Đưa kiến thức biển đảo vào nhà trường

T. Giang 29/03/2017 08:15

“Phổ biến kiến thức về biển đảo quê hương trong môi trường học đường nhằm tuyên truyền hình ảnh biển đảo và trách nhiệm an ninh với biển đảo. Từ chương trình này giúp học sinh tăng thêm lòng yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền” - đại diện trường THPT Thống Nhất (huyện Thống Nhất), tỉnh Đồng Nai chia sẻ.

Học sinh trường THPT Thống Nhất (Đồng Nai) thuyết trình phần thi kiến thức về biển đảo Ảnh: S. XANH.

Tuyên truyền kiến thức về biển đảo trong nhà trường là một việc làm khó, vì hầu hết học sinh chỉ được nhìn thấy đảo xa ở trên truyền hình. Để biển đảo gần gũi với học sinh, nhiều trường THPT ở Đồng Nai đã chủ động xây dựng các chương trình giải trí, sân chơi bổ ích nhằm củng cố kiến thức nền về biển đảo.

Là một trong những trường có bề dày về giáo dục, trường THPT Thống Nhất vừa tổ chức chương trình ngoại khóa liên môn: lịch sử - địa lý – công dân với chủ đề “Đồng vọng biển đảo quê hương ta”.

Theo kế hoạch xây dựng chương trình, tất cả học sinh được phổ biến kiến thức về biển đảo vào trong giờ chào cờ hàng tuần thông qua các vòng loại thi và chung kết ngoại khóa liên môn. Chương trình củng cố kiến thức về biển đảo của trường THPT Thống Nhất nhận được sự tham gia sôi động và hứng khởi của các em học sinh.

Tại vòng chung kết ngoại khóa liên môn: lịch sử - địa lý – công dân chủ đề “Đồng vọng biển đảo quê hương ta” với các hoạt cảnh, thuyết trình, kể chuyện…

của 4 đội thi gồm: Cát Bà, Côn Đảo, Nguyễn Tri Phương, Hồ Thị Hương khắc họa rõ nét đặc điểm riêng biệt của từng địa danh biển đảo, con người Việt Nam.

Chương trình giúp học sinh hiểu rõ hơn vùng biển nước ta dài 3.260 km, khoảng 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ phân bố khá đều theo chiều dài bờ biển đất nước và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa, với vị trí đặc biệt như tuyến phòng thủ tiền tiêu bảo vệ sườn đông của tổ quốc. Ngoài tầm quan trọng về vấn đề lịch sử, địa lý, an ninh, biển đảo còn có giá trị nổi bật về mặt kinh tế như giao thông, dầu mỏ, du lịch…

Thông qua kiến thức được củng cố, đa số học sinh tự nhận thấy, trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước biển đảo gắn với quá trình xây dựng đất nước Việt Nam. Bên cạnh đó, tài nguyên của biển bạc cùng con người Việt Nam phát triển đất nước ngày một giàu mạnh hơn.

Hào hứng với chủ đề “Đồng vọng biển đảo quê hương ta”, Phạm Thị Mai Chi – học sinh lớp 12A3 trường THPT Thống Nhất chia sẻ: “Em rất vui vì được tham gia chương trình bổ ích này. Sự kết hợp phong phú về loại hình nhạc, thơ, tiểu cảnh… trong chương trình ngoại khóa chủ đề “Đồng vọng biển đảo quê hương ta” giúp chúng em có nhiều kiến thức hơn về biển đảo và tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”. Bày tỏ niềm vui và sự kỳ vọng tăng cường kiến thức biển đảo, học sinh Đỗ Thị Minh Thư, lớp 12A2 cho rằng: “Kiến thức về biển đảo trong môi trường học đường không thật sự sâu rộng nhưng qua chương trình này thông tin lịch sử, địa lý về biển đảo của học sinh được nâng tầm hơn. Hy vọng những năm tới trường có nhiều chương trình hấp dẫn hơn để củng cố kiến thức biển đảo cho học sinh các khối”.

Nhận định về ý nghĩa và tính hiệu quả của việc phổ biến kiến thức về biển đảo, thầy Cao Thế Anh - Tổ trưởng bộ môn xã hội lịch sử - địa lý – công dân, trường THPT Thống Nhất cho hay: “Trường muốn phổ biến kiến thức về biển đảo quê hương nhằm tuyên truyền hình ảnh biển đảo và trách nhiệm an ninh với biển đảo.

Từ chương trình này giúp học sinh hình thành lên lòng yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền. Đây chính là lý do vì sao chương trình ngoại khóa liên môn chủ đề “Đồng vọng biển đảo quê hương ta” được phát động”. Mong muốn tiếp tục bổ sung kiến thức biển đảo trong môi trường học đường, mà cụ thể là trường Thống Nhất, Ths. Lê Thanh Hưng - Hiệu trưởng trường khẳng định sắp tới trường sẽ nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí cho học sinh.

Trong đó, tập trung phổ biến, bổ sung và củng cố kiến thức nền về biển đảo quê hương vừa nâng cao kiến thức, vừa xây dựng ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo cho học sinh.

T. Giang