Bí thư Đồng Tháp 'nóng ruột' về kinh tế hợp tác xã
Tỉnh uỷ Đồng Tháp đã tổ chức lớp bồi dưỡng chuyên đề Kỹ năng chỉ đạo, quản lý và hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể cho cán bộ chủ chốt của tỉnh về tác động của kinh tế tập thể đối với việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại địa phương, vào ngày 28/3.
Ông Lê Minh Hoan thường có nhiều cuộc trao đổi thoài mái với báo chí về đề tài Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Phát biểu tại lớp bồi dưỡng, Bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Hoan cho biết ông rất “nóng ruột” khi từ cấp huyện đến cấp xã, hiếm có địa phương nào đề cập đến kinh tế hợp tác trong Nghị quyết hay báo cáo kinh tế - xã hội. Không thấy có kiến nghị nào về hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, trong khi điểm nghẽn đầu tiên của nông nghiệp, nông dân là “hợp tác”.
Ông cho rằng Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh triển khai được 3 năm nhưng dường như các địa phương trong tỉnh vẫn chưa đi đúng hướng, chưa đáp ứng tốt cốt lõi của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh đó là hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, nâng cao chất lượng nông sản, tăng cường chế biến.
“Trong mấy năm qua, việc liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp vẫn đang loay hoay. Chúng ta đều biết, doanh nghiệp không thể liên kết với từng hộ nông dân riêng lẻ mà phải liên kết với một tổ chức là Hợp tác xã. Tuy nhiên, chúng ta chưa giải xong bài toán hợp tác (giữa nông dân với nhau) mà chúng ta lại giải bài toán liên kết thì nó vô vọng!” – Ông Hoan, nhấn mạnh.
Theo ông Lê Minh Hoan, hợp tác xã là tổ chức tự nguyện của nông dân, cấp uỷ chính quyền không can thiệp quá sâu. Phía sau Hợp tác xã là nền sản xuất nông nghiệp, là cạnh tranh hàng hoá nông sản. Và nếu chúng ta không phát triển Hợp tác xã thì Tái cơ cấu nông nghiệp của chúng ta xem như không làm được gì hết, nông nghiệp vẫn tiếp tục là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chi phí cao, chất lượng kém, liên kết lỏng lẻo v.v.. Bởi vì, Tái cơ cấu nông nghiệp là tăng sức cạnh tranh cho nông sản, qua đó tăng thu nhập cho nông dân.
Ông Lê Minh Hoan mong muốn cán bộ chủ chốt phải hiểu rằng: “Tái cơ cấu nông nghiệp không phải là cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ mà đầu tiên phải là cuộc cách mạng về ý thức của người nông dân, từ người nông dân sản xuất riêng lẻ sang sản xuất tập thể, nâng lên sản xuất quy mô lớn. Một khi vượt qua rào cản đó thì khoa học công nghệ mới có thể tác động đến nông dân, sản xuất nông nghiệp”.
Được biết, UBND tỉnh Đồng Tháp đang chuẩn bị ký kết hợp tác với Trường Cán bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nâng cao kinh tế hợp tác trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, UBND tỉnh Đồng Tháp đã thống nhất chọn 9 HTX nông nghiệp tham gia mô hình hợp tác xã kiểu mới giai đoạn 2016 – 2020, gồm: HTX nông nghiệp Tân Bình (huyện Thanh Bình), HTX nông nghiệp Phú Thọ, HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Cường (huyện Tam Nông), HTX sản xuất và dịch vụ Thủy sản Châu Thành (huyện Châu Thành), HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (huyện Lấp Vò), HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (huyện Tháp Mười). Riêng huyện Cao Lãnh có 3 HTX được chọn, gồm: HTX sản xuất và tiêu thụ xoài Mỹ Xương, HTX dịch vụ nông nghiệp Thuận Tiến và HTX chanh Bình Thạnh.
Được biết, năm 2016, tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo tăng cường 17 cán bộ trẻ có trình độ về trực tiếp hỗ trợ các HTX kiểu mới nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành. Việc làm này, theo Tiến sĩ Trần Minh Hải (Trường Cán bộ quản lý nông nghiêp và phát triển nông thôn II), cho rằng trong hàng loạt khó khăn của việc phát triển các hợp tác xã hiện nay, cái khó khăn nhất là nguồn nhân lực và cách làm của Đồng Tháp là một mô hình để các địa phương tham khảo.