Dự án Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện: Lùi lại để chuẩn bị kỹ

V.Thắng 30/03/2017 09:05

Ngày 29/3, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 4 cho ý kiến về Dự án Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện.

Phiên họp toàn thể lần thứ tư Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ngày 29/3.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn cho biết: Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là một trong những phương thức hữu hiệu để kịp thời bảo toàn tài sản, bảo vệ chứng cứ, giảm thiểu những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra; góp phần giải quyết hậu quả các tranh chấp, xung đột giữa các bên trong các giao dịch dân sự; bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân.

Tuy nhiên Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành mới chỉ quy định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ khi người khởi kiện nộp đơn cho Tòa án mà chưa quy định việc áp dụng biện pháp này trước khi khởi kiện.

Theo ông Sơn, thực tế hiện nay có nhiều trường hợp các tổ chức, cá nhân phát hiện thấy tài sản của mình đang bị xâm phạm nhưng vì lý do khách quan mà họ chưa thực hiện được việc khởi kiện ra Tòa án hoặc họ muốn tự thương lượng để giải quyết với nhau trước khi khởi kiện ra Tòa án.

Trong những trường hợp này họ cần Tòa án hỗ trợ, áp dụng ngay một biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm bảo toàn tài sản, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Kinh nghiệm một số nước trên thế giới cũng cho phép áp dụng biện pháp này rất hiệu quả. Vì vậy việc ban hành Luật này là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

“Các biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện được Dự thảo Luật đưa ra gồm: Kê biên tài sản; Cấm thay đổi hiện trạng tài sản; Cấm chuyển dịch tài sản; Phong tỏa tài khoản ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc Nhà nước; Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ; Phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ; Tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu; Thu giữ, niêm phong, cấm di chuyển hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện sản xuất”- ông Sơn cho hay.

Thay mặt nhóm nghiên cứu bước đầu về Dự án Luật này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Luật bày tỏ quan điểm, nhóm nghiên cứu cho rẳng đây là Dự án Luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân.

Tuy nhiên, tờ trình còn đề cập đến sự cần thiết ban hành Luật chưa cụ thể, chưa có thực tiễn, chưa nêu bật được sự cần thiết của việc ban hành Dự thảo luật. Đây là một dự án luật quan trọng, liên quan đến quyền và lợi ích của cá nhân, tập thể nhưng tờ trình cũng chưa làm rõ được rằng hậu quả của việc chậm ban hành hoặc không ban hành luật thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức cũng như việc tuân thủ các cam kết quốc tế của Việt Nam. Do đó nhóm nghiên cứu đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ hơn về sự cần thiết ban hành Luật này.

Qua thảo luận, nhiều ĐB đã bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của Luật khi ban hành. Bởi đây là vấn đề hoàn toàn mới nên cũng chưa có thực tiễn để tổng kết, đánh giá nên rất có thế biện pháp này sẽ bị các đối thủ cạnh tranh trong thương trường lợi dụng để triệt hạ nhau.

ĐB Phan Huỳnh Sơn, Ủy viên Ủy ban Tư pháp cho rằng, hiện chưa có báo cáo số lượng đương sự áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, có khó khăn vướng mắc gì?

Chưa có đánh giá của Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện thấy được bức xúc của xã hội, đánh giá đúng thực trạng, tác động đến việc ban hành Luật.

Từ kinh nghiệm 18 năm làm thẩm phán, ông Sơn cho biết việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện thực tế cho thấy yêu cầu này rất hạn chế, thẩm phán không chủ động, dám tự mình ra quyết định vì e ngại phải chịu trách nhiệm bồi thường và hậu quả pháp lý như không được bổ nhiệm lại, hay trường hợp người yêu cầu nhưng không khởi kiện thì hậu quả pháp lý như thế nào? Cho nên cần nghiên cứu kỹ để cân nhắc cần thiết và đồng bộ với các Luật khác.

Ông Nguyễn Hữu Chính- Chánh án Tòa án nhân dân TP. Hà Nội cho rằng, trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định về biện pháp tạm thời. Tuy nhiên thời gian qua trong công tác xét xử thấy vướng và đã phải cân nhắc. Tòa cũng phân vân vì họ làm đơn mà Tòa ra quyết định ngay thì trách nhiệm ra sao? vì nhiều khi thực tế có chuyện đương sự nhiều trường hợp “chơi nhau”, lợi dụng Tòa.

Cho nên tính khả thi của Luật này là chưa cao cho nên cần cân nhắc kỹ. Trong tương lai có thể được còn trong giai đoạn này thì chưa nên, cảm thấy còn gờn gợn.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Duy Hữu- Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Đắk lắk cũng lo ngại, đây là vấn đề mới mà trong bối cảnh hiện nay, cạnh tranh trên thương trường vô cùng khốc liệt. Nguy cơ không loại trừ tổ chức, cá nhân lạm dụng Luật để hại nhau.

Thẩm phán các địa phương rất ngại và e dè về vấn đề này vì nếu làm sai dễ bị “thân bại danh liệt”. Chưa biết có kiện hay không nhưng không thích nhau cứ đâm đơn cái đã, có khi người làm ăn vu vơ thì hưởng lợi, còn người làm ăn chân chính thì bị thiệt.

Bày tỏ băn khoăn về tính khả thi, ông Vũ Trọng Kim- Ủy viên Ủy ban Tư pháp cho rằng, hiện trong xã hội nhận thức pháp luật còn kém, do đó rất nhiều trường hợp “kiện ngược”, bị đơn trở thành nguyên đơn.

Biện pháp khẩn cấp tạm thời không gắn với nghĩa vụ, quá trình tố tụng tiếp theo do đó còn “lỏng lẻo” có thể gây khó khăn cho người bị áp dụng, và không giải quyết được những vấn đề phát sinh sau đó.

“Tại thời điểm hiện nay quy định biện pháp này là khó khăn, chưa nên vì thế mạnh có thể chèn ép những người yếu thế. Vậy Tòa có thể đủ sức theo dõi coi đây là xác đáng để đưa ra biện pháp hay không? Vì khi phát đơn ra thì áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không khéo gây nhiều hậu quả cho bên chính ra là được pháp luật bảo vệ, nhất là đối với đơn vị sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến thương hiệu, làm mất hết công ăn việc làm, sản xuất kinh doanh bị đình đốn. Cho nên cân nhắc ở thời điểm này chưa nên ban hành”- ông Kim nói.

Giải trình thêm, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn cho biết, hiện ngay trong cơ quan soạn thảo đang còn ý kiến khác nhau. Quan điểm của Bộ Tư pháp và Chính phủ muốn mở rộng nhưng đây là vấn đề nhạy cảm nên Tòa chỉ khoanh lại trong phạm vi vấn đề tài sản. Ở nước ta hơi nợ nần một tí là tẩu tán tài sản nên cần phải có các biện pháp hỗ trợ.

Tiếp thu ý kiến của các ĐB về cần xem xét căn cứ, điều kiện ra biện pháp phải chặt chẽ nếu không sẽ bị lợi dụng để triệt phá nhau, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Thay mặt ngành Tòa án, ông Sơn đã xin lùi dự án Luật lại, chưa trình ra xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội trong kỳ họp tới.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng tình cho Tòa án xin lùi để chuẩn bị cho kỹ hơn.

V.Thắng