Tưởng niệm 687 năm ngày viên tịch của Đệ nhị tổ Thiền phái Trúc Lâm Pháp Loa Tôn giả

28/03/2017 16:05

Sáng 28/3 (tức ngày 1/3 âm lịch), tại chùa Thanh Mai (xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương), Ban tổ chức lễ hội thị xã Chí Linh tổ chức lễ khai hội truyền thống chùa Thanh Mai, tưởng niệm 687 năm ngày viên tịch của Đệ nhị tổ Thiền phái Trúc Lâm Pháp Loa Tôn giả và đón nhận quyết định công nhận bia “Thanh Mai Viên Thông Tháp Bi” là bảo vật quốc gia.

Lễ rước vật phẩm lên chùa Thanh Mai.

Dự lễ có Đại đức Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo thị xã Chí Linh, xã Hoàng Hoa Thám cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

Tại buổi lễ, các đại biểu, nhân dân và du khách thập phương đã ôn lại thân thế, cuộc đời sự nghiệp, công lao của Đệ nhị tổ Thiền phái Trúc Lâm Pháp Loa tôn giả đối với sự phát triển của Thiền phái Trúc Lâm nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.

Nhà bia nơi có tấm bia “Thanh Mai Viên Thông Tháp Bi”
được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.

Đệ nhị tổ Pháp Loa tên tục là Đồng Kiên Cương, sinh ngày 7/5 năm Giáp Thân, niên hiệu Thiệu Bảo thứ 6 (1284) tại thôn Đồng Hòa, hương Cửu La, Nam Sách, nay thuộc phường Ái Quốc (TP Hải Dương). Năm Hưng Long 13 (1304) Trần Nhân Tông thăm hương Cửu La, Đồng Kiên Cương đã ra bái yết.

Nhân Tông nhận thấy Kiên Cương là con người có đạo nhãn, nghĩa là có khả năng tu hành đắc đạo. Ông cho đi theo học đạo và đặt cho một cái tên mới là Hỷ Lại, nghĩa là người mang lại niềm vui. Hỷ Lại thông minh hiếu học, có nhiệt tâm với đạo Phật nên chỉ một năm sau, tại tăng viện Kỳ Lân (Chí Linh), ông được Điều Ngự đầu đà Trần Nhân Tông trao cho các bảo bối. Ngày 1 tháng Giêng năm Hưng Long 16 (1307), ông được trao quyền thừa kế sự nghiệp của Thiền Phái Trúc Lâm. Từ đó, ông trở thành vị tổ thứ 2 của thiền phái này.

Lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao quyết định công nhận
“Thanh Mai Viên Thông Tháp Bi” là Bảo vật quốc gia cho lãnh đạo thị xã Chí Linh,
xã Hoàng Hoa Thám và Trụ trì chùa Thanh Mai.

Ngày mồng 5/2 năm Khai Hựu thứ 2 (1330), Pháp Loa đang giảng kinh tại thiền viện An Lạc thì đột nhiên mắc bệnh. Ngày 13, thiền sư về thiền viện Quỳnh Lâm (Đông Triều) tĩnh dưỡng đến ngày 19, bệnh của thiền sư trở nên trầm trọng. Thấy khó qua khỏi, Pháp Loa cho gọi Huyền Quang đến, trao cho những bảo bối mà 22 năm trước Trần Nhân Tông trao cho ông như áo cà sa, kệ tả tâm… và dặn lại rằng: Huyền Quang sẽ là người hộ trì và thừa kế. Đêm 3/3, Pháp Loa viên tịch tại thiền viện Quỳnh Lâm. Theo di chúc của thiền sư, xá lỵ của ông được đặt trong Viên Thông Bảo Tháp sau chùa Thanh Mai.

Cuộc đời Pháp Loa không dài, nhưng đã làm nên sự nghiệp lớn. Ngài đã đào tạo một thế hệ học trò xuất sắc hơn 30 người, nuôi dạy 15.000 tăng ni, đúc trên 1.300 pho tượng lớn nhỏ, xây dựng hàng trăm chùa, tháp tiêu biểu là các trung tâm tôn giáo Yên Tử, Côn Sơn, Thanh Mai và Viện nghiên cứu Phật giáo Quỳnh Lâm. Ông cho vẽ nhiều bộ tranh tượng, khắc in bộ kinh Đại Tạng và dành nhiều giờ thuyết pháp, giảng kinh. Ông là người thừa kế, phát triển Thiền Phái Trúc Lâm lên đỉnh cao.

Lãnh đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lãnh đạo thị xã Chí Linh
dâng hương trước Tháp Viên Thông nơi đặt xá lỵ của Đức Đệ nhị Tổ Pháp Loa.

Tại buổi lễ, lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã lên trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận tấm bia “Thanh Mai Viên Thông Tháp Bi” là bảo vật quốc gia.

Tấm bia “Thanh mai Viên Thông Tháp Bi” được tạo tác bằng đá xanh nguyên khối được đặt trên lưng rùa đá, trang trí hình rồng có mào. Ngoài ra, còn có các hoa văn thắt túi, hoa dây, sóng nước hình núi đặc trưng của lối trang trí, kiến trúc thời Trần. Hai mặt bia khắc khoảng 5000 chữ Nho. Văn bia do Trung Minh biên tập, dựa theo cuộc đời của Pháp Loa, Tam tổ Huyền Quang hiệu đính, Thiệu Tuệ viết chữ. Bia được khắc dựng năm Đại Trị thứ 5 (1362).

Sau khi dâng hương tại Tháp Viên Thông, lãnh đạo Trung ương Giáo hội
Phật giáo Việt Nam, lãnh đạo thị xã Chí Linh cùng nhân dân du khách
thập phương đi 3 vòng quanh Tháp Viên Thông.

Ngoài nội dung về thân thế, sự nghiệp của Đệ nhị tổ Pháp Loa, nội dung trên tấm bia còn cung cấp thông tin về tình hình chính trị, tôn giáo, ruộng đất đương thời và những hoạt động của 3 vị tổ Trúc Lâm: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang. Văn bia còn cho biết năm, tháng xây dựng những công trình tôn giáo lớn đương thời.

Trước đó, Ban tổ chức lễ hội cùng đông đảo phật tử, nhân dân du khách thập phương đã tổ chức lễ rước lễ phẩm.

Lễ hội chùa Thanh Mai được tổ chức trong 3 ngày, từ 28 đến 30/3 (tức từ ngày 1 đến ngày 3/3 âm lịch). Trong 3 ngày diễn ra lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động nghi lễ trang trọng như: Lễ cáo yết, rước lễ phẩm, tuần đại cúng Phật, lễ mộc dục và cúng Tổ sư, lễ mông sơn thí thức...