Đào tạo hai bằng Đại học hoặc Cao đẳng

H.Minh 27/03/2017 09:30

Nhằm giúp các em sinh viên và người học có sự lựa chọn đa dạng về ngành học và rút ngắn thời gian cho việc học 2 chuyên ngành riêng lẻ đồng thời có thể giảm được chi phí tài chính, nhiều trường Đại học, Cao đẳng đã mở mã ngành đào tạo mới, chuyên biệt phù hợp với nhu cầu nhân lực của thị trường và thế mạnh của bản thân nhà trường theo mô hình tích hợp module.

Lễ trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên Đại học Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, sinh viên theo học chương trình này có cơ hội nhận 2 bằng tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng trong thời gian ngắn nhất. Đây là hướng đi tất yếu, phù hợp với xu thế chung của nhu cầu nguồn nhân lực hiện đại năng động của thị trường lao động trong và ngoài nước. Hiện nay theo quy định của Bộ giáo dục và một số trường Đại học, sinh viên muốn học văn bằng 2 ở trường khác thì phải tốt nghiệp một bằng đại học chính quy. Vì vậy sinh viên phải mất 7- 8 năm mới có thể lấy được 2 bằng cử nhân. Nếu muốn rút ngắn thời gian, sinh viên chỉ có thể học song song lấy bằng ĐH vừa học vừa làm, từ xa...

Do vậy, sinh viên sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình học tập cả về thời gian cũng như khối lượng kiến thức. Việc thực hiện mô hình đào tạo tích hợp module không những không quá tải mà còn giảm tải cho người học có nhu cầu muốn lấy hai bằng. Lúc này người học sẽ được sắp xếp thời gian khoa học và hợp lý, không bị chồng chéo giữa thời gian và nội dung kiến thức.

Theo một đại diện của trường Đại học Thủ đô Hà Nội (tiền thân là trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội) – là trường công lập duy nhất của Thành phố Hà Nội, một trong những mục tiêu chiến lược của Đại học Thủ đô Hà Nội là mở mã ngành đào tạo mới, chuyên biệt phù hợp với nhu cầu nhân lực của thị trường và thế mạnh của Nhà trường theo mô hình tích hợp module. Trong đó đặc biệt chú trọng đến mô hình có khả năng liên thông, liên kết với các đơn vị trong và ngoài nhà trường.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là cơ sở đào tạo năng động, phát triển theo mô hình hiện đại, có uy tín trong đào tạo các ngành Sư phạm. Sự kết hợp giữa các ngành đào tạo là các ngành có thế mạnh sẽ phát huy lợi thế của trường, tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh hơn các trường Đại học khác.

Theo đó, năm học 2017 đối tượng tuyển sinh cùng đào tạo 2 chương trình là các em sinh viên Đại học chính quy khoá 2016 và Cao đẳng chính quy khoá 2015, 2016 với một số chuyên ngành đào tạo như: Ngôn ngữ Anh, Sư phạm Tiếng Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Giáo dục Tiểu học, Sư phạm Tin học, Sư phạm Toán, Sư phạm Ngữ văn, Quản lý giáo dục, Giáo dục công dân, Việt Nam học...

Môn thi tuyển ngành đào tạo thứ 2 chủ yếu là tiếng Anh và một số môn khác. Điều kiện thi tuyển: Sinh viên khóa có điểm trung bình tích lũy hết học kỳ 1 đạt 2.0 trở lên. Sinh viên học chương trình đào tạo thứ 2 được miễn học các học phần đã học và học phần tương đương tại chương trình đào tạo thứ 1; Các em chỉ được xét tốt nghiệp chương trình đào tạo thứ 2 khi đã tốt nghiệp chương trình đào tạo thứ nhất và tích lũy đủ số tín chỉ của chương trình đào tạo thứ 2.

Sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo thứ 2 được cấp bằng cử nhân chính quy ngành đào tạo tương ứng. Thời hạn tối đa hoàn thành khoá học chương trình đào tạo thứ hai bằng thời gian tối đa hoàn thành chương trình đào tạo thứ nhất (tối đa 10 học kỳ tính từ khi trúng tuyển khóa học chương trình đào tạo thứ 1 đối với bậc Cao đẳng và 12 kỳ học đối với bậc Đại học).

Cũng theo vị đại diện này của trường Đại học Thủ đô Hà Nội, mô hình này giúp cho việc đào tạo hội nhập với các trường trong và ngoài nước vì nguồn tuyển sinh đa dạng do ngôn ngữ sử dụng là tiếng Anh; có sự công nhận và đào tạo theo tín chỉ các trường trong và ngoài nước có chung mã ngành và môn học; giúp sử dụng được chương trình, môn học quốc tế và sử dụng được giáo viên có chuyên môn cao giảng dạy cho chương trình.

Đây chính là con đường ngắn nhất giúp cho các trường đạt được tính liên thông trong đào tạo quốc tế do các cử nhân đã có được trình độ ngoại ngữ, trình độ chuyên môn tốt để học tập các chương trình đào tạo của các trường đại học uy tín trên thế giới, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập.

H.Minh