Gỡ khó cho đồng bào dân tộc thiểu số

Nhã Phương - Khanh Lê (thực hiện) 26/03/2017 10:00

Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong năm qua, Mặt trận tỉnh Hòa Bình đã có những cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Ông Bùi Đình Giót- Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ tỉnh Hòa Bình đã khẳng định như vậy với báo Đại Đoàn Kết.

Ông Bùi Đình Giót.

PV:Để đảm bảo đời sống cho đồng bào DTTS, trong những năm qua tỉnh Hòa Bình đã có những mô hình mới, cách làm hay. Riêng về công tác giám sát và phản biện về chính sách dân tộc của Mặt trận tỉnh Hòa Bình đã đạt được trong thời gian qua như thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Đình Giót: Đối với tỉnh Hòa Bình, kết quả giám sát về chính sách dân tộc chúng tôi đạt được ngoài mong đợi. Qua 2 năm triển khai, nguồn vốn từ chương trình 135 đã được tỉnh đầu tư làm đường giao thông nông thôn với mức đầu tư khoảng 12 tỷ đồng.

Đến nay các công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân. Ngoài ra, các chương trình hỗ trợ sản xuất giống, vốn, chuyển giao KHKT năm 2015 đã triển khai tới 35/36 xóm với mức đầu tư khoảng 6 tỷ đồng.

Trong năm 2016, qua việc đi giám sát 4 huyện và khảo sát tại 11 huyện về chính sách cho đồng bào dân tộc cho thấy các cấp chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã tích cực vào cuộc góp phần vào thành công chung của hoạt động giám sát này.

Vậy, thưa ông qua hoạt động giám sát chính sách cho đồng bào DTTS thì những hạn chế gặp phải nhiều nhất là gì?

- Nhìn chung, những chính sách về đồng bào DTTS của Đảng, Nhà nước đã đến được với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, đâu đó vẫn có những hạn chế nhất định. Có lẽ, hạn chế lớn nhất là một số cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn chưa quan tâm sâu sắc đến chính sách dân tộc. Qua việc tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát một số nơi thì thấy hiệu quả về chính sách, dân tộc vẫn chưa đạt được như mong muốn.

Ví dụ như việc hỗ trợ muối Iốt cho đồng bào DTTS nhưng chất lượng muối chưa đảm bảo; đầu tư hạt giống để phục vụ sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc vào thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu từng địa phương nên một số nơi năng suất không cao; việc tuyên truyền, vận động chính sách đến từng hộ đồng bào dân tộc còn mức độ….

Ngoài ra, khi giám sát về dân tộc thì phải đi đến những vùng sâu, vùng xa, địa hình rất khó khăn nên muốn đi giám sát phải mất một thời gian dài chuẩn bị trong khi người trực tiếp tham gia giám sát hạn chế. Trong năm 2016, ngoài chủ trương của Đảng, Nhà nước tỉnh Hòa Bình cũng đã có dự án trực tiếp đầu tư vào 36 xóm đặc biệt khó khăn trong tỉnh.

Tuy nhiên, việc thực hiện đầu tư về tài chính theo từng giai đoạn, từng quý và năm chưa đảm bảo. Ngoài ra, kinh phí Trung ương đề ra khi thực hiện chính sách này như vậy nhưng khi về tới địa phương thì số tiền lại không đủ theo như đề án hỗ trợ.

Đời sống bà con dân tộc ngày càng khởi sắc.

Đối với 36 xóm đặc biệt khó khăn được tỉnh hỗ trợ, để bà con không có tâm lý ỉ lại, trông chờ Nhà nước mà phải nỗ lực vươn lên bằng chính đôi tay, khối óc của mình, Mặt trận tỉnh đã có cách tuyên truyền như thế nào để bà con nhận thức được việc đó?

- Đối với việc trông chờ ỉ lại, không chịu vươn lên thoát nghèo của một bộ phận người nghèo ở đâu cũng có. Quan trọng là phải làm tốt công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức vượt nghèo chỉ trong ngày một ngày hai rất khó nhưng nếu chúng ta bền bỉ tuyên truyền, thuyết phục kết hợp với tư vấn thì sẽ khắc phục được việc này.

Ví dụ, thay vì hỗ trợ tiền thì chúng ta sẽ mua dê, bò để bà con có công ăn việc làm. Sau một năm những con dê, con bò đó sẽ sinh con bê con và người nghèo sẽ thoát được nghèo từ đấy. Câu chuyện về cần câu và con cá luôn đúng nếu chúng ta biết áp dụng đúng cách.

Theo chủ trương từ Trung ương, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể sẽ cùng phối kết hợp để không sót hộ nghèo; không để hộ nghèo cùng cực nào mà Mặt trận và các tổ chức đoàn thể không biết để giúp đỡ. Vậy, Mặt trận tỉnh Hòa Bình đã có cách rà soát hộ nghèo như thế nào để mang lại hiệu quả lớn nhất, thưa ông?

- Để giúp người nghèo thoát nghèo bền vững, nhất là không để người nghèo không được tổ chức, cá nhân nào giúp đỡ, trong năm 2016, UBND tỉnh Hòa Bình đã giao cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện.

Ở góc độ Mặt trận khi vận động Quỹ Vì người nghèo tại địa bàn dân cư thì một phần số tiền vận động sẽ được trang trải cho người nghèo tại địa phương và những đối tượng nghèo đó sẽ phân công các tổ chức đoàn thể quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ.

Việc cấp phát giống, muối Iốt, gạo… cũng như các vật tư khác, đâu đó vẫn có trường hợp ưu tiên người nhà, người thân. Vậy theo ông, để không xảy ra tình trạng trên, Mặt trận tỉnh đã có chính sách giám sát như thế nào?

- Đối với việc giám sát chính sách dân tộc của tỉnh, trong năm 2016 chúng tôi không để xảy những trường hợp đáng tiếc như vậy. Tuy nhiên, để tránh những trường hợp xấu xảy ra khi tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo chúng tôi thường phối kết hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể để cùng giám sát.

Ví dụ, khi hỗ trợ một hộ nghèo nào đó chúng tôi phải tổ chức họp KDC để bình chọn. Trong cuộc họp đó nhất thiết phải có Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố hoặc trưởng, phó thôn, trưởng ban CTMT và các tổ chức đoàn thể chứng kiến và nếu được mới thông qua.

Trân trọng cảm ơn ông!

Để giúp người nghèo thoát nghèo bền vững nhất là không để người nghèo không được tổ chức, cá nhân nào giúp đỡ, UBND tỉnh Hòa Bình đã giao cho Sở LĐTBXH triển khai thực hiện. Ở góc độ Mặt trận khi vận động Quỹ Vì người nghèo tại địa bàn dân cư thì một phần số tiền vận động sẽ được trang trải cho người nghèo tại địa phương và những đối tượng nghèo đó sẽ phân công các tổ chức đoàn thể quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ.

Nhã Phương - Khanh Lê (thực hiện)