Trưng bày di sản hát Xoan ở nơi phát tích
Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ vừa hoàn thiện dự án phục hồi miếu Lãi Lèn giai đoạn 2 (xã Kim Đức- TP Việt Trì), đồng thời tổ chức khánh thành Nhà trưng bày nghệ thuật hát Xoan Phú Thọ ngay tại không gian này. Đây là hoạt động mở đầu cho chuỗi sự kiện dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2017.
Biểu diễn hát Xoan mừng khánh thành miếu Lãi Lèn.
Miếu Lãi Lèn được coi là nơi phát tích của hát Xoan và diễn xướng Xoan cổ. Trải qua thời gian, miếu cổ cũng không còn. Cho đến trước khi UNESCO vinh danh hát Xoan là di sản văn hóa văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, miếu Lãi Lèn chỉ còn lại vài dấu tích, tưởng chừng sẽ mãi một đi không trở lại.
Ngay sau khi hát Xoan được vinh danh, thực hiện chương trình hành động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, nằm trong chủ trương tu bổ phục hồi 5 di tích phường Xoan gốc, miếu Lãi Lèn đã được đầu tư khôi phục, xây trên một gò đất giữa đồng thuộc thôn Phù Đức (xã Kim Đức- TP Việt Trì, Phú Thọ), cách Đền Hùng chừng 3 cây số.
Trước đó, năm 2011 ở giai đoạn 1, ngôi miếu này được phục dựng mang hình chữ đinh, đầu đao góc mái, cao hơn năm mét, rộng chừng 250m2, cột nhà, xà nhà đều được dựng bằng gỗ lim để mộc không sơn có nghi môn, bình phong theo dạng cuốn thư, nhà tả vu, hữu vu… mang dáng dấp của một ngôi miếu cổ.
Sang giai đoạn 2, bắt đầu từ năm 2014 dự án tiếp tục được triển khai trên diện tích 1,7 ha với các công trình phụ trợ gồm nghi môn, bình phong, hồ sen, Nhà trưng bày nghệ thuật hát Xoan Phú Thọ.
Trong đó, Nhà trưng bày di sản nghệ thuật hát Xoan chính là một hạng mục trọng tâm của dự án đầu tư công trình phục hồi miếu Lãi Lèn giai đoạn 2. Với diện tích 316m2, Nhà trưng bày có mặt bằng kiến trúc chữ Nhất, 1 tòa, 3 gian, 2 chái, kiểu nhà 4 mái, lợp ngói mũi hài.
Với mục tiêu giới thiệu cho khách tham quan trong và ngoài nước tìm hiểu rõ hơn về nghệ thuật hát Xoan, lịch sử hình thành và tồn tại của di sản hát Xoan Phú Thọ, cảm nhận về hát Xoan, được thưởng thức biểu diễn hát Xoan, giao lưu cùng các nghệ nhân, sống trong không gian diễn xướng Xoan một cách chân thực và sống động nhất… việc trưng bày di sản bao gồm hệ thống tài liệu, hình ảnh, hiện vật, bản đồ, phim tài liệu khoa học.
Tham quan tại đây, du khách sẽ cảm nhận rõ 3 mảng chủ đề. Bao gồm: “Không gian văn hóa và nghệ thuật trình diễn Xoan” qua việc giới thiệu 4 phường xoan gốc trên địa bàn TP Việt Trì là phường xoan Phù Đức, phường xoan Thét, phường Xoan An Thái và phường Xoan Kim Đái; “Nghệ nhân hát Xoan” giới thiệu hệ thống chân dung nghệ nhân từ khi tái lập các phường Xoan đến nay; Phần “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Xoan Phú Thọ”, trưng bày nhiều hình ảnh, tài liệu nghiên cứu, sưu tầm cả trước và sau khi hát Xoan trở thành di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại vào năm 2011. Cùng với đó là những nỗ lực từ cộng đồng trong việc thực hành di sản và đào tạo lớp nghệ nhân kế cận.
Việc phục hồi, xây dựng hoàn thiện miếu Lãi Lèn và các công trình phụ trợ không chỉ tạo ra không gian thiêng, mang ý nghĩa tâm linh, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân, mà còn là một công trình văn hóa khẳng định những nỗ lực, cố gắng của địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Xoan; giúp hát Xoan tự tin thoát khỏi tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp trong năm 2017.
Cho đến nay đã có 52 nghệ nhân hát xoan được UBND Phú Thọ phong tặng danh hiệu, trong đó có 17 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Nhân dịp khánh thành công trình phục hồi miếu Lãi Lèn giai đoạn 2 (vào ngày 28/3), tỉnh Phú Thọ đã khai mạc trưng bày hàng trăm tài liệu, ảnh, hiện vật về Di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan Phú Thọ và công bố sản phẩm du lịch “City tour Việt Trì” nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng 2017.