Tắc trách

Lê Anh Đức 28/03/2017 11:15

Việc Sở VH-TT&DL Tiền Giang buộc phải thu hồi văn bản cấm lưu hành bài hát “Màu hoa đỏ” một lần nữa cho thấy sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của một số cơ quan quản lý nhà nước về VHNT. Ông Giám đốc Sở VH-TT&DL Tiền Giang không thể đổ lỗi cho “bộ phận tham mưu”, vì lẽ nào ông chưa từng được nghe lời ca ngọt ngào, giai điệu thiết tha của tác phẩm này? Đây chỉ là nỗ lực biện bạch cho sự tắc trách, nếu không muốn nói là vô cảm của người đứng đầu cơ quan quản lý văn hóa cấp tỉnh.

Dư luận có quyền đặt vấn đề như vậy, bởi tại Công văn số 120/SVHTTDL-TTr do Giám đốc Sở VH-TT&DL Tiền Giang Nguyễn Đức Đảm ký, đã liệt kê ca khúc “Màu hoa đỏ” và danh mục cấm lưu hành phổ biến. Song, khi có nhiều ý kiến trái chiều phản đối thì người đứng đầu cơ quan quản lý văn hóa của tỉnh Tiền Giang lập tức tung ra văn bản 288/SVHTTDL-TTr, để “nói rõ” - tức là giải thích lý do ông Đảm ký Công văn 120 cấm lưu hành tác phẩm bất hủ của cố nhạc sĩ Thuận Yến. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi có ai khi chưa đến bước đường cùng lại chịu thừa nhận là mình đã sai?!

Việc Sở VH-TT&DL Tiền Giang ban hành bổ sung Công văn 288 càng làm cho dư luận “dậy sóng”, bởi nó thể hiện tính bảo thủ của người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý VHNT - một lĩnh vực tượng trưng và tôn vinh cái đẹp, cái thiện, đòi hỏi phải có sự nhạy bén, tinh tế và quan trọng là cảm xúc của người quản lý. Nếu đứng trước cái đẹp, cái thiện mà con người ta bị trơ ra không có cảm xúc như một cái máy thì việc liệt ca khúc cách mạng “Màu hoa đỏ” vào danh mục cấm lưu hành phổ biến cũng là cái lẽ đương nhiên không tránh khỏi.

Người ta xì xầm không hiểu vì lẽ gì mà người đứng đầu một cơ quan quản lý VHNT lại có thể vô cảm đến mức liệt một ca khúc cách mạng hết sức trữ tình vào danh mục cấm lưu hành phổ biến. Người thì cho là có thể do “bận trăm công nghìn việc” nên Giám đốc Sở VH-TT&DL Tiền Giang không có thời gian để đọc văn bản do cấp dưới trình lên mà cứ ký đại. Có ý kiến lại cho rằng có lẽ ông Đảm chưa từng đọc tác phẩm văn học này của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, đồng thời cũng chưa từng một lần được nghe giai điệu ngọt ngào của bài hát do cố nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc, nên coi “Màu hoa đỏ” như những tác phẩm “có vấn đề” khác.

Một loại ý kiến cực đoan khác thì lại quả quyết rằng, có thể Giám đốc Sở VH-TT&DL Tiền Giang Nguyễn Đức Đảm cũng chẳng biết nhạc sĩ Thuận Yến là ai, có đóng góp gì cho nền VHNT nước nhà. Có thể ông Đảm chưa tìm hiểu nên không biết nhạc sĩ Thuận Yến đã tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi, cống hiến trọn tuổi xuân cho các cuộc trường chinh của dân tộc, đóng góp rất nhiều cho nền VHNT nước nhà bằng những tác phẩm nổi tiếng như: “Bắc Hà yêu thương”, “Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Chia tay hoàng hôn”, “Đi trong hương tràm”, “Gửi em ở cuối sông Hồng”, “Miền Trung nhớ Bác”, “Màu hoa đỏ”... Và đương nhiên không biết cố nhạc sĩ Thuận Yến là ai thì việc liệt đứa con tinh thần của ông vào “danh sách đen” cũng là dễ hiểu.

Song, dù là vì lý do gì thì việc Giám đốc Sở VH-TT&DL Tiền Giang Nguyễn Đức Đảm ban hành tới 2 văn bản để cấm lưu hành phổ biến một ca khúc cách mạng bất hủ như “Màu hoa đỏ” cũng là điều không thể chấp nhận được. Điều này không chỉ là sự sự tắc trách, mà còn thể hiện sự vô cảm với VHNT, sự thiếu trách nhiệm với lĩnh vực được giao nhiệm vụ quản lý. Trong một “xã hội phẳng” người ta không cho phép và không chấp nhận sự thờ ơ, vô cảm, đưa ra những quyết định mang đầy cảm tính, sai lầm, rồi sau đó chỉ việc “xin lỗi” và thu hồi văn bản trái pháp luật là xong.

Dư luận đòi hỏi mỗi người ở vị trí quản lý của mình cần phải có trách nhiệm hơn với mỗi quyết định đưa ra, bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới một người, một nhóm người, đôi khi nó ảnh hưởng tiêu cực tới cả một cộng đồng. Trong trường hợp người quản lý ban hành quy định trái pháp luật sau khi bị phát hiện phải thu hồi cần thiết phải truy cứu trách nhiệm cá nhân, tổ chức, đồng thời phải có chế tài nghiêm khắc, tùy theo mức độ lỗi và sự ảnh hưởng tới cộng đồng. Đòi hỏi trên hoàn toàn hợp lý, bởi trong trường hợp này lỗi của ông Giám đốc Sở VH-TT&DL Tiền Giang chỉ khiến các quán karaoke trên địa bàn phải gỡ bỏ bài hát trong list, người dân địa phương không được hát những ca khúc hay... song nếu lỗi lầm đưa ra lại khiến “cháy nhà, chết người” thì tính sao đây?

Đáng buồn, đây không phải lần đầu tiên người ta có cách ứng xử vô cảm với văn hóa. Trong thời gian qua, từng có một số cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về VHNT đưa ra những những quyết định mang nặng tính hành chính, chủ quan, cảm tính, áp đặt, hoàn toàn không khả thi trong thực tiễn, thậm chí còn vi hiến, trái pháp luật, vi phạm quyền con người, quyền công dân của các nghệ sĩ. Đáng nói là ở chỗ, người ta cứ hồn nhiên, vô tư ban hành các văn bản phạm luật, rồi sau khi bị dư luận xã hội lên tiếng chỉ trích thì chỉ cần làm một động tác đơn giản là thu hồi văn bản, bất quá nếu có chăng thì là thêm tiếng xin lỗi, chứ chưa có ai, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm với việc ban hành văn bản trái luật, ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống của cộng đồng xã hội.

Lê Anh Đức