Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục khẩu chiến với châu Âu
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ trong hôm 27/3 đã triệu tập Đại sứ Thụy Sỹ tại Ankara liên quan tới vụ biểu tình tổ chức tại Bern mới đây nhằm vào Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Cuộc biểu tình này được cho là có một số nhà tổ chức thuộc các nhóm người Kurd mà Ankara coi là thù địch.
Tổng thống Erdogan từng gọi chính phủ Đức là “Đức quốc xã”
vì ngăn cản các cuộc tuần hành của họ. (Nguồn: Reuters).
Đại sứ Thụy Sỹ tại Ankara, ông Walter Haffner, đã được thông báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn chính quyền Thụy Sỹ đưa các nhà tổ chức cuộc biểu tình ra trước tòa án để xét xử và để ngăn chặn những sự việc tương tự xảy ra trong tương lai.
“Chúng tôi phản đối cuộc biểu tình mang tính chất cổ xúy bạo lực và chủ nghĩa khủng bố, chúng tôi yêu cầu Thụy Sỹ có ngay hành động pháp lý đối với cuộc biểu tình nói trên” - Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói trong một tuyên bố, được tờ nhật báo Hurriyet của nước này dẫn lại.
Cuộc biểu tình nói trên, được tổ chức hôm thứ Bảy vừa qua tại trung tâm thủ đô Bern, có sự tham dự của khoảng 3.000 - 3.500 người, theo các hãng truyền thông Thụy Sỹ. Những người biểu tình đã đi dọc các tuyến đường trung tâm thành phố và sau đó tổ chức một cuộc tuần hành ngay trước tòa nhà Quốc hội.
Những người biểu tình mang theo các biển hiệu có biểu ngữ phản đối Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và nhiều biểu ngữ khác kêu gọi dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Họ cũng thể hiện quan điểm phản đối cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp dự kiến tổ chức trong tháng 4 tới.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định rằng cuộc tuần hành tổ chức ngay bên ngoài tòa nhà Quốc hội Thụy Sỹ tại thành phố Bern được tổ chức bởi các thành viên của đảng Lao động người Kurd (PKK) và đảng Tự do Nhân dân (DHKP-C), hai đảng mà chính quyền Ankara coi nằm ngoài vòng pháp luật.
Theo giới truyền thông Thụy Sỹ, cuộc tuần hành được tổ chức và ủng hộ bởi trên 30 tổ chức khác nhau, bao gồm đảng Dân chủ Xã hội Thụy Sỹ và đảng Xanh cũng như một số nhóm người Kurd. Một số người tham gia các cuộc tuần hành trên thực tế có mang theo cờ của PKK cũng như biển hiệu có ảnh của thủ lĩnh đang bị giam giữ của PKK, Abdullah Ocalan.
PKK, vốn bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và cả Liên minh châu Âu (EU) coi là một tổ chức khủng bố, lại không nằm trong danh sách đen liệt kê các tổ chức khủng bố của Thụy Sỹ.
Giới quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra đặc biệt tức giận sau khi chứng kiến một tấm biển biểu tình có ảnh Tổng thống Erdogan với một khẩu súng đang chĩa vào đầu ông cùng khẩu hiệu kêu gọi thủ tiêu ông. Được biết, tấm biển này thuộc về một tổ chức phi chính phủ có tên Tổ chức Cách mạng tuổi trẻ, tự nhận mình là một nhóm “chống chủ nghĩa tư bản và chống độc tài”.
Về phần mình, Tổng thống Erdogan cũng đặc biệt thể hiện sự quan ngại về vấn đề này trong phát biểu của ông tại thành phố Istanbul hồi cuối tuần qua, theo Reuters.
“Thụy Sỹ đã có một bước tiến xa hơn. Các đảng phái cánh tả cùng những kẻ khủng bố của họ… đã chung sức để thực hiện một cuộc biểu tình. Trong Quốc hội Thụy Sỹ, họ treo ảnh của tôi cùng một khẩu súng dí vào đầu. Quốc hội Thụy Sỹ vẫn im lặng trước sự việc này” - Tổng thống Erdogan nói.
Tổng thống Erdogan cũng nhắc tới cuộc khẩu chiến bùng phát giữa Thổ Nhĩ Kỳ và một loạt các quốc gia châu Âu đã cấm giới quan chức của họ tổ chức các cuộc tuần hành nhằm ủng hộ sửa đổi Hiến pháp trong kỳ trưng cầu dân ý tổ chức vào ngày 16/4 tới đây.
Cuộc tuần hành gây tranh cãi ở Thụy Sỹ vừa qua còn có sự tham dự của một số thành viên đảng Dân chủ Xã hội Thụy Sỹ và đảng Xanh, cũng như người đứng đầu của Liên hiệp Thương mại Thụy Sỹ Paul Rechsteiner. Một thành viên Quốc hội gốc Thổ thuộc đảng Dân chủ Nhân dân đối lập (HDP), Feleknas Uca, cũng có bài phát biểu trong buổi tuần hành này; theo Hurriyet.
Được biết, cuộc trưng cầu tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 4 tới sẽ đề xuất sửa đổi Hiến pháp theo hướng sẽ trao quyền lực đặc biệt cho Tổng thống Erdogan, trong đó cho phép chính quyền lựa chọn các vị Bộ trưởng nội các, thực thi pháp luật, kêu gọi bầu cử và tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc.
Cuộc trưng cầu này và đặc biệt là nỗ lực của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tổ chức các cuộc gặp gỡ với công dân của họ đang sinh sống trên khắp châu Âu nhằm thu hút sự ủng hộ đã trở thành nguồn gây căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước châu Âu thời gian gần đây.
Các cuộc tuần hành ủng hộ sửa đổi Hiến pháp, từng bị hủy ở Đức, Áo và Thụy Sỹ, đã gây ra phản ứng đầy giận dữ ở Thổ Nhĩ Kỳ, nước cáo buộc EU là “dân chủ chọn lọc và bài ngoại”. Thổ Nhĩ Kỳ cũng gây căng thẳng ngoại giao với Hà Lan sau khi chính quyền nước này ngăn không cho các Bộ trưởng của Thổ tham dự các cuộc tuần hành ủng hộ ông Erdogan.