24/03/2017 18:35

Chất lượng không khí ở Trung Quốc lên tới mức tồi tệ nhất trong 2 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2016, sau hàng loạt các vụ khói bụi gây ô nhiễm ở miền Bắc nước này, dữ liệu chính thức công bố hôm 24/3 cho thấy.

Tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng diễn ra ở Bắc Kinh. (Nguồn: AP).

Chính quyền Trung Quốc cho hay, họ đang chiến thắng trong “cuộc chiến chống ô nhiễm” sau khi tăng cường các quy định môi trường, tăng cường khả năng quản lý và triệt hạ hàng trăm nhà máy gây ô nhiễm. Bắc Kinh thông báo, chất lượng không khí trung bình đã được cải thiện đáng kể trong năm 2016.

Bộ trưởng Môi trường Trung Quốc Chen Jining hồi đầu tháng này đã kêu gọi báo giới trong nước tập trung hơn vào xu thế chung, trong đó cho thấy Trung Quốc đang đạt bước tiến nhanh chóng trong nỗ lực chống ô nhiễm, dù một số vấn đề nghiêm trọng vẫn còn chưa được giải quyết.

Tuy nhiên, trong tháng 1 năm nay, tình trạng đốt than đá để sưởi ấm trong tiết trời giá rét đã tạo nên tình trạng khói bụi ô nhiễm dày đặc ở khu vực phía Bắc nước này, buộc hàng chục thành phố phải đưa ra mức “báo động đỏ” nhằm hạn chế các hoạt động công nghiệp và giảm tải giao thông.

Dữ liệu thu thập từ 338 thành phố trong 2 tháng đầu năm nay cho thấy mật độ tập trung số hạt PM2.5 - chỉ số đo mức độ ô nhiễm không khí - đã tăng 12,7%, tức lên 71 microgram/mét khối, so với cùng kỳ năm ngoái; Bộ Môi trường Trung Quốc cho hay. Các thành phố cần phải giảm chỉ số PM2.5 xuống còn 35 microgram/mét khối mới có thể đạt tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc gia.

Dữ liệu của cơ quan này cũng cho thấy chỉ số PM2.5 ở thủ đô Bắc Kinh trong tháng 1 vừa qua lên tới 95 microgram/mét khối, tăng tới 69,6% so với cùng thời điểm năm ngoái. Chỉ số PM2.5 trung bình ở Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc lên tới 111 microgram/mét khối, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hà Bắc vốn bao quanh Bắc Kinh nhưng có mức độ ô nhiễm không khí nặng nề nhất. Chính quyền tỉnh này cho hay họ sẽ trồng thêm nhiều cây xanh, thiết lập vành đai xanh và tận dụng các con sông để tạo nên một vành đai bảo vệ thủ đô khỏi tình trạng ô nhiễm không khí.

K.D.