Mặt trận là gạch nối tạo sự đồng thuận trong dân
Đó là khẳng định của ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tại buổi làm việc với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Gia Lâm , ngày 28/3, tại Hà Nội.
Ông Vũ Hồng Khanh phát biểu tại buổi làm việc.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, chủ trương của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Hà Nội là sẽ đến 30/30 quận, huyện để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở, trong đó tập trung vào việc trao đổi, làm rõ 3 vấn đề: Nhìn lại kết quả hoạt động Mặt trận năm 2016 để đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 phù hợp; tập trung triển khai thực hiện Đề án “Bố trí lại việc làm cho cán bộ Mặt trận sao cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ”; đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 39- NQ/TW của BCH Trung ương Đảng về tinh giảm biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Gia Lâm cho biết: Toàn huyện có 192 Ban Công tác Mặt trận (CTMT), mỗi ban có từ 9 - 15 thành viên. Trong năm 2016, tỷ lệ gia đình văn hóa toàn huyện đạt hơn 93%; KDC văn hóa trên 91%. Ủy ban MTTQ huyện còn phối hợp vận động nhân dân hiến hơn 1.400 m2 đất thổ cư, đất nông nghiệp để mở rộng đường giao thông nông thôn, kênh mương, giao thông nội đồng. Bên cạnh đó, việc vận động các loại quỹ cũng được nhân dân hưởng ứng cao như Quỹ Vì người nghèo đạt trên 3 tỷ đồng, quỹ Đền ơn đáp nghĩa đạt trên 2,6 tỷ đồng, quỹ Vì Trường Sa thân yêu đạt gần 1,2 tỷ đồng….
Ngoài ra, huyện còn có nhiều hoạt động hỗ trợ người nghèo như thăm hỏi, tặng quà, sửa nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ đau ốm cho 3.336 lượt trường hợp, trị giá trên 2,5 tỷ đồng góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,55% xuống còn 1,3%.
Trong năm 2017, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Gia Lâm sẽ tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; phát huy dân chủ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ các cấp.
Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Kim Dung cũng đề nghị MTTQ TP và UBTƯ MTTQ Việt Nam lựa chọn nội dung công viêc phù hợp vì đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở rất mỏng không đảm đương hết công việc. Nếu cứ dàn trải ra như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Bên cạnh đó, việc chăm lo, giúp đỡ hộ nghèo thì các đối tượng cận nghèo cũng cần có cơ chế, chính sách giúp đỡ cho phù hợp.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Vũ Hồng Khanh khẳng định: Đối với nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội một số địa phương còn lúng túng trong cách thức thực hiện nhưng tại huyện Gia Lâm 100% số xã đã tổ chức giám sát bài bản, đạt kết quả cao. Huyện còn tổ chức đối thoại với nhân dân, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại được nhân dân đồng tình, hưởng ứng cao.
Đối với việc chăm lo, giúp đỡ người nghèo, huyện đã triển khai theo hướng giúp người nghèo có địa chỉ, tức là các hộ nghèo không những được giúp đỡ thông qua các kì cuộc, lễ tết mà giúp đỡ gắn với từng người nghèo để không bỏ lọt người nghèo.
Đối với việc phát huy tính dân chủ trong nhân dân, ông Vũ Hồng Khanh cũng đánh giá cao việc tổ chức quy chế dân chủ, bảo vệ quyền, lợi ích của nhân trong việc giải phóng mặt bằng, thuế, vệ sinh môi trường…
“Trong năm 2017, MTTQ thành phố sẽ tập trung đi cơ sở để lắm tình hình, dư luận nhân dân, đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến gần hơn với nhân dân. Để đáp ứng được yêu cầu đó, Mặt trận sẽ là gạch nối tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Thông qua những chuyến làm việc tại cơ sở, Mặt trận sẽ thấu hiểu lòng dân, định hướng chính trị cho nhân dân để các chương trình hành động của Mặt trận từng bước được đẩy mạnh hơn nữa”, ông Khanh nhấn mạnh.