Lần đầu tiên bàn giải pháp trị nạn 'chửi nhau trên mạng'

PV 27/03/2017 12:09

Ngày 12/4 tới, tại khách sạn Khách sạn Army, Hà Nội, sẽ diễn ra Hội thảo với chủ đề “Phát ngôn gây thù ghét bất hợp pháp và các giải pháp hướng tới một môi trường mạng xã hội an toàn và phát triển bền vững”.

Ảnh minh họa.

Hội thảo là diễn đàn mở chính thức đầu tiên tại Việt Nam về chủ đề “Phát ngôn gây thù ghét bất hợp pháp” với sự tham gia của hầu hết các cơ quan chủ quản của Việt Nam, các doanh nghiệp, các học giả trong nước và quốc tế.

Đây cũng là nơi các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp cung cấp nền tảng mạng xã hội cùng thảo luận để tìm ra các giải pháp khả thi, hướng tới xây dựng một môi trường mạng xã hội an toàn và công bằng cho người sử dụng.

Việt Nam hiện đang có hơn 35 triệu người sử dụng mạng xã hội (chiếm 37% dân số) với thời lượng trung bình dành cho mạng xã hội khoảng 2 giờ 18 phút mỗi ngày. Đây là tỷ lệ cao so với mức độ trung bình toàn cầu là 31%.

Bên cạnh những mặt tích cực không thể phủ nhận của mạng xã hội trong đời sống xã hội hiện đại, mạng xã hội cũng tạo ra những bất cập cho cá nhân người dùng và doanh nghiệp. Phát ngôn gây thù ghét bất hợp pháp (illegal hate speech) ngày càng phổ biến và trở thành vấn đề cấp thiết hiện nay ở Việt Nam với rất nhiều trường hợp nằm ngoài sự điều chỉnh của luật pháp Việt Nam.

Với mục tiêu làm rõ và tạo được sự đồng thuận giữa Cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp và xã hội về tác hại của “Phát ngôn gây thù ghét bất hợp pháp” đối với cá nhân, tổ chức và xã hội trên môi trường mạng xã hội. Đồng thời hướng tới đề xuất, xây dựng và triển khai “Bộ quy tắc ứng xử cho mạng xã hội Việt Nam” theo đề xuất của Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Các vấn đề được đề cập trong hội thảo sẽ nằm trong những chủ đề chính của Diễn đàn Internet Việt Nam (Vietnam Internet Forum) lần thứ nhất diễn ra vào quý IV-2017, đây là hội nghị quốc tế quy tụ các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách thảo luận đa chiều về mối quan hệ tương tác giữa Internet và các mặt của đời sống xã hội tại Việt Nam dưới góc độ của khoa học xã hội và nhân văn.

Hội thảo do Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin - Truyền thông đồng tổ chức.

PV