Nghệ An: Hai cây cầu, hai nghịch lý
Được Nhà nước đầu tư cầu tiền tỷ chưa hết vui mừng thì người dân lại thất vọng vì cầu chưa xong đã xuống cấp, nơi ước mơ một cây cầu để qua lại vẫn “đợi chờ” trong vô vọng. Đó là những bất cập của hai cây cầu nằm tại xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp và xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An).
Cầu Tam Liên phục vụ gần 1.700 nhân khẩu xuống cấp nghiêm trọng.
Nơi ước mơ…
Về xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) một ngày nắng, chúng tôi bước đi trên cầu Tam Liên là điểm huyết mạch giao thương của bà con 2 xóm Vặc và Đồng Chảo.
Thế nhưng hiện nay, cây cầu này đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, khiến việc tham gia giao thông của người dân gặp khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Với tuổi thọ 13 năm có lẻ, cầu Tam Liên với chiều dài hơn 140m được xây dựng từ ngân sách của Nhà nước, của địa phương và đóng góp của người dân với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng.
Tuy nhiên, hiện tại các hạng mục của cây cầu đều hư hỏng nghiêm trọng, mặt cầu xuất hiện các khe nứt và ổ gà, các thanh lan can bị ăn mòn, trơ cả lõi sắt, trụ bê tông nhịp thứ 4 cũng bị nghiêng lệch.
Cây cầu xuống cấp nghiêm trọng đang làm người dân nơi đây lúc nào cũng nơm nớp lo sợ mỗi khi đi qua. Nhất là những lan can đã bị gãy, rất dễ bị lao xuống sông khi qua cầu vào ban đêm. Cũng tại đây, đã có tai nạn giao thông xảy ra.
Ông Trần Văn Giá trú xóm Vặc nhớ lại: “Do cầu bị hư hỏng nặng, chúng tôi bắc cầu tre đi tạm. Một lần tôi đi làm về, do cầu nghiêng nên cả người và xe bị rơi xuống sông, dẫn tới gãy chân, phải đi bệnh viện điều trị. Ước mơ của người dân chúng tôi là mong có cây cầu chắc chắn hơn để qua lại mỗi ngày”.
Mặc dù, hư hỏng nhưng do nằm trên tuyến đường ra trung tâm xã, nên hàng ngày cây cầu Tam Liên vẫn phải oằn mình “cõng” hàng nghìn lượt người dân, học sinh, xe cộ qua lại.
Điều đang nói là mỗi lần có xe qua cầu, những phương tiện đi ngược chiều phải đợi vì không có lan can nên khá nguy hiểm khi tránh nhau. Vào mùa mưa bão, có những thời điểm mưa lớn, nước lũ lên cao, chính quyền xã Tam Hợp buộc phải tạm ngừng hoạt động trên cây cầu này.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Tâm- Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hợp cho biết: “Cầu Tam Liên phục vụ cho gần 400 hộ dân với 1.652 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.
Trước đây, chính quyền địa phương đã huy động nhân dân cùng với nguồn ngân sách của xã, huyện, tỉnh hỗ trợ, địa phương cũng đã nhiều lần tu sửa. Nhưng năm 2016, do ảnh hưởng của cơn bão số 4 đã làm sụt lún một trụ và nghiêng hẳn một nhịp.
Nếu cây cầu này vẫn tiếp tục tồn tại như thế này thì năm nào cũng phải khắc phục. Mong muốn của chính quyền và người dân nơi đây là Nhà nước cho đầu tư xây dựng một cây cầu mới đảm bảo phục vụ người dân sử dụng được an toàn.
Cầu cầu Khe Dền chưa bàn giao nhưng đã có dấu hiệu xuống cấp.
Nơi phí phạm
Nếu như hàng ngàn người dân ở xóm Vạc và xóm Đồng Chảo, xã Tam Hợp mong ước một cây cầu đủ an toàn để đi nhưng chưa được đáp ứng thì tại xóm 1, xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn có một cây cầu được đầu tư hơn 27 tỷ đồng, dù chưa bàn giao nhưng đã có dấu hiệu xuống cấp.
Đó là cầu Khe Dền nối từ QL15A vào xã Nghĩa Hồng, phục vụ hàng trăm hộ dân hàng ngày qua lại. Cầu Khe Dền được khởi công từ năm 2013 và dự kiến (theo hợp đồng) sẽ được bàn giao, đưa công trình vào sử dụng cuối tháng 12/2016.
Đây là một trong những công trình trọng điểm, nằm trên trục đường chính lưu thông đi lại của nhân dân các xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Yên, Nghĩa Minh và các vùng phụ cận với mật độ lưu thông qua lại rất lớn.
Vì thế, khi triển khai xây dựng tuyến đường này người dân nơi đây hết sức vui mừng, phấn khởi. Thế nhưng, sau gần 4 năm thi công, cầu Khe Dền vẫn đang còn dang dở nhiều hạng mục như: Chưa lắp đặt lan can cầu, chưa hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông, chưa trồng cỏ gần hai bên mố cầu và chưa lắp hệ thống ống thoát nước mặt cầu.
Người dân nơi đây cho biết, khi chưa có cầu, họ di chuyển qua đập tràn, tới mùa mưa bão rất nguy hiểm. Đầu năm 2013, cây cầu tiền tỷ này được đầu tư xây dựng, nhưng không hiểu sao hơn 4 năm nay, cầu này vẫn trơ trọi vì chưa có lan can an toàn, không hệ thống báo hiệu.
“Nếu có tai nạn xảy ra, rơi xuống sông thì… chỉ có nước mất mạng- một người dân than thở. Ngoài việc thi công kéo dài và dang dở thì cây cầu này cũng xuất hiện dấu hiệu xuống cấp ở một số hạng mục.
Cụ thể là hai bên mố cầu được xây bằng đá hộc nhiều chỗ đã bị nứt toác thành những rãnh sâu và dài, một số vữa bê tông, xi măng bị nứt toác, bong tróc lộ ra rất rõ ràng.
Trước thực tế trên, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Nghĩa Đàn đã nhiều lần ra văn bản đề nghị nhà thầu là Công ty Hòa Bình tiến hành thi công tiếp công trình như: Tổ chức thi công hoàn thành xong hạng mục đường hai đầu cầu và lắp đặt lan can cầu trước ngày 30/8/2016.
Đồng thời, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường đang thi công. Lắp đặt các biển báo hiệu, xử lý các vị trí lầy lội, trơn trượt trên tuyến đường.
Ngày 13/12/2016, Ban QLDA huyện Nghĩa Đàn tiếp tục ra Công văn số 64/BQLDA về việc thi công hoàn thành công trình cầu nói trên, thời hạn thực hiện xong trước ngày 30/12/2016.
Thế nhưng, Công ty Hòa Bình vẫn không chịu thực hiện chỉ đạo của Ban QLDA huyện nghĩa Đàn. Trao đổi với báo chí, ông Lê Trung Tâm - Giám đốc Ban QLDA huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Cầu Khe Dền thi công từ năm 2013 nhưng đến nay chưa hoàn thành bàn giao. Việc hư hỏng, nứt nẻ của cầu Khe Dền là có thật, chúng tôi cũng đã yêu cầu đơn vị thi công thực hiện tiếp công trình nhưng họ chưa làm. Công trình này, cũng đã giải ngân được khoảng 80% số vốn”.