Tăng cường nội dung giáo dục giới tính trong sách giáo khoa

Thu Hương 29/03/2017 09:10

Ở chương trình phổ thông hiện nay, đã đề cập đến nội dung giới dục giới tính bắt đầu từ sách giáo khoa lớp 4, tức là từ cấp tiểu học. Tuy nhiên, hàng loạt vụ xâm hại trẻ em xảy ra thời gian qua cho thấy rất nhiều trẻ ở độ tuổi nhỏ hơn bị xâm hại, thậm chí là từ lứa tuổi mầm non.

Trẻ em, học sinh rất cần được giáo dục giới tính từ sớm. Ảnh: TL.

Theo ông Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT): “Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư 04 về giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Trong đó, có lồng ghép các nội dung bảo vệ trẻ em và chống xâm hại. Trẻ em có thể học được các kỹ năng cũng như kiến thức cần thiết từ các hoạt động này”.

Kỳ vọng vào sự thay đổi của chương trình và bộ sách giáo khoa mới đang được soạn thảo, trong đó có nội dung giáo dục giới tính được đề cập ra sao? GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết đây sẽ là một trong những nội dung được ban soạn thảo chương trình rất quan tâm và đã đề xuất tăng cường nội dung này trong sách giáo khoa mới cũng như các hoạt động ngoại khóa.

“Nội dung giáo dục giới tính và bảo vệ trẻ em sẽ được quan tâm hơn trong sách giáo khoa mới. Các bài học giúp các em nhận thức được việc bảo vệ mình trước vấn đề xâm hại sẽ có trong các môn như: Khoa học đời sống, Kiến thức pháp luật, Sinh học, của các cấp học.

Ngoài ra tích hợp trong các môn khoa học xã hội như Ngữ văn… Tuy nhiên, để bảo vệ được trẻ em không chỉ cần có chương trình giáo dục tốt mà còn cần có sự phối hợp của gia đình, xã hội và sự vào cuộc của các cơ quan bảo vệ pháp luật”, GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chương trình giáo dục phổ thông mới cũng tăng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo nhằm giúp học sinh có khả năng thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.

Góp ý về nội dung này trong sách giáo khoa mới, Tiến sĩ Vũ Thu Hương - Giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội cho rằng: “Giáo dục giới tính không thể nói vài lần là hết, mà phải có sự đồng hành của cả xã hội từ lúc trẻ bắt đầu đến trường cho đến khi có đủ kiến thức để tự bảo vệ hoặc chịu trách nhiệm về việc mình làm. Các nhà giáo dục cũng cần phải xây dựng chương trình giáo dục giới tính phù hợp với từng giai đoạn, từng lứa tuổi với học sinh để các em được sớm tiếp cận và bảo vệ chính mình”.

Thu Hương