Phòng chống tiêu cực: Tránh việc đương sự tiếp xúc với thẩm phán
Tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp hiện đang có những ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp khi quyền, lợi ích hợp pháp không được bảo vệ một cách kịp thời hoặc làm phát sinh chi phí không chính thức. Đáng chú ý nguy cơ tiêu cực, tham nhũng xảy ra ngay ở khâu đầu tiên trong hoạt động tư pháp trong việc tiếp nhận đơn khởi kiện, hoặc yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự.
Trao đổi với ĐĐK, PGS TS Trần Văn Độ- nguyên Phó Chánh án TANDTC cho rằng: Bây giờ phải ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tiếp nhận. Như thế đương sự sẽ không tiếp xúc được với cán bộ thụ lý, tránh nguy cơ tiêu cực.
PGS TS Trần Văn Độ.
PV:Thưa ông, hiện tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp có thể xảy ra ở ngay quá trình tiếp nhận đơn khởi kiện. Đây là giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng khi người dân, doanh nghiệp chính thức yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp. Vậy làm sao để ngăn chặn tình trạng này?
PGS TS Trần Văn Độ: Bây giờ phải ứng dụng công nghệ thông tin vào trong tiếp nhận. Như thế đương sự sẽ không tiếp xúc được với cán bộ thụ lý. Còn nếu cứ gặp trực tiếp thì sẽ tạo nguy cơ cho tiêu cực.
Bây giờ Tòa án một cửa, cán bộ nhận ở cửa này thụ lý đơn xong hẹn đến mấy ngày trả. Hẹn ngày trả là để cho người ta biết trường hợp tài liệu thiếu thì bảo họ về bổ sung thêm, còn đã đủ hồ sơ thì thông báo tiếp nhận đơn, thụ lý vụ án. Như thế sẽ đỡ đi. Vì tình ngay lý gian, càng tiếp xúc với nhau thì càng dễ tìm ra con đường đi tắt, nảy sinh tiêu cực.
Nhưng nếu người ta không tiếp xúc với nhau ở cơ quan Tòa án mà tiếp xúc ở bên ngoài thì sao, thưa ông?
- Hiện bây giờ đã có Quy chế Thẩm phán rồi, tức là không tiếp xúc riêng. Hiện nay một số người có phản ứng cho rằng vậy bạn bè đi nhậu với nhau thì không được hay chăng? Nhưng ở đây là không tiếp xúc riêng trong công việc thôi, còn không nói việc cá nhân khác.
Thưa ông, vậy chúng ta kiểm soát việc tiếp xúc thế nào?
- Vấn đề là kiểm soát và tổ chức kiểm soát. Thực tế thì không thể tổ chức kiểm soát hết được, nhưng phát hiện ra thì phải xử lý. Pháp luật hiện không quy định cái đó, chỉ nêu các hành vi cụ thể nguyên tắc, quy chế nội bộ với nhau. Ngày xưa Tòa án có Bộ Quy tắc ứng xử, bây giờ Tòa án đang soạn thảo Quy chế Trách nhiệm, hiện đang là dự thảo lần thứ 5 rồi, trong đó cũng có quy định việc này.
Nhưng thực tế có chuyện gọi điện để can thiệp vào quá trình xét xử, thưa ông?
- Cái đó thì nhiều lắm, có một số vụ nhân danh lãnh đạo, nhân danh cái này cái kia. Vì anh nào cũng vậy, trong cuộc sống anh nào cũng có mối quan hệ. Thứ hai, một số người dân thấy ai có vị trí, vai trò thì tìm cách tiếp cận, chứ không tiếp cận Tòa án. Rồi từ đó nhờ họ chuyển đơn đến đề nghị xem xét.
Những người này nhiều lúc chuyển đơn đến Toà án rồi viết trên góc là đề nghị Tòa án xem xét giải quyết đơn của ông A gửi đơn đến. Dù không nói Tòa án phải giải quyết trong hôm nay nhưng rõ ràng Tòa án cũng phải biết chứ. Vì ông kia chuyển đến ông này, ông này lại chuyển đến cho tôi thì ông phải biết biết ủng hộ ai chứ. Nếu không có bản lĩnh thì rất dễ xử lý theo hướng khác.
Hiện Tòa án đang dự thảo Quy chế xem xét trách nhiệm, trong đó có ấn định một tỷ lệ trần tổng số án hủy và án sửa trên tổng số vụ việc một thẩm phán xét xử làm căn cứ xem xét trách nhiệm của thẩm phán. Tỷ lệ được đưa là 1,16%, nhưng hiện tỷ lệ này còn nhiều ý kiến khác nhau, vậy quan điểm của ông thì sao?
- Tôi không ủng hộ dùng tỷ lệ này để đánh giá. Thứ hai là không thể dùng án phúc thẩm để đánh giá án sơ thẩm được. Thẩm phán không thể nói ai đúng ai sai, hủy là quyền tố tụng của người ta, chứ nếu lấy nó là tiêu chí quản lý cán bộ thì không nên.
Như ở nước ngoài thẩm phán bấm nút để lựa chọn vụ án, vậy ở ta tiến tới có nên áp dụng?
- Ví dụ Tòa có 10 vụ án, bấm nút rơi vào vụ nào thì nhận vụ đấy. Còn mình là do Chánh án phân công, chưa nói có tiêu cực hay không, nhưng rõ ràng có yếu tố chủ quan trong đấy rồi. Hiện chúng tôi đang kiến nghị việc đó. Bởi việc bấm nút hoàn toàn đơn giản chứ có gì đâu; chỉ như bấm nút chọn biển số xe.
Quan trọng là có làm hay không thôi. Chứ nói phân công thẩm phán vì biết trình độ năng lực của thẩm phán nên phân công cho từng thẩm phán. Đó đâu phải là do năng lực trình độ vì đã là thẩm phán thì phải xử được tất cả các vụ án chứ. Làm gì có chuyện phụ thuộc vào trình độ nào đấy. Hiện Tòa án đang soạn thảo Quy chế xử lý trách nhiệm. Và tôi có kiến nghị đưa vấn đề này vào.
Như vậy mọi quá trình từ tiếp nhận đơn, cho đến thụ lý vụ án đều thông qua công nghệ thông tin, thưa ông?
- Đó là Tòa án điện tử, vừa tiết kiệm, vừa nhanh chóng, vừa khách quan và đỡ tiêu cực, tránh lựa chọn hồ sơ, rồi tiếp xúc giữa đương sự và cán bộ thụ lý.
Một vấn đề đang được đặt ra là chế độ đối với thẩm phán. Vậy làm sao để đảm bảo cho thẩm phán được hoàn toàn độc lập, thưa ông?
- Chế độ để cho người ta độc lập và phán quyết được, không sợ gì, ở đây có hai cái. Thứ nhất, không được quy định nhiệm kỳ vì đó là một nghề, họ phải sống được với nghề, nhưng nghề này không được làm thêm bất cứ việc gì liên quan đến nghề cả trong khi các nghề khác họ được làm, được sử dụng kiến thức của mình để làm thêm.
Do đó chế độ nhà nước phải đảm bảo cho người ta sống được. Thứ hai là không nên duy trì cơ chế nhiệm kỳ chứ lúc nào cũng “dọa” chỉ được 5 năm nên lúc nào cũng phải “ngoan” theo lời ông nọ, theo lời ông kia.
Tôi nói ví dụ trong vụ án hình sự mà tuyên án vô tội một ông. Ông Trưởng Công an là Thường vụ bảo ông này xử như vậy là không được, không được tái nhiệm nữa thì chết à.
Vì ở Tòa, Chánh án chỉ là cấp ủy viên nhưng Công an bao giờ cũng là Thường vụ, mà Thường vụ quan trọng lắm. Mà thẩm phán khi hết nghề thì làm được cái gì. Không được tái nhiệm thẩm phán nữa thì nghỉ làm luật sư. Nhưng làm luật sư người ta cũng đặt dấu hỏi khi trước đó ông này bị cho nghỉ, vậy người dân có dám đến tư vấn không? Cho nên đó cũng là một cái khó do vậy phải xóa bỏ nhiệm kỳ và không nên quy định tuổi.
Rồi vấn đề tiền lương cũng vậy. Thu nhập của thẩm phán là lương của Nhà nước, ngoài ra không có thu nhập nào khác. Nghề y hay giáo viên còn có thu nhập ngoài. Riêng nói lương chính thức của nghề giáo đã gấp 2-3 lần thẩm phán vì được nhân đôi hệ số chứ chưa nói đến dạy thêm nơi khác. Còn Tòa án chỉ được thêm 20%, gọi là tiền dưỡng liêm.
Trân trọng cảm ơn ông!