Cá tra đang có thị trường tốt tại Trung Quốc
Ngày 28/3, Hiệp hội cá tra Việt Nam có cuộc họp thường niên trao đổi, cung cấp thông tin cho hội viên về chuyển động của ngành hàng thủy sản, đặc biệt là đối với cá tra trong qúy I/2017. Chủ đề của cuộc họp qúy I/2017 là “ảnh hưởng của thế giới đối với ngành thủy sản Việt Nam”.
Thu hoạch cá tra.
Tại hội nghị, các hội viên được thông tin về những tháng đầu năm 2017, thị trường cá tra đang diễn biến phức tạp ở các thị trường Châu Âu, Mỹ nhưng đang có chuyển biến tăng trưởng tốt tại thị trường Trung Quốc.
Hiện nay, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính như trước nên Hiệp hội cá tra Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp chú ý các yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao, cần cải thiện hệ thống quản trị chất lượng cũng như nhân lực, thiết bị kiểm tra, nhận diện rủi ro về an toàn thực phẩm đồng thời tăng cường quản lý Nhà nước đối với ngành hàng thủy sản.
Tuy nhiên, Vasep cũng cảnh báo, việc bán cá tra cho một số doanh nghiệp (DN) Trung Quốc đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro, nhất là vấn đề thanh toán.
Hiệp hội cũng thông tin: Bắt đầu từ quý I/2017, nhu cầu nhập khẩu cá tra tăng ở hầu hết các thị trường với mức tăng khỏang 20%, trong đó đáng chú ý là thị trường Trung Quốc, Hong Kong tăng gấp rưỡi thị trường Mỹ.
Cá tra Việt Nam hiện có mặt tại 137 thị trường trên thế giới, trong đó thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất 23%, Trung Quốc 17% và EU đã tụt xuống vị trí thứ 3 với 16%.
Trong năm 2016, Trung Quốc đã vượt EU trở thành thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ 2 của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh tới 89% lên 304,7 triệu USD. Trong 5 năm trở lại đây, tăng trưởng xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc tăng từ 24,2 - 88,7%/năm. Trong đó, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường năm 2016 đạt gần 305 triệu USD, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2015 và tăng gấp 4,17 lần so với 5 năm trước đó (năm 2012).
Ở ĐBSCL, có 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra chiếm khoảng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu là Vĩnh Hoàn, Biển Đông, Nam Sông Hậu, Hùng Vương, Nam Việt, IDI, Agifish, Hùng Cá, Gò Đàng, Trường Giang. Các doanh nghiệp cũng đã lập 200 vùng nuôi sản phẩm cá tra với diện tích 1.203 ha của doanh nghiệp và hộ nuôi để tiện cho việc truy suất nguồn gốc.
Theo Tổng cục thủy sản, dự kiến năm 2017, diện tích nuôi cá tra thương phẩm từ 5.000 đến 5.500 ha, đạt sản lượng trên 1,15 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,70 tỉ USD.