Lớp học tình thương của bà giáo 85 tuổi
Gần hai chục năm nay, ở phường An Dương, quận Tây Hồ, TP Hà Nội, có một ngôi trường đặc biệt mà ở đó chỉ có một lớp học mang tên “Lớp học tình thương”.
Lớp do một người tuy đã bước vào tuổi 85 là bà Hồ Hương Nam, vừa làm “hiệu trưởng” đồng thời vừa làm giáo viên, vừa làm lao công mà lại... không hưởng lương. Học sinh của bà giáo này cũng rất đặc biệt: Là những người khuyết tật và được theo học đến bao giờ tuỳ ý.
Bà giáo Hồ Hương Nam dạy trẻ câm điếc tại lớp học tình thương ngày 28/3 (Ảnh: Trần Ngọc Kha).
Học sinh của bà - mỗi em một số phận. Có em theo học bà giáo suốt từ lúc thành lập lớp đến nay 19 năm, nay đã biết đọc biết viết, biết tính toán cộng trừ, nhân, chia để phục vụ cho việc bán quần áo kiếm sống.
Những năm đầu đi học, cháu được bố mẹ đưa, đón. Về sau cả bố và mẹ qua đời, cháu ở với anh trai, dần tự đi học một mình rất chăm chỉ. Có cháu nay đã bập bẹ nói được vài câu, viết được vài chữ tuy còn nguệch ngoạc.
Bà Nam kể lại, những năm đầu lớp có học sinh bị liệt, đi vệ sinh rất khó khăn. Hàng ngày bà phải tích trữ những chiếc vỏ chai lavie để giúp cháu đi vệ sinh ngay tại lớp rồi tự tay bà mang đi đổ.
Nhiều thế hệ với hơn sáu chục con người khuyết tật như vậy đã đến đây, nương nhờ vào bà để biết được mặt chữ, con số, hy vọng có chút hành trang vào đời kiếm sống. Nhìn những cuốn vở tập viết, tập tô, những que tính đang được bày ra trước mặt những em học sinh không còn tuổi đến trường, nếu tốt số như những người bình thường cũng đã có được vài ba mặt con, lòng chúng tôi trào dâng bao nỗi xúc động.
Bà Hồ Hương Nam sinh năm 1933, quê gốc ở Đông Ba, TP Huế. Tốt nghiệp Trường sơ cấp sư phạm Huế năm 1952 nên từ khi ra Bắc tập kết đến nay, bà theo suốt nghề dạy học ở cấp tiểu học tại Ba Đồn, Quảng Trạch, Quảng Bình rồi theo chồng ra Hà Nội dạy tại các trường cấp 1 Mạc Đĩnh Chi, Phan Chu Trinh, Trường cấp 1-2 Hoàng Hoa Thám và nghỉ hưu năm 1979.
Nghỉ hưu, bà tham gia công tác dân số tại phường. Và, khởi nguồn của lớp học tình thương bây giờ được bắt đầu từ đó. Trong khi đi vận động bà con sinh đẻ có kế hoạch, bà gặp hai mảnh đời thật thương tâm - hai đứa trẻ bị thiểu năng trí tuệ, lớn rồi vẫn chưa biết đọc, biết viết.
Bản năng sư phạm vốn có lại trỗi dậy, bà dang tay đón hai đứa trẻ, tổ chức dạy học cho chúng tại một lớp học đặt nhờ tại một trụ sở tuần tra dân phố. Vài tháng sau các cháu bắt đầu biết đọc biết viết.
“Thừa thắng”, bà kêu gọi các gia đình mang con khuyết tật đến cho bà dạy học. Cứ thế, lớp đông dần học sinh, phải chuyển qua học nhờ nhiều nơi đến hôm nay là Trường THCS An Dương khang trang bề thế do sự quan tâm của các cấp chính quyền và ngành giáo dục quận Tây Hồ, TP Hà Nội.
Cho đến nay, 62 cháu sau khi học đã biết đọc, biết viết và lớp vẫn giữ nguyên tắc bất di, bất dịch: Dạy học miễn phí.
“Vậy bà lấy tiền đâu ra để trang trải các khoản chi phí cho lớp?”. Nghe tôi hỏi, bà cười: “Tôi trích từ lương hưu 2,5 triệu đồng/tháng cộng với khoản tiền các con cho khoảng 1 triệu đồng nữa”.
“Tôi không bán chữ” là câu nói được bà nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Ai biếu bà hay biếu lớp quà gì bà nhận tuốt, chỉ trừ... phong bì.
“Vậy mà tuần nào tôi cũng có quà cho các cháu đấy nhé!” - bà khoe. Ấy đơn giản chỉ là những chiếc bánh mì con con, hay những cuốn vở với tổng trị giá vài chục nghìn đồng được chi từ tiền riêng của bà, để động viên các cháu.
Và vui nhất ấy là có lần bà được các cháu tặng hoa, mỗi cháu một bông nhân ngày 20-11. “Bà ơi! Hôm nay là ngày của bà”, nói được mấy câu như vậy rồi chúng ùa vào nhà bà tặng hoa rồi đôi lúc thấy bà có vẻ buồn buồn, chúng chạy lại ôm hôn.
“Cả đời làm nghề sư phạm, đó mới chính là những giây phút hạnh phúc nhất đời tôi” - bà Nam chia sẻ và đó cũng chính là lý do để lý giải cho những năm tháng đầy khó khăn nhưng bà vẫn vượt qua được tất cả để vừa dạy vừa chăm những học sinh đặc biệt của mình.