Lên phương án xây dựng Nhà tưởng niệm di tích nhà tù Sơn La

Mạnh Dũng 29/03/2017 09:05

Sau khi xem xét tờ trình của UBND tỉnh Sơn La với nội dung đề xuất xây mới Nhà tưởng niệm thuộc di tích quốc gia đặc biệt nhà tù Sơn La, Bộ VHTTDL mới đây đã lưu ý địa phương cần làm rõ các cơ sở khoa học của việc lựa chọn hướng, quy mô kiến trúc, hình thức kiến trúc của công trình Nhà tưởng niệm, phương án bố trí thờ tự.

Cây đào Tô Hiệu tại nhà tù Sơn La.

Theo đó, dự kiến phương án thiết kế xây dựng Nhà tưởng niệm các liệt sĩ nhà tù Sơn La đã được địa phương tổ chức họp bàn từ năm 2016. Theo phương án của đơn vị tư vấn thiết kế, công trình Nhà tưởng niệm các liệt sĩ nhà tù Sơn La dự kiến vị trí tại khu đất giữa nhà tù Sơn La và UBND tỉnh.

Công trình có diện tích sử dụng khoảng 3.230m2, trong đó sân 1.180m2, diện tích cây xanh 1.406m2, nhà chính khoảng 180m2, còn lại là giao thông nội bộ.

Chất liệu cơ bản bằng bê tông cốt thép kết hợp một số vật liệu khác. Ý tưởng thiết kế công trình mang đặc trưng văn hóa của dân tộc Việt, lồng ghép các hoa văn họa tiết mang sắc thái các dân tộc Sơn La. Công trình được xây dựng nhằm tôn vinh, tri ân các liệt sĩ đã hi sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc. Kinh phí từ nguồn vốn xã hội hóa.

Sau khi xem xét tờ trình số 97 của UBND tỉnh Sơn La với nội dung xây mới nhà tưởng niệm thuộc Di tích quốc gia đặc biệt nhà tù Sơn La có hình thức kiến trúc truyền thống 2 tầng 8 mái, ngày 23/3, Bộ VHTTDL đã có một số lưu ý: UBND tỉnh cân nhắc điều chỉnh trục chính công trình Nhà tưởng niệm có hướng Đông, song song với trục chính của di tích; Về phương án xây dựng công trình nhà tưởng niệm: Chuyển vị trí đôi rồng để nằm trên trục chính (trục 3 và trục 4) của công trình và nghiên cứu, bổ sung phương án bố trí thờ tự trong công trình và sân vườn xung quanh.

Bộ VHTTDL cũng lưu ý: Thuyết minh Báo cáo kinh tế - kỹ thuật cần làm rõ các cơ sở khoa học của việc lựa chọn hướng, quy mô kiến trúc, hình thức kiến trúc của công trình Nhà tưởng niệm, phương án bố trí thờ tự; Phần căn cứ pháp lý cũng cần bổ sung Quyết định số 2513 năm 2016 của Thủ tướng phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt nhà tù Sơn La; Công văn số 1616 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý xây dựng nhà tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh tại Nhà tù Sơn La.

Theo tinh thần Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt nhà tù Sơn La đã được Thủ tướng phê duyệt, mục tiêu lập quy hoạch nhằm bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử nhà tù Sơn La, để di tích trở thành điểm giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ người Việt Nam. Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch có tổng diện tích khoảng 31,6 ha thuộc phường Tô Hiệu và phường Chiềng Lề, TP Sơn La.

Nhiệm vụ quy hoạch chủ yếu là nghiên cứu, đánh giá hiện trạng các di tích hiện còn, dấu vết của các công trình trước đây; tập hợp, xác định các tài liệu đã có, đề xuất nhu cầu tài liệu bổ sung; đánh giá mối liên hệ giữa các di tích, vai trò di tích trong mối quan hệ vùng, tình trạng kỹ thuật, quản lý và phát huy giá trị di tích.

Nghiên cứu lịch sử truyền thống cách mạng ở địa phương và lịch sử di tích nhà tù Sơn La; các giá trị văn hóa phi vật thể liên quan đến khu vực; nghiên cứu, khảo sát cộng đồng dân cư tại địa phương, trong đó có cộng đồng các dân tộc gắn bó với di tích; phân tích các nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích…

Nhà tù Sơn La do người Pháp xây dựng năm 1908, tổng diện tích hơn 1.200m2. Sau đó được mở rộng quy mô để trở thành nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng của toàn xứ Bắc Kỳ. Được công nhận là Di tích quốc gia từ 1962, nhà tù bị phá hủy nghiêm trọng vào năm 1965 bởi bom Mỹ.

Giờ đây nhà tù Sơn La trở thành địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần yêu nước cho nhân dân, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập và nghiên cứu...

Nhà tù Sơn La luôn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới thăm quan, đặc biệt là vào dịp Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 hàng năm.

Từ năm 1980, tỉnh Sơn La cũng đã tiến hình phục chế lần lượt một số kiến trúc chính để giúp khách tham quan hình dung về quần thể này. Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử nhà tù Sơn La đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ).

Mạnh Dũng