Dừng cười với 'bóng cười'

Thanh Xuân 26/03/2017 08:00

Tối 23/3 vừa qua, lực lượng liên ngành của Hà Nội đã tiến hành kiểm tra hai điểm tập kết số lượng lớn bình “khí cười” tại phố Thanh Hà và Đào Duy Từ và đã tạm giữ khoảng 40 bình khí này vì chưa xuất trình được giấy tờ chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Được biết, mới đây, Công an TP Hà Nội đã đưa ra đề xuất cấm bán bóng cười cho người trẻ trên địa bàn thành phố. Đề xuất này được lãnh đạo TP Hà Nội nhất trí và yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu và sớm triển khai.

Có thể nói phong trào hít “bóng cười” thời gian gần đây đang nổi lên và được giới trẻ Việt Nam sử dụng tràn lan tại các quán bar. Tác hại và hệ lụy của bóng cười đã được các chuyên gia cảnh báo rất nhiều. Theo đó, chất khí trong các quả bóng cười là hợp chất hóa học nitrous oxide (N2O) không màu, không mùi, có vị ngọt, kích thích niêm mạc đường hô hấp.

Chất khí này có tác dụng gây tê, gây mê, đặc biệt hay được dùng để giảm đau trong nha khoa, nếu lạm dụng có thể dẫn đến bị giảm nhịp tim đột ngột, thiếu hụt vitamin B12 và gây bệnh thiếu máu. Nhất là đối với trẻ vị thành niên, bóng cười sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện hệ thần kinh, trí nhớ giảm sút, gây hậu quả lâu dài.

Và xét về góc độ khoa học, TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Trưởng Khoa Lâm sàng (Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương) cho biết, trong bóng cười có nitơ oxit thường được sử dụng bởi các nha sĩ để giảm đau, nhưng chỉ dùng trong phòng khám nha khoa chuyên sâu, nitơ được trộn với oxy và cung cấp thông qua một mặt nạ, trong khi hít oxit nitơ trực tiếp từ một hộp gây giảm lưu lượng oxy tới não, hoặc một bộ phận của cơ thể.

“Nếu oxy không được cung cấp đầy đủ liên tục trong một vài phút có thể dẫn đến tổn thương não hoặc thậm chí tử vong”, TS Thu phân tích.

Trên thế giới cũng ghi nhận nhiều ca tử vong do bóng cười gây ra. Đơn cử như tại Anh đã xảy ra một số vụ chết người có liên quan đến sử dụng bóng cười. Đây cũng là lý do mà Chính phủ Anh đã chính thức cấm bán bóng cười cho trẻ dưới 18 tuổi kể từ tháng 5/2015. Tương tự, mỗi năm nước Mỹ cũng có 15 trường hợp tử vong vì bóng cười.

Báo chí đã nhiều lần cảnh báo về mức độ nguy hiểm của việc này, nhưng hiện bóng cười vẫn được xem là thú vui mà giới trẻ tìm đến. Các cơ quan chức năng cũng đã cho thấy những động thái không thờ ơ với những tràng cười vô thức của giới trẻ.

Về phía các bậc phụ huynh, sau một thời gian dài lầm tưởng hít bóng chỉ là thú vui hết sức bình thường của con trẻ, qua các phương tiện truyền thông họ cũng phần nào có cái nhìn thấu đáo hơn về tác hại của bóng cười. Nhiều người hy vọng đề xuất này được thực thi quyết liệt và ở khắp các tỉnh, thành khác trong cả nước.

Thanh Xuân