Đồng bằng sông Cửu Long: Mặn đã vào tới nội đồng

Quốc Trung 27/03/2017 08:15

Từ khoảng tháng 2, các tỉnh thành ven biển như Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang… đã xuất hiện đợt xâm nhập mặn, độ mặn đo được có lúc lên tới 3‰. Theo nhận định của các nhà khoa học, năm nay mặn đến muộn nhưng sẽ kéo dài hơn và sẽ khốc liệt hơn.

Hệ thống cống ngăn mặn được đầu tư tại các tỉnh vùng ĐBSCL.

Diễn biến phức tạp

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, trong đợt cuối tháng 2, đầu tháng 3/2017 mặn đã đi sâu vào các xã của huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh. Kết quả đo nồng độ mặn, tại địa bàn huyện Long Mỹ dao động từ 1,8‰ đến 3‰. Còn tại Vĩnh Long, khoảng tháng 2/2017 theo số liệu mà xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm đo được, độ mặn đã lên tới 3‰.

Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Điều Hữu Phước- Chủ tịch UBND xã Thanh Bình cho biết: Do xã cù lao Thanh Bình được bao quanh 2 con sông lớn là sông Cổ Chiên và Bang Tra, nguồn nước mặn được dẫn từ biển Ba Động lấn sâu vào nội đồng rất nhanh từ 2 con sông này.

Tuy nhiên những năm gần đây xã được đầu tư hệ thống đê bao khép kín, trong khi đó người dân cũng đã chủ động nhiều cách để trữ nước ứng phó với hạn mặn. Năm 2016, đợt mặn lịch sử đã gây thiệt hại cho xã hơn 70 tỷ đồng.

Vì vậy sau đợt chống chọi với hạn mặn, xã đã thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình, vận động người dân cải tạo lại ao hồ trữ nước ngọt, khuyến khích người dân chuyển đổi mô hình tưới nước tiết kiệm, dùng các túi ni lông chứa nước ngọt để ứng phó với hạn mặn.

Thời tiết thất thường, kéo theo diễn biến xâm nhập mặn ở ĐBSCL cũng tương đối phức tạp. Đầu tháng 2 đến nay, nắng gắt đang tăng dần, kèm theo gió mạnh, triều cường lên cao, nước mặn đang lấn sâu vào vùng ngọt phía Bắc quốc lộ 1A. Độ mặn tại tuyến kênh xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân tỉnh bạc Liêu có lúc đã vượt 1‰; mực nước trên các tuyến kênh của 2 huyện Phước Long và Hồng Dân của Bạc Liêu đang dao động từ 0,35m - 0,50m.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, các địa phương nằm ở cửa sông, độ mặn xuất hiện dao động từ 1,1‰ đến hơn 4‰, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lúa, chăn nuôi và nguồn nước sinh hoạt của người dân ven biển.

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đã nhận định, trong tháng 3/2017, độ mặn 4‰ tiếp tục xâm nhập các tỉnh vùng ven biển khu vực ĐBSCL, cách cửa sông từ 25km đến 35 km; riêng vùng cách cửa sông từ 35km đến 45 km, mặn 4‰ xuất hiện vào lúc triều cường.

Dự kiến tháng 4/2017, nếu có xả nước từ thượng nguồn, mặn sẽ giảm thấp hơn. Thời gian khoảng tháng 5, nếu không có mưa thì độ mặn trên các cửa sông vẫn còn cao và có khả năng kéo dài đến tháng 6/2017.

Sẵn sàng chống hạn, mặn

Nhằm ứng phó với hạn, mặn diễn biến thất thường và rút kinh nghiệm trong đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 vừa qua. Nhiều địa phương đã chủ động thực hiện các biện pháp công trình và phi công trình để ứng phó với hạn, mặn. Tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư nạo vét các tuyến kênh nội đồng nhằm dự trữ nước ngọt lúc mặn lên.

Đồng thời, đầu tư xây dựng tu bổ thêm các nắp đậy các ống cống, kịp thời ngăn mặn, ngăn không cho nước mặn tiến sâu vào nội đồng.

Theo ông Huỳnh Thanh Tạo- Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang, để phòng chống hạn và xâm nhập mặn trong thời gian tới, Hậu Giang đã chỉ đạo ngành nông nghiệp thường xuyên cập nhật dự báo của các cơ quan hữu quan, theo dõi nắm bắt tình hình diễn biến của mặn để kịp thời điều chỉnh lịch thời vụ phù hợp.

Đồng thời khuyến cáo người dân sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chịu hạn, chịu mặn theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Rà soát hệ thống nước sinh hoạt; dùng mọi biện pháp, dụng cụ tích trữ nước ngọt, đảm bảo đủ nước sinh hoạt mùa hạn, mặn năm 2017...

Ở Bạc Liêu cũng đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ hàng nghìn ha lúa Thu Đông (lúa Tài Nguyên) xuống giống trễ và hơn 1.000 ha rau, đậu thực phẩm đang sinh trưởng trên đồng. Để phòng được mặn cho diện tích sản xuất này, tỉnh đã phối hợp với tỉnh Cà Mau và tỉnh Sóc Trăng vận hành nhịp nhàng hơn 100 cống đầu mối, phân ranh mặn - ngọt, cống Đông Nàng Rền…

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là đã có nhiều diện tích xuống giống trước lịch thời vụ hơn một tháng, khiến cho việc điều tiết nước gặp nhiều khó khăn, một số diện tích đang đứng nguy cơ thiếu nước, nhiễm mặn, thiệt hại rất cao.

Ông Lương Ngọc Lân- Giám đốc Sở NN&PTNNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, đối với vùng ngọt, địa phương đã tiến hành đắp hơn 40 đập tạm tại các huyện Phước Long, Hồng Dân và thị xã Giá Rai để ngăn mặn, giữ ngọt cho diện tích lúa Đông Xuân, lúa – tôm; tập trung phát động phong trào làm thủy lợi – thủy nông nội đồng mùa khô; khuyến cáo nhà nông chủ động dẫn nước, dự trữ vào ao hồ, đầu tư máy, thiết bị bơm nước phục vụ tưới tiêu.

Đối với vùng chuyên tôm, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nạo vét kênh thủy lợi - thủy nông nội đồng bị bồi lắng, khai thông dòng chảy, nhằm đảm bảo dẫn nguồn nước thông suốt từ các cửa biển, cửa sông đến kênh rạch, ao đầm nuôi trồng thủy sản.

Còn ở Bến Tre để ứng phó với hạn mặn, tỉnh này đã phát động phong trào “Đồng khởi trữ nước ngọt”. Ông Cao Văn Trọng- Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: Sau đợt hạn, mặn năm 2016 vừa qua, tỉnh đã phát động phong trào “Đồng khởi trữ nước ngọt” nhằm kêu gọi các tổ chức, cá nhân trữ nước ngọt sử dụng. Ngoài ra còn vận động được khoảng 500 tỷ đồng từ các mạnh thường quân để tặng dụng cụ trữ nước ngọt giúp người dân...

Quốc Trung