Phòng hơn chống
Mới đây, Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố báo cáo quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm ở Việt Nam. Theo đó, có tới 80% thịt lợn, 85% rau củ quả được bán rải rác ở các chợ truyền thống, trong đó 76% thịt lợn được giết mổ tại những nơi nhỏ lẻ, tự phát không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
World Bank cũng ghi nhận nỗ lực kiểm soát an toàn thực phẩm của Chính phủ Việt Nam, song cơ quan này cho rằng thay vì hậu kiểm và xử phạt thì nên thực hiện tiền kiểm ngay từ khâu chăn nuôi, giết mổ sẽ đảm bảo an toàn hơn cho người tiêu dùng.
Tăng cường kiểm tra để phát hiện thực phẩm bẩn.
Trong bất cứ lĩnh vực nào thì phòng ngừa ngăn chặn ngay từ đầu cũng là biện pháp tối ưu so với việc để sự việc xảy ra rồi mới lo nghĩ cách đối phó. Trong một vài việc thì khi sự việc diễn ra rồi vẫn có thể khắc phục mà ít để lại hậu quả đáng tiếc. Xưa nay người đời vẫn thường nhắc nhở nhau trong bất cứ trường hợp nào, lĩnh vực gì thì phòng vẫn hơn chống đó sao?!
Theo nhận định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng BCĐ liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm thì tình hình ATTP tại Việt Nam là vấn đề nóng trong vài năm gần đây, đặc biệt là từ cuối năm 2015 và năm 2016.
Do vậy, việc các tổ chức quốc tế, trong đó có World Bank phân tích, so sánh, đưa ra kiến nghị về ATTP tại Việt Nam là hết sức cần thiết. Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng lắng nghe các ý kiến đóng góp của các tổ chức quốc tế, để có thể hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm ngày càng nâng cao chất lượng vệ sinh ATTP, đảm bảo sức khỏe của người dân và cộng đồng xã hội.
Hiện hành lang pháp lý của chúng ta chưa đủ để kiểm soát chặt chẽ vấn đề giết mổ gia súc, gia cầm. Thật hiếm những nơi giết mổ tập trung mang tính quy mô, đảm bảo các tiêu chí ATTP theo quy chuẩn quốc gia, chứ chưa nói đến quy chuẩn quốc tế. Các bộ, ngành, địa phương cũng chưa thực sự quan tâm đúng mức đến quy trình sản xuất ATTP.
Chính vì vậy, thực trạng hiện nay là mạnh ai nấy làm, bất cứ ai, ở đâu cũng có thể tự phát giết mổ gia súc mang bán ra thị trường mà không cần phải tuân thủ bất cứ điều kiện ATTP nào.
Hàng rào bảo vệ người tiêu dùng duy nhất hiện nay trong vấn đề ATTP chỉ là đội ngũ kiểm dịch động vật (thuộc ngành NN&PTNT) tại các chợ. Không ít những con dấu đến đóng lên các tảng thịt mà không cần có bất cứ sự lấy mẫu phân tích chuyên môn nào. Việc làm cho có mang tính chiếu lệ này là vô cùng nguy hiểm, bởi vô hình trung cơ quan chức năng đã “hợp pháp hóa” tất cả thịt gia súc ở chợ, dù nó có nguồn gốc xuất xứ như thế nào.
Đây chính là lỗ hổng, là nguyên nhân mà nhiều đối tượng táng tận lương tâm vô tư mang thịt ôi, thịt thối, thịt mang mầm bệnh đi tiêu thụ tại các chợ. Khi không lấy mẫu để kiểm định thì lấy gì để đảm bảo nguồn thịt gia súc được các nhân viên kiểm dịch đóng dấu “an toàn” không phải là thịt thối được tẩm ướp bằng hàn the, tưới máu lên để làm tươi?
Đương nhiên, cũng có một số trường hợp những người vận chuyển và buôn bán thịt gia súc, gia cầm ôi thiu, thậm chí đã thối rữa bốc mùi bị lực lượng chức năng, hoặc là công an, hoặc là quản lý thị trường bắt giữ.
Song, số vụ và số lượng thịt gia súc, gia cầm bị cơ quan chức năng bắt giữ chỉ là bề nổi của tảng băng, thực tế là có rất nhiều những loại thịt không đảm bảo ATTP đã được tiêu thụ trót lọt đến người tiêu dùng.
Dù cho cơ quan chức năng có phạt, thu giữ lượng hàng hóa của những đối tượng buôn bán thịt gia súc, gia cầm không đảm bảo ATTP thì cũng không đủ sức răn đe ngay chính với đối tượng bị bắt, chứ đừng nói đến những người khác.
Vì sao nói vậy? Đơn giản vì những người bị lực lượng chức năng bắt giữ khi đang vận chuyển, buôn bán thịt ôi thiu, thối rữa cùng lắm chỉ bị thu giữ hàng hóa, phạt cảnh cáo rồi cho về, chứ chưa có trường hợp nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Với nguồn lãi khủng từ việc làm táng tận lương tâm của mình thì cái sự phạt hành chính của cơ quan chức năng không làm cho người vi phạm biết sợ. Vậy thì việc kiểm tra, xử phạt những trường hợp vi phạm của lực lượng chức năng có khác gì việc “bắt cóc bỏ đĩa”, “ném đá ao bèo”?
World Bank khuyến cáo Việt Nam không nên hậu kiểm và xử phạt nữa, mà hãy thực hiện việc tiền kiểm - nghĩa là kiểm soát chặt chẽ, gắt gao ngay từ khâu chăn nuôi, thức ăn gia súc, gia cầm, đến khâu giết mổ.
Có vậy mới mong “cầm đằng chuôi” trong việc đảm bảo ATTP tuyệt đối cho người tiêu dùng. Khi mà có sự kiểm soát chặt chẽ từ khâu chăn nuôi đến giết mổ thì các cơ quan chức năng không chỉ đảm bảo được ATTP mà còn có thể chủ động ứng phó được với các mầm bệnh phát sinh, để có biện pháp kịp thời thu hồi sản phẩm, khoanh vùng dập dịch...
Đó mới chỉ là nhìn trong diện hẹp. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Việt Nam hiện là một nước xuất khẩu lớn sản phẩm nông nghiệp. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang phần lớn các thị trường khó tính nhất như Nhật Bản, EU, Mỹ.
Nếu việc đảm bảo vệ sinh ATTP không được thực hiện tốt thì không thể xuất khẩu được. Vì vậy, ngoài việc nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước, cũng cần tuyên truyền, vận động nhân dân để mỗi người có ý thức tuân thủ pháp luật về sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm an toàn.
Song, mấu chốt quan trọng vẫn là cách làm, phương pháp để giải quyết vấn đề. Nếu cứ chạy theo vụ việc thì khó có thể nắm bắt chứ đừng nói kiểm soát chúng. Hãy chủ động theo phương châm: Phòng hơn chống.