Bảo tàng ngoài công lập: Gồng mình tự khẳng định

Minh Quân 28/03/2017 08:35

Hiện nay cả nước có 31 bảo tàng ngoài công lập. Nhiều “địa chỉ” đã trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong nước và quốc tế. Là người nhiều năm gắn bó với ngành bảo tàng, TS. Phạm Quốc Quân - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia chia sẻ: Các bảo tàng ngoài công lập vẫn phải “căng mình” để tồn tại.

Một góc Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long (Thanh Hóa) một trong
ba hình mẫu thành công của bảo tàng ngoài công lập.

Theo ông Phạm Quốc Quân, chục năm hình thành và phát triển, bảo tàng ngoài công lập bên cạnh những thành công đã đạt được đang bộc lộ những hạn chế và bất cập. Bất cập cả về chuyên môn lẫn quản lý. Họ chủ yếu là những doanh nhân, những cán bộ cách mạng lão thành, những cán bộ hưu trí, vì tâm huyết với di sản mà xây dựng bảo tàng. Sự hạn chế về kinh phí đầu tư, nên hệ thống trưng bày của bảo tàng xuống cấp. Đội ngũ cán bộ chuyên môn trống thiếu, nên ý tưởng trưng bày bảo tàng kém hấp dẫn và lý lịch hiện vật thiếu thông tin, làm cho hồn cốt của nội dung trưng bày vô cùng hạn chế.

Dường như tất cả các bảo tàng ngoài công lập, hệ thống phiếu, sổ sách hiện vật của bảo tàng đều chưa có, hoặc có mà chưa đúng chuẩn mực, làm cho công tác quản lý không đảm bảo. Rất nhiều hiện vật bị lầm lẫn lý lịch, sai lệch thông tin và có nguy cơ bị hủy hoại hoàn toàn do không có chế độ bảo quản thường xuyên và định kỳ. Kho tàng của các bảo tàng công lập đơn sơ và nghèo nàn về trang thiết bị, thậm chí nhiều bảo tàng còn chưa có. Do đó, trưng bày của các bảo tàng ngoài công lập, kiêm luôn chức năng là những kho mở.

Bên cạnh đó, rất ít bảo tàng trong số này có vị trí đắc địa. Hầu như đều ở trong các thôn xóm hẻo lánh, xa trung tâm, do vậy khách đến tham quan gặp nhiều khó khăn. Hàng năm, xuân thu nhị kỳ có một vài đoàn khách đến thăm, nhưng cán bộ hướng dẫn không được đào tạo, thuyết minh kém hấp dẫn, khiến cho du khách không muốn trở lại. Khách tham quan là động lực, nguồn cảm hứng sức sống của mỗi bảo tàng, thiếu điều kiện này cũng làm cho bảo tàng bị thui chột và mất dần sự tâm huyết của những người tạo lập nên các bảo tàng ấy.

Bảo tàng ngoài công lập, ở những nước phát triển đều được đỡ đầu từ các công ty và tập đoàn giàu có. Sự huy động đấy không phải từ trên trời rơi xuống, mà phải bằng nỗ lực thuyết phục, bằng khả năng và hoạt động thực tiễn của bảo tàng. Việc đóng góp kinh phí cho những hoạt động này được coi là kinh phí quảng cáo, miễn thuế và nằm trong chiến lược quảng bá hình ảnh của các công ty, tập đoàn muốn lấy di sản văn hóa là nơi trao gửi. Ở nước ta, năng lực của bảo tàng tư nhân chưa với tới và doanh nhân, doanh nghiệp cũng chưa coi di sản là mảnh đất tốt cho quảng bá thương hiệu. Kết quả là, phải tự thân vận động của mỗi bảo tàng. Vậy nguồn kinh phí được gọi là tự thân vận động, lấy ở đâu?.

Một số bảo tàng có điều kiện về vị trí, về đất đai và khả năng tổ chức, họ xây dựng thêm các nhà hàng, nhà dịch vụ cho du khách tới thăm quan. Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long (Thanh Hóa), Bảo tàng Cội nguồn (Phú Quốc, Kiên Giang), Bảo tàng Đồng quê (Nam Định) là ba hình mẫu thành công bước đầu cho mô hình này. Sở dĩ họ thành công bước đầu và hứa hẹn có sự phát triển bên vững vì đã qua những thử thách cả chục năm nay, cũng bởi tiền đề xuất phát. Họ không chỉ có sưu tập hiện vật và cơ sở vật chất ban đầu, họ đã có tổ chức nhân rộng được mô hình hoạt động này bằng năng lực tài chính tự có và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Họ cũng đã tranh thủ được sự trợ giúp về tinh thần, về chuyên môn từ các nhà khoa học trong các tổ chức hội, sự giúp đỡ của các cơ quan quản lý văn hóa và bảo tàng cấp tỉnh. Rồi các bảo tàng này có có sự mạnh tay thuê mướn các cán bộ chuyên môn hỗ trợ và giúp đỡ từ khi khởi nghiệp đến quá trình hoạt động.

Trong các điều bất cập của bảo tàng ngoài công lập còn có sự thiếu quan quan tâm của chính quyền địa phương. Nhiều nơi, chính quyền địa phương chưa tạo được môi trường thuận lợi như cho thuê mướn đất đai có vị trí tốt, gắn kết các trường học, các tổ chức chính trị xã hội với thiết chế, kêu gọi sự đóng góp của xã hội…

Theo tôi biết, chỉ có Bảo tàng Đồng Quê và Bảo tàng cổ vật Hoàng Long được miễn thuế thuê đất, còn hầu như đều là đất đai tự có. Những cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (Phòng Di sản văn hóa, Bảo tàng…) mấy năm nay đã có sự quan tâm giúp đỡ các bảo tàng tư nhân thấy rõ như Nam Định, Kiên Giang, Hà Nội. Tuy nhiên, đó là chưa đủ. Họ cần hơn nữa sự giúp đỡ về đạo tạo chuyên môn, họ cần sự hướng dẫn về các khâu công tác của bảo tàng, đặc biệt là kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tiếp thị và công chúng. Họ mong muốn có được sự phân tích mặt mạnh và yếu của bảo tàng để phát huy và khắc phục… Để làm được tốt mối quan hệ này, phải có từ hai phía, nhưng theo tôi cơ quan nhà nước cần chủ động hơn.

Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) giờ đây coi lực lượng bảo tàng ngoài công lập như là một nhân tố của ngành, theo đó, những lớp tập huấn, những chủ trương chính sách, những văn bản pháp quy… đều đã được phổ biến và cập nhật. Tuy nhiên, họ cần một sự tác động từ ngành tới các Bộ và Chính phủ về một cơ chế chính sách tốt hơn, cụ thể hơn để có điều kiện phát triển. Họ cũng cần sự tác động đối với các tổ chức quốc tế, bảo tàng nước ngoài để có sự giúp đỡ về vật chất và chuyên môn đối với họ, giống như một số bảo tàng nhà nước đã được thụ hưởng.

Minh Quân