Bịt lỗ hổng để chống tham nhũng

Việt Thắng 26/03/2017 08:00

Tại Hội thảo hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp để góp phần bảo đảm lợi ích cho hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, do Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP phối hợp tổ chức, GS.TS Trần Ngọc Đường- Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, việc “chạy án” có 2 lý do cơ bản. Thứ nhất là do hệ thống thủ tục của ta chưa chặt chẽ, chưa bịt kín được các lỗ hổng. Thứ hai là do ngườ

Quang cảnh hội thảo.

Tại Hội thảo, Báo cáo về hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp để góp phần bảo đảm lợi ích cho hoạt động kinh doanh tại Việt Nam của nhóm nghiên cứu đã chỉ rõ nguy cơ tiêu cực, tham nhũng ngay trong việc tiếp nhận đơn khởi kiện, hoặc yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự. Đây là giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng khi người dân, doanh nghiệp chính thức yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.

Ngược lại Tòa án cũng chính thức xác nhận có hay không việc thụ lý vụ việc. Vì vậy giai đoạn này rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp khi quyền, lợi ích hợp pháp không được bảo vệ một cách kịp thời hoặc làm phát sinh chi phí không chính thức.

PGS.TS Trần Văn Độ- nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đã chỉ ra những tiêu cực trong việc tiếp nhận hồ sơ, dẫn đến việc có “bôi trơn” thì mới giải quyết nhanh.

Ông Độ cho biết, ở nước ngoài phân công thẩm phán bằng hình thức bấm nút, tức là bấm phải nút nào thì xử vụ đó. Còn ở ta thụ lý và xét xử là một cho nên đương sự chỉ cần theo từ lúc thụ lý là đi đến cuối cùng vụ án. Ở nước ngoài bộ phận thụ lý khác với bộ phận xét xử để không tạo điều kiện cho đương sự “bám” theo. “Như thế vừa độc lập và kiểm soát lẫn nhau”- ông Độ nói và cho rằng cần phải có những quy định để phòng tránh xảy ra tiêu cực.

Còn theo ông Nguyễn Tuấn Anh- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, cần cơ chế để đảm bảo tuân thủ Bộ quy tắc ứng xử của Tòa án. Bên cạnh việc xử lý kỷ luật cán bộ làm sai thì cần hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử của Tòa án, các chức danh tư pháp để ngăn chặn tham nhũng, rồi đó còn là tiêu chí để còn giám sát.

GS.TS Trần Ngọc Đường- Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh, vì liên quan đến lợi ích nhóm. Nhắc lại cách đây 10 năm trên cương vị là ĐBQH khóa XI, giữa nghị trường ông đã đề cập đến việc trong xã hội có tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy bằng cấp”, và có cả chuyện “chạy án”.

Ông Đường cho rằng, trong đời sống xã hội đã “chạy” được án thì không có gì không “chạy” được. Bởi “chạy án” rất khó, liên quan đến hoạt động tố tụng hết sức chặt chẽ giữa 3 cơ quan: điều tra, truy tố, xét xử có chế ước lẫn nhau.

Theo ông Đường, việc chạy án có 2 lý do cơ bản. Thứ nhất là do hệ thống thủ tục của ta chưa chặt chẽ, chưa bịt kín được các lỗ hổng, bởi có kẽ hở mới “chạy” chứ kín thì không thể “chạy” được. Thứ hai là do người dân chưa tin tưởng tuyệt đối vào bản án, chưa tin tưởng về việc đảm bảo công bằng, công lý. Ở nước ngoài họ coi bản án là “thượng đế”, tôn trọng tuyệt tối thượng tôn pháp luật, nhưng ở ta lại chưa tin tưởng nên phải “chạy”.

Từ đó ông Đường nhìn nhận, đó là do thủ tục của ta có kẽ hở dẫn đến tiêu cực, tham nhũng. Pháp luật hiện chưa ngăn cấm mối quan hệ giữa những người trong Hội đồng xét xử (bao gồm thẩm phán, kiểm sát viên) với luật sư. Vậy làm sao để không tiếp xúc giữa họ, vì tiếp xúc sẽ tìm kẽ hở trong quá trình bàn bạc hồ sơ làm nảy sinh tham nhũng.

“Tôi rất ấn tượng với câu nói của Chánh án Úc đó là trong đời làm thẩm phán 40 năm ông thấy sung sướng là chưa hề nhận được điện thoại, hay ai đó nhờ vấn đề gì, thậm chí là người nhà. Còn ở ta có những tác động làm thay đổi bản án dựa vào các kẽ hở trong điều tra. Nếu bịt được các chỗ này chúng ta sẽ giảm tham nhũng”- ông Đường nói và nhấn mạnh, muốn giảm bớt tham nhũng trong hoạt động tư pháp cần thực hiện nguyên tắc chế ước lẫn nhau giữa 3 cơ quan: điều tra, truy tố, xét xử. Bởi theo ông, hiện vấn đề này đang còn hạn chế, không đảm bảo tính chế ước nhau mà còn tình trạng xuê xoa, nể nang.

Việt Thắng