Chuyện ít biết về Trung tướng Nguyễn Bình
Nguyễn Bình (1908-1951) – Trung tướng đầu tiên của QĐNDVN được Hồ Chủ tịch kí sắc lệnh phong quân hàm đầu năm 1948, khi chưa là Đảng viên cộng sản. Ông là Tư lệnh đầu tiên của Quân khu 7 cùng Chính ủy Trần Xuân Độ. Nguyễn Bình có công trong việc thống nhất các lực lượng vũ trang Nam Bộ và anh dũng hy sinh ngày 29/9/1951, trên đường hành quân ra Bắc.
Trung tướng Nguyễn Bình (đứng thứ 3 từ trái sang) người đã
nêu cao kỷ luật quân đội trong vụ xử Ba Nhỏ. (Ảnh tư liệu).
Từ đảng viên Quốc dân đảng trở thành Cộng sản
Nguyễn Bình tên thật là Nguyễn Phương Thảo sinh ngày 30/7/1908 tại Bần An Phú, Yên Mỹ, Hưng Yên. Là con trai thứ ba nên người làng gọi ông là Ba Thảo. Ngay từ nhỏ được ra Hải Phòng ăn học, ông sớm tham gia phong trào yêu nước, đến cuối năm 1926 bị đuổi học vì tham gia để tang cụ Phan Chu Trinh. Cuộc đời làm thợ trên tàu viễn dương bắt đầu…
Năm 1928, ông tham gia Việt Nam Quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học. Năm 1929, ông bị bắt ở Mac-xây (Pháp) rồi bị Toà đại hình Sài Gòn kết án, đày ra Côn Đảo, thời gian (1930-1935). Tại đây, ông, Trần Huy Liệu và Trần Xuân Độ cùng một số bạn tù chính trị của Quốc dân đảng được các tù cộng sản giác ngộ.
Năm 1935 được trả về quản thúc ở quê nhà, ông lấy tên Nguyễn Bình, với nghĩa “Bình thiên hạ”. Với khí phách ngang tàng làm bọn tri huyện phải kính nể, còn thanh niên có chí thì tụ tập bên ông luyện tập võ nghệ, hội hè, hò hát… Hoạt động ở Hưng Yên, Hải Phòng, ông bắt mối với Tô Hiệu, Tô Quang Đẩu, Trần Huy Liệu, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt)
Năm 1941, Mặt trận Việt Minh ra đời. Năm 1942, ông được Trung ương (trực tiếp là Hạ Bá Cang) giao nhiệm vụ mua sắm vũ khí, thuốc nổ chuẩn bị vũ trang.
Trận đánh đồn Bần
Được anh Trần Thế Nam (con trai tướng Trần Thế Môn) cho xem bức ảnh tư liệu quý của gia đình, làm tôi nhớ lại, ngày còn sống, cụ Nguyễn Đình Tám (nguyên Trưởng Ty Đăng kiểm Việt Nam sau năm 1954) thường kể cho nghe về vùng đất Bần Yên Nhân “địa linh nhân kiệt”: “Bà con Bần quê ta rất tự hào vì có nhiều nhân vật nổi tiếng: Thủ lĩnh Bãi Sậy Tán Thuật, nữ thi sĩ Đoàn Thị Điểm, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Trung tướng Nguyễn Bình… Có nhiều huyền thoại về các vị ấy, trong đó có chuyện đánh chiếm đồn Bần của ông Nguyễn Bình…”.
...Án ngữ trên đường số 5 nối từ Hà Nội đi Hải Phòng có đồn Bần Yên Nhân. Đồn có một trung đội lính khố xanh do viên sĩ quan Pháp chỉ huy, kiểm soát trục đường bộ từ Bần tới Phố Nối rẽ đi Hưng Yên. Viên đồn trưởng có cậu con trai đang theo học thầy giáo mà Nguyễn Bình quen biết. Ông đã vận động giác ngộ thầy. Vì ông giáo thường ra vào đồn, tiếp xúc với nhiều binh lính nên đã tạo được một “cơ sở” trong đồn tên là Việt. Anh cung cấp nhiều tin tức quan trọng và lôi kéo được một số lính.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương. Lính tráng trong đồn hoang mang cực độ. Nhận thấy có thể lợi dụng điểm yếu này để cướp đồn, tước vũ khí; Nguyễn Bình báo cáo gấp kế hoạch đánh đồn với Xứ uỷ Bắc kỳ và được chấp thuận.
Ngày 10/3, ông tổ chức ngay cuộc họp triển khai tại nhà đồng chí Xuân ở Mỹ Hào. Ngày hôm sau, ông lại tổ chức khai hội tại nhà cụ Hai ở Buộm. Cuộc họp có các đồng chí Nguyễn Trọng Luật (sau này là Vụ trưởng Vụ Bảo tồn - Bảo tàng), Trần Sâm (cháu gọi ông Nguyễn Đình Tám là chú, sau này là Phó bí thư Thành uỷ Hà Nội), Dũng, Vân, Lê Huỳnh… để triển khai kế hoạch đánh đồn.
Đêm 12/3/1945, khi các nhóm đã tập trung đầy đủ ở ngã ba Quán Chuột, cách quốc lộ 5 khoảng 200m, Xứ uỷ viên Nguyễn Khang thay mặt Tổng bộ Việt Minh giao nhiệm vụ. Tới “giờ G”, Nguyễn Bình, Nguyễn Ngọc Vân và Trần Phong khoác trên mình quân phục sĩ quan Nhật, lon gắn trên vai, băng đỏ đeo tay, đầu đội mũ vải thả che gáy, chân xỏ giày da có quấn ghệt, dẫn đầu đội hình được trang bị súng ống. Riêng Nguyễn Bình có thêm thanh kiếm Nhật dắt chéo ngang hông, trông rất ngang tàng. Ông Lê Liêm, Xứ uỷ viên phụ trách phong trào Hưng Yên, trắng trẻo đẹp trai, ăn mặc sơ-vin lịch sự trong vai viên thông ngôn tiếng Nhật, cùng đi theo.
“Tốp lính Nhật” gõ chân rầm rập trên đường số 5, tiến thẳng tới cổng đồn. Bỗng một tiếng pháo nổ! Cổng đồn mở toang do có nhân mối chuẩn bị sẵn. Lực lượng ta hô “xung phong!”, rồi ào ạt xông vào làm địch không kịp trở tay. Cả trung đội lính hoảng hốt giơ tay hàng. Ta thu được 24 khẩu súng trường cùng 6 hòm đạn. Sau đó, lực lượng ta rút êm ngay trong đêm.
Sớm hôm sau, tin Việt Minh đánh đồn Bần Yên Nhân được chuyền từ người này sang người khác. Bà con đi chợ Bần không ngớt lời khen Việt Minh có tài “xuất quỷ nhập thần", "vào đồn như đi chợ”, “trong chớp mắt đã nẫng tay trên toàn bộ vũ khí của quân Nhật”.
Khi đánh giá về trận đánh đồn đặc biệt này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói đây là “một trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ”.
Và trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945
Sau Hội nghị Quân sự Bắc kỳ (từ 15/4 đến 20/4/1945) ở Hiệp Hòa, Bắc Giang, Trung ương chỉ thị gấp rút thành lập các chiến khu, trong đó có Chiến khu Đông Triều.
Ngày 6/6/1945 tại làng Đạm Thủy (xã Thủy An, Đông Triều), Mặt trận Việt Minh đã họp, quyết định sử dụng lực lượng vũ trang kết hợp với lực lượng của quần chúng cách mạng ở Đông Triều đồng loạt nổi dậy làm chủ 4 đồn: Đông Triều, Mạo Khê, Tràng Bạch, Chí Linh, thủ tiêu bộ máy chính quyền bù nhìn tay sai phát xít Nhật.
Ngày 8/6/1945, Ban lãnh đạo khởi nghĩa quyết định thành lập Ủy ban quân sự cách mạng gồm 4 đồng chí: Nguyễn Bình, Hải Thanh, Nguyễn Hiền, Trần Cung. Đông đảo bà con cùng công nhân ngành than, nông dân hăng hái tham gia vào các tổ chức cứu quốc, hưởng ứng phong trào quyên góp, mua sắm vũ khí, tích lũy lương thực... Chiến khu mở rộng, hướng tới Tổng khởi nghĩa.
Ngày 20/7/1945, Nguyễn Bình chỉ huy lực lượng vũ trang, hỗ trợ cướp chính quyền ở thị xã Quảng Yên. Đây là đơn vị hành chính đầu tiên ở Bắc Bộ về tay nhân dân.
...Trong lễ tưởng niệm cha tôi-Thiếu tướng Trần Tử Bình vào tháng 8/2004, đại tá Lê Trọng Nghĩa – nguyên Cục trưởng Cục Quân báo BTTM, một trong hai Ủy viên Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội còn sống - kể lại: “Chiều ngày 20/8/1945, khi 2 Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ Trần Tử Bình và Nguyễn Khang đang họp bàn bạc công việc với anh em trong Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Bắc Bộ tại Bắc Bộ Phủ thì thấy bảo vệ báo: Có Tư lệnh Đệ tứ Chiến khu muốn vào gặp Trung ương.
Bước ào vào phòng khách là một viên sĩ quan với bộ quần áo lấm bụi đường, khăn đỏ chít trên đầu có thêu dòng chữ “Đệ tứ Chiến khu”, bên hông là khẩu súng “pặc-khoọc” lắp 12 viên đạn và chiếc kiếm Nhật cắm mũi xuống đất. Anh Trần Tử Bình nhận ngay ra Nguyễn Bình – người bạn tù Côn Đảo thời gian (1930-35).
Anh thông báo: Hà Nội đã cướp được chính quyền. Trung ương chưa có ai về tới Hà Nội và Nguyễn Bình phải về ngay Đông Triều, nhanh chóng đưa lực lượng Giải phóng quân về Hải Phòng làm lực lượng vũ trang, hỗ trợ nhân dân nổi dậy cuớp chính quyền...”.
Và ngày 23/8/1945, cuộc nổi dậy của nhân dân Thành phố Cảng đã thành công, không đổ một giọt máu; trong đó có sự đóng góp tích cực của lực lượng vũ trang Đệ tứ Chiến khu và anh Nguyễn Bình. Vị chủ tịch đầu tiên của Ủy ban nhân dân cách mạng Hải Phòng là đồng chí Vũ Quốc Uy...
Những năm tháng chiến đấu ở Nam Bộ
Cuối năm 1945, Nguyễn Bình được Cụ Hồ tin tưởng cử vào Nam Bộ, để thống nhất các lực lượng vũ trang trong đó. Khi đến Thủ Dầu Một, ông đã cùng Huỳnh Kim Trương thành lập Chi đội 1 – đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên của Nam Bộ vào ngày 25/11/1945. Sau đó, Quân khu 7 được thành lập và ông là Tư lệnh cùng Chính ủy Trần Xuân Độ, Tham mưu trưởng Huỳnh Kim Trương...
25 chi đội của nhiều lực lượng, giáo phái đã được ông thống nhất và có những đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ.
Năm 1951, ông được lệnh ra Bắc. Ngày 29/9/1951, trên đường hành quân qua đất Campuchia, Nguyễn Bình đã hy sinh.
Ngày 29/2/2000, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã di chuyển hài cốt của ông về an táng tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyễn Bình được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.