Từ vụ khí thải độc hại khiến dứa chết bất thường tại Lào Cai: Nghiêm trọng ô nhiễm khí thải
Theo UBND tỉnh Lào Cai, kết quả điều tra mới nhất cho thấy, nguyên nhân chính làm chết hàng chục ha dứa và nhiều cây cối hoa màu khác tại huyện Mường Khương, là do khí thải từ nhà máy luyện kim màu Lào Cai của CTCP Tứ Đỉnh.
Dứa của người dân chết hàng loạt.
Cụ thể, hệ thống xử lý khí thải của nhà máy luyện kim màu này có một số vị trí bị hở, hệ thống cấp và phun sữa vôi chưa đáp ứng yêu cầu nên một lượng lớn khí thải SO2 không được xử lý đã phát tán vào môi trường không khí. Khí SO2 gặp điều kiện thời tiết ẩm ướt, mây mù sẽ tán tụ thành H2SO4, một dung dịch a xít cực kỳ có hại cho cây cối hoa màu.
Ông Lê Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lao Cai cho biết, theo giấy chứng nhận đầu tư, CTCP Tứ Đỉnh được sản xuất các sản phẩm đồng tấm tinh luyện khoảng 10.000 tấn/năm, axit H2SO4 khoảng 35.000 tấn/năm. Tại thời điểm kiểm tra, các hạng mục kỹ thuật để sản xuất ra đồng kim loại và axit H2SO4 chưa được đầu tư đúng theo quy định trong giấy chứng nhận đầu tư. Chính vì vậy, lượng khí SO2 chưa được thu hồi để sản xuất ra axit H2SO4 mà phải sử dụng hệ thống phun sữa vôi để trung hòa.
Bên cạnh đó, hệ thống lò quay hỏa luyện công suất 75.000 tấn/năm gồm một thiết bị làm mát nhập khẩu từ Trung Quốc sản xuất, có tờ khai hải quan nhập khẩu và hóa đơn thương mại kèm theo nhưng không có Giấy chứng nhận xuất xứ và chứng nhận chất lượng.
Tương tự, dây chuyền lò đứng hỏa luyện công suất 126.000 tấn/năm, các thiết bị do Trung Quốc sản xuất, chưa có giấy chứng nhận xuất xứ và chứng nhận chất lượng. Nói cách khác, toàn bộ dây chuyền, công nghệ trên chưa được thẩm tra về công nghệ.
Thực tế cho thấy, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, sản xuất kim loại, hóa chất, thuộc da… đang sử dụng những dây chuyền từ Trung Quốc, chủ yếu do giá rẻ.
Rất nhiều trong số này chưa thể định lượng được chất lượng, cũng như công nghệ tác động như thế nào với môi trường. Nhãn tiền đã minh chứng, các khu vực ô nhiễm nặng nề về không khí hiện nay, đều chỉ cách các nhà máy sản xuất khoảng 1,5 đến 3km. Các chỉ số đều vượt quy chuẩn Việt Nam rất nhiều lần.
Theo báo cáo của Bộ TNMT, nồng độ khí SO2 đo được xung quanh các khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất kim loại, khai thác khoáng sản, hóa chất… đều ở mức rất cao.
Miền Bắc cao hơn miền Nam. Ví dụ như tại nhà máy xi măng Hà Giang, 5 năm liền từ năm 2011 đến 2015, nồng độ SO2 cao hơn vượt chuẩn gấp 3 đến 5 lần, có thời điểm đạt xấp xỉ 250ug/m3 trong khi mức cho phép từ 50 đến 125ug/m3.
Tại khu công nghiệp Trà Nóc 1 Cần Thơ, nồng độ SO2 đo được 180ug/m3. Ngay tại Hà Nội, nồng độ SO2 đo được trung bình tại các khu công nghiệp cũng vượt trên 150ug/m3 trong 5 năm trở lại đây…
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Môi trường cho biết, các loại hình công nghiệp sử dụng nhiều nhiên liệu đốt có công suất lớn sẽ phát thải lượng SO2 nhiều hơn các ngành khác. Nếu không đầu tư đúng mức vào quy trình sản xuất, sẽ dẫn đến sự phát tán SO2 ra không khí.
Và khi gặp các loại vật chất khác, sẽ tụ tán thành những chất liệu độc hại với không chỉ con người. Vụ dứa chế hàng loạt tại Lào Cai là điển hình. Sẽ còn bao nhiêu địa phương chịu tác động của những nguy hiểm xuất phát từ sự chủ quan thậm chí vô ý thức của con người?
Ô nhiễm mùi do khí thải phát sinh từ khu vực bãi chôn lấp rác, nhà máy chế biến tinh bột sắn, nhà máy cao su, nhà máy giấy… không dừng ở mức hiện tượng hay cảnh báo. Mà là sự báo động đỏ thực sự.
Đó dường như giải thích cho chỉ số trong gần 120.000 trường hợp được thăm khám bệnh nghề nghiệp năm 2015 có tới gần 9.000 trường hợp nghi mắc các bệnh nghề nghiệp tập trung vào bệnh bụi phổ silic, viêm phế quản mạn tính, nhiễm độc benzen, bệnh do quang tuyến X…
Tỷ lệ người mắc bệnh hô hấp tại Hà Nội cao hơn TP Hồ CHí Minh. Ô nhiễm không khí còn gây ra hàng triệu trường hợp mắc các triệu chứng chóng mặt, đau đầu, các vấn đề về tim mạch, rối loạn hành vi.
Với mô hình kinh tế như hiện nay, theo một số chuyên gia, nếu GDP Việt Nam tăng gấp đôi, ô nhiễm môi trường tăng gấp 3. Cứ tăng 1% GDP thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi 3% GDP. Riêng tỷ lệ chi trả để bảo vệ chăm sóc sức khỏe của năm 2020 sẽ lên tới 1,2% GDP, tăng gấp 4 lần so với năm 2010.