Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với hạn, mặn: Những giải pháp hiệu quả
Đợt hạn mặn lịch sử của năm 2016 chính quyền các địa phương vùng ĐBSCL đã triển khai nhiều biện pháp để ứng phó với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn. Đặc biệt nhiều hộ dân cũng có nhiều cách làm hay để chống chọi với hạn đang được nhân rộng.
Ông Trong đang buộc lại nắp túi ni lông để bơm nước.
Dùng túi ni lông chứa nước ngọt
Cách dùng túi ni lông trữ nước ngọt để ứng phó với hạn, mặn được bà con xã cồn Thanh Bình (Vũng Liêm, Vĩnh Long) thực hiện trong đợt hạn, mặn kéo dài lịch sử 100 năm qua ở vùng ĐBSCL, đã cho thấy hiệu quả tức thì. Theo những hộ dân làm vườn ở xã cù lao này chia sẻ, bình quân mỗi túi ni lông dung tích chứa khoảng 150 m3 nước có giá bán khoảng 2 triệu đồng, đảm bảo đủ nguồn nước tưới cho hơn 1 ha vườn sầu riêng trong một tuần. Nhà nào vườn rộng có thể mua nhiều túi ni lông về trữ nước. Nếu vườn sầu riêng đang trong thời kỳ cho trái bị ảnh hưởng của nước mặn sẽ bị thất thu cả trăm lần.
Rút kinh nghiệm, từ trước Tết ông Nguyễn Văn Trọng (ấp Thanh Khê, xã Thanh Bình) đã chủ động đầu tư 2 cây túi ni lông với số tiền khoảng 7 triệu đồng, để thả dọc các con rạch trong vườn sầu riêng 10 công (10.000m2). Ông Trọng chia sẻ: Do loại túi này có khổ tròn nên sau khi mua về, tôi thả nó xuống mương vườn, buộc 2 đầu lại bằng 2 ống nước, bơm nước ngọt vào túi ni lông để dự trữ. Đến khi nguồn nước ở sông bị mặn thì rút nước trong túi ra để tưới vườn. “Số tiền đầu tư mua bọc ni lông chỉ cần bán trái của một cây sầu riêng là đủ. Nhiều khi tiết kiệm quá không đầu tư để mua bọc như năm rồi thiệt hại 40 cây sầu riêng còn tốn gấp nhiều lần như thế”, ông Trong so sánh.
Cách đó không xa, ông Trần Văn Của (Năm Của) ở ấp Thái Bình, cũng có 20 công vườn, với gần 400 gốc sầu riêng khoảng 10 năm tuổi. Năm 2016 mặn tấn công đột ngột khiến trên 200 gốc sầu riêng của ông bị chết khô. Ông Năm Của được coi là người đầu tiên của xã cù lao Thanh Bình ứng dụng mô hình túi ni lông trữ nước ngọt.
Để dùng túi ni lông trữ ngọt một cách hiệu quả, ông Năm Của khuyến cáo: Nếu người dân có sử dụng túi chứa nước thì nên đầu tư thêm tấm lưới (loại lưới đậy cây kiểng) để che phía trên của túi ni lông vừa tránh lá rụng xuống dưới mương nước, vừa giảm được ánh nắng khiến cho túi ni lông không bị giòn, tăng tuổi thọ, đặc biệt khi che tấm lưới ở trên, nếu trái sầu riêng bị hư, hay bị chín rụng suống sẽ không bị bể túi ni lông.
Ông Của cho biết thêm: Năm nay nhờ những đám mưa trái mùa nên giải nhiệt rất nhiều. Do ở đây là khu vực cồn trong khi mặn chỉ đến thời gian nhất định nên tôi thấy biện pháp thủ công này hợp lý, vừa ít tốn kém vừa chủ động được nguồn nước.
Ông Điều Hữu Phước - Chủ tịch UBND xã cồn Thanh Bình (Vũng Liêm, Vĩnh Long) cho biết: “Sau khi một số hộ dân sử dụng túi ni lông trữ nước ứng phó với mặn thấy hiệu quả, năm nay đã nhiều hộ dân làm theo, vốn đầu tư không lớn nên người dân dễ dàng tham gia. Xã cũng tuyên truyền người dân áp dụng mô hình này. Hiện có khoảng gần 500 hộ dân có nhu cầu sử dụng túi ni lông để trữ nước ngọt”.
Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Vũng Liêm, cuối tháng 3 này huyện sẽ tiến hành diễn tập mô hình dùng túi ni lông trữ nước ngọt ở các nơi bị ảnh hưởng hạn mặn trong toàn huyện để cho người dân học hỏi và sử dụng, bảo vệ vườn trái cay giảm thiệt hại mức thấp nhất.
Đồng khởi trữ nước ngọt
Tỉnh Bến Tre đã phát động phong trào “Đồng khởi trữ nước ngọt” từ đầu năm 2017, để kêu gọi người dân dự trữ nước ngọt chống chọi với xâm nhập mặn ngày càng gay gắt. Sau khi phát động phong trào nhiều gia đình ở các huyện như Ba Tri, Giồng Trôm, Châu Thành, Bình Đại... đã tích cực hưởng ứng, mua các dụng cụ trữ nước ngọt, các doanh nghiệp cũng chung tay hỗ trợ giúp người dân nghèo, khó khăn mua dụng cụ trữ nước.
Những năm trước, các gia đình ở xã Bình Thới, huyện Bình Đại của Bến Tre luôn trong tình trạng thiếu nước ngọt. Gia đình ông Nguyễn Văn Dũng (ngụ ấp 4, xã Bình Thới, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) cũng như nhiều hộ dân ở đây cứ đến giai đoạn này là lo thiếu nước ngọt. Thực hiện phong trào “Đồng khởi trữ nước ngọt” vì vậy năm nay gia đình ông Dũng huy động mọi dụng cụ để chứa nước. Gia đình thuộc diện hộ nghèo nên năm nay cũng như các gia đình thuộc diện hộ nghèo khác ở xã Bình Thới được hỗ trợ bồn chứa nước 2.000 lít từ mạnh thường quân.
Ông Dũng chia sẻ: “Rút kinh nghiệm năm rồi nước mặn xâm nhập sớm nên từ trước Tết gia đình đã trữ nước bằng bồn chứa 2.000 lít mới được chính quyền địa phương hỗ trợ. Ngoài ra, gia đình còn chứa nước mưa bằng lu xi măng và mua thêm tấm nhựa để làm hồ chứa tạm nhằm tích trữ nước”.
Theo ông Dũng, người dân xung quanh ai cũng tranh thủ tích trữ đầy nước mưa để sử dụng trong sinh hoạt và cho gia súc, gia cầm uống trong thời gian hạn hán và xâm nhập mặn. Những gia đình không có khả năng xây dựng hồ chứa lớn thì có thể sử dụng bao ni lông trải lên mặt đất rồi đắp đất xung quanh để tạo thành bồn chứa tạm có thể sử dụng hết mùa khô mà chi phí lại khá rẻ.