Tòa án buộc báo không viết bài về Thành Bưởi có sai luật?
Báo Giao Thông đã có khiếu nại cho rằng tòa sai luật báo chí sau khi TAND quận 5 có quyết định về việc buộc báo không được viết bài phản ánh về Thành Bưởi.
Hành khách lên xe Thành Bưởi ở khu vực đón khách tại quận 10, TP HCM.
Ngày 23/3, TAND quận 5 ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc báo Giao thông không được tiếp tục đăng tải các bài báo mới liên quan đến Công ty TNHH Thành Bưởi về các vấn đề xe hợp đồng trá hình, lách luật, né thuế, phí hay trốn thuế gây thất thu cho Nhà nước cho đến khi tòa án giải quyết xong vụ án.
Để không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án
Trước đó, Thành Bưởi kiện báo Giao thông về bài viết “Nở rộ xe khách trá hình, né thuế - Muôn kiểu lách luật” đăng ngày 29/12/2016 có một thông tin không chính xác làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Khi tòa đang thụ lý vụ kiện thì báo Giao thông tiếp tục viết bài về nhà xe này. Từ các chứng cứ mà Thành Bưởi cung cấp, xét thấy việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là cần thiết nên thẩm phán Đỗ Thị Ngọc Bích đã ký ban hành quyết định trên. Tòa án nhân dân quận 5 áp dụng điều 114 và điều 127 Bộ luật Tố tụng dân sự để ra quyết định.
Tòa cho rằng xét thấy cần áp dụng biện pháp này để không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, quyền và lợi ích hợp pháp của người có liên quan trong vụ án đang được giải quyết.
Trao đổi với PV, ông Lê Đức Thành, Chủ tịch HĐQT công ty TNHH Thành Bưởi, cho biết mình không trốn thuế như báo Giao thông đã nêu. Mỗi chuyến xe của Thành Bưởi xuất bến đều phải báo cáo qua mail về các Sở Giao thông Vận tải.
“Chúng tôi chỉ khởi kiện một bài báo và tôi bất ngờ về việc tòa ra quyết định áp dung biện pháp tạm thời này. Tôi nghĩ tòa đã đúng khi ra quyết định”, ông Thành nói.
Báo Giao thông khiếu nại tòa sai Luật báo chí
Ngày 27/3, ông Phùng Thế Huân - người đại diện theo Ủy quyền của báo Giao thông đã gửi đơn khiếu nại đến TAND quận 5 về quyết định này. Trong nội dung đơn báo Giao thông cho rằng tòa đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật về báo chí, trái với đường lối của Đảng và Nhà nước.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng biên tập báo Giao thông, cho rằng việc áp dụng biện pháp khẩn cấp như thế này chưa có tiền lệ, nên báo chí càng cần thiết phải lên tiếng. Thêm nữa, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì phần lớn các tình huống áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là dành cho trường hợp có nguy cơ tẩu tán tài sản.
"Ở đây hành vi vi phạm pháp luật vẫn tiếp diễn thì lẽ ra phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với Thành Bưởi chứ sao lại áp dụng với báo Giao thông", ông Kiên thắc mắc.
Ông Kiên viện dẫn theo Luật báo chí thì tờ báo vẫn được phép đăng. Báo chí có quyền thông tin theo nguồn tin của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Báo chí có nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Việc tòa án quyết định như trường hợp này tạo ra một tiền lệ xấu. Cứ vụ việc gì báo chí phản ánh tiêu cực, doanh nghiệp kiện là tòa lại ra quyết định khẩn cấp.
“Chúng tôi đã báo cáo sự việc này lên Ban Tuyên giáo Trung ương, đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội nhà báo Việt Nam nghiên cứu xem việc này đúng hay sai vì nó chưa có tiền lệ”, ông Kiên nói.
Còn theo luật sự Hứa Thị Thảo, Đoàn luật sư TP HCM, báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân. Vì vậy, việc TAND quận 5 buộc báo Giao thông không đăng tải báo mạng, báo giấy…liên quan đến Công ty TNHH Thành Bưởi về các vấn đề “xe hợp đồng trá hình, lách thuế, né thuế…” là vi phạm quyền tự do ngôn luận, quyền tự do thông tin của cơ quan báo chí.