Đối diện với barie vô hình

Minh Phương 25/03/2017 08:35

Mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2020 cả nước có 1 triệu doanh nghiệp (DN), song để mục tiêu này có thể đạt được, môi trường kinh doanh phải thực sự thông thoáng để giúp cộng đồng DN có động lực phát triển nâng sức cạnh tranh.

Theo một số chuyên gia kinh tế, từ câu chuyện về các DN ngành gas hay kinh doanh taxi trong thời gian qua, điều kiện kinh doanh đang trở thành rào cản DN. Điều này tất yếu ảnh hưởng đến nỗ lực vươn tới con số 1 triệu DN của Chính phủ.

Phải gánh đến 10 điều kiện kinh doanh, taxi truyền thống khó cạnh tranh.

Doanh nghiệp bức xúc

Hẳn ai trong giới doanh nhân cũng nắm rất rõ vấn đề bất cập đang gây bức xúc đối với các DN ngành khí gas trong thời gian qua. Nguyên nhân dẫn đến những bức xúc của các DN ngành này bắt đầu nảy sinh kể từ khi Nghị định 19/NĐ-CP có hiệu lực. Nhiều DN gas phản ánh, Nghị định này ra đời đã đẩy hàng loạt DN kinh doanh khí gas đến bên bờ vực phá sản. Bắt nguồn từ các quy định về quy mô và số lượng bình gas mà mỗi chủ DN buộc phải có nếu muốn tham gia kinh doanh lĩnh vực này.

Bà Nguyễn Thị Thùy Trang- chủ một cơ sở kinh doanh khí gas thuộc tỉnh Khánh Hòa khi trao đổi với PV Đại Đoàn Kết đã rất bức xúc khi đưa ra nhận định: “Kinh doanh trên thương trường, chúng tôi không thua vì thị trường, khách hàng, mà chúng tôi chết vì bị DN lớn “dìm”, chết vì các rào cản, chính sách của Nhà nước”. Sở dĩ bà Trang nói như vậy là bởi, các quy định về bồn chứa, kho chứa gas và số lượng bình gas được nêu ra trong Nghị định 19 đã gây áp lực quá lớn lên vai các DN. “Để đáp ứng được các quy định đó, mỗi DN chúng tôi phải bỏ ra thêm 25-30 tỷ đồng để đầu tư, trong khi ở các vùng miền, số lượng bình gas và quy mô quá lớn như vậy là không cần thiết”- bà Trang cho biết.

Chỉ vì bức xúc với những quy định bất hợp lý được đưa ra trong Nghị định 19 về kinh doanh khí, mà từ giữa năm 2016 đến nay, hơn 40 DN nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực kinh doanh này trên cả nước đã nhiều lần phải tập trung lại để lặn lội ra Hà Nội bày tỏ tâm tư nguyện vọng, nỗi bức bối của mình với nhà quản lý. Giống như bà Trang, DN của ông Hà Thanh Tùng (Giám đốc Công ty TNHH Đông Tùng - Hà Giang) cũng là một trong những “nạn nhân” của Nghị định 19.

Cũng theo ông Tùng, ở các địa điểm thuộc vùng miền xa xôi như Hà Giang, nếu DN phải đáp ứng đủ điều kiện đưa ra trong Nghị định 19 thì DN không thể sống được, vì số tiền đầu tư quá lớn, trong khi, số khách hàng ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, miền núi là rất ít, không phải đông đảo như ở các thành phố lớn. Việc đưa ra quy định như vậy là nhà quản lý đang cố tình làm khó các DN nhỏ và vừa.

Hỗ trợ hay cản trở?

Có thể thấy, các DN hiện nay đang chịu rất nhiều áp lực từ chính sách. Tương tự các DN ngành khí gas, các DN hoạt động trong lĩnh vực taxi cũng phải chịu hàng loạt những quy định bất hợp lý khiến cho họ khó có thể phát triển mạnh mẽ được. Theo đó, taxi truyền thống muốn hoạt động phải chịu đến 10 điều kiện kinh doanh từ việc kiểm định, lắp đồng hồ trên xe, đăng ký tần số sóng, lái xe phải được tập huấn bởi cơ quan nhà nước...

Theo ông Phan Đức Hiếu- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), chính hàng loạt các điều kiện kinh doanh áp đặt trên vai các DN taxi truyền thống đã khiến họ không thể cạnh tranh được với Uber hay Grab. “Không phải các DN Việt Nam ì ạch, chậm đổi mới mà chính các điều kiện kinh doanh, chính sách của nhà quản lý khiến họ không thể áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến”- ông Hiếu nêu ý kiến. Bởi vậy, theo vị chuyên gia này, thay vì xem xét nên cấm hay hạn chế taxi Uber, Grabtaxi, chúng ta nên gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh cho DN taxi truyền thống để họ có thể tự cạnh tranh một cách bình đẳng. Điều này cũng tương tự đối với các DN ngành gas. “Điều kiện kinh doanh coi là một công cụ cần thiết đối với nhà quản lý trong việc điều hành và giữ cho môi trường kinh doanh ổn định, nhưng quá lạm dụng thì sẽ cản trở sự phát triển”- ông Hiếu nhận định.

Nhiều ý kiến chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động của cộng đồng DN bằng những chính sách cứng nhắc, khắt khe. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, thay vì đưa ra các chính sách không khác gì rào cản, Nhà quản lý cần tìm các giải pháp để hỗ trợ tạo cơ hội để các DN có động lực sáng tạo, mở rộng quy mô. Nếu không, nhà quản lý lại đang tạo ra những tấm barie vô hình cản trở và làm giảm sức cạnh tranh của cộng đồng DN.

Minh Phương