Phát triển nhân lực để thay đổi
Giáo dục hiện nay đang có quá nhiều vấn đề đặt ra. Trong đó, bức xúc lớn nhất là nguồn nhân lực và nhân lực. Lâu nay chúng ta thường chỉ nói đến nguồn nhân lực nhưng nhân lực tại chỗ gồm mấy chục triệu người lao động cần phải nâng cao trình độ thì chúng ta chưa nói đến nhiều. Tới đây, chúng tôi sẽ đề xuất với Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực để thay đổi điều này” - GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khuyến học Việt Nam chia sẻ.
GS.TS Phạm Tất Dong.
PV: Giáo dục luôn là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Là một trong 26 thành viên của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021, ông có thể cho biết sẽ tư vấn, đề xuất với Chính phủ điều gì?
GS TS Phạm Tất Dong: Trước đây, tôi đã tham gia 2 khóa của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực. Bản thân tôi cũng thấy giáo dục hiện nay có quá nhiều vấn đề đặt ra. Trong đó, bức xúc lớn nhất là nguồn nhân lực và nhân lực.
Lâu nay chúng ta thường chỉ nói đến nguồn nhân lực nhưng nhân lực tại chỗ gồm mấy chục triệu người lao động cần phải nâng cao trình độ thì chúng ta chưa nói đến nhiều. Tới đây, chúng tôi sẽ đề xuất với Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực để thay đổi điều này.
Làm thế nào để đào tạo những người đang lao động có thêm trình độ. Chúng tôi dự định sẽ đề nghị “xóa mù chữ chức năng”, tức là “xóa mù các kỹ năng” cho người lao động.
Rất nhiều lao động của chúng ta thiếu các kỹ năng cần thiết để làm việc trong môi trường hội nhập hiện nay. Ví dụ có một công nghệ mới vào thì rất nhiều cán bộ không làm được, cần tập huấn để thành thạo thực sự thay vì chỉ học cho có kiểu cưỡi ngựa xem hoa mà không sử dụng được.
Thứ hai là đề nghị về vấn đề phân luồng học sinh. Mấy chục năm nay chúng ta thất bại trong việc phân luồng. Phần lớn học sinh sau khi tốt nghiệp cấp 2 đều vào cấp 3 và sau đó, số đông là học lên đại học. Khi học xong ĐH ra không có nghề nên lại đi học nghề.
Hiện nay, vấn đề phân luồng càng khó hơn, đòi hỏi giữa Bộ LĐTBXH và Bộ GD-ĐT phải hết sức thống nhất với nhau. Cụ thể, bên phổ thông chỉ phụ trách về giáo dục phổ thông và phải có chính sách để không thể tất cả học sinh tốt nghiệp lớp 9 là đi học cấp 3 hết.
Phải quy định có bao nhiêu phần trăm đi học nghề và có bao nhiêu trường nghề có thể đáp ứng nhu cầu đào tạo này. Phải ban hành thành pháp lệnh chứ không thể như bây giờ.
Nhiều địa phương giờ vẫn quan niệm sai về vấn đề phổ cập giáo dục THPT, muốn học sinh đi học phổ thông hết mà không quan tâm đến học nghề. Chủ trương đó làm “chết” trường nghề.
Thứ ba là vấn đề đào tạo giáo viên. Thầy giáo mà yếu thì không thể đào tạo được.
Thưa ông, sắp tới chúng ta có chương trình và sách giáo khoa mới, vấn đề đặt ra là đội ngũ giáo viên nếu không thay đổi thì không thể thành công?
- Tôi cho rằng đó là trách nhiệm của cả Bộ GD-ĐT, ban soạn thảo chương trình và các trường đào tạo sư phạm. Làm sao phải quán triệt chương trình này và đào tạo giáo viên theo chương trình đó, đào tạo thực chất chứ không phải chỉ tập huấn một vài buổi cho có nhưng thực ra khi triển khai dạy thì vẫn vậy.
Chương trình, sách giáo khoa mới dù có tốt đến mấy nhưng người trực tiếp giảng dạy trên lớp cho học sinh là thầy cô giáo vẫn phương pháp cũ, kiến thức cũ thì khó đạt được kết quả tốt.
Những chủ trương như vừa rồi là học tích hợp rất khó. Đầu tuần sau chúng tôi sẽ có buổi làm việc với nhóm xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, và nghe GS Nguyễn Minh Thuyết trình bày về chương trình. Lúc đó chúng tôi sẽ có ý kiến phản biện.
Hiện nay, tôi cho rằng từ giáo viên mầm non mẫu giáo đến giáo viên phổ thông không thể dậm chân tại chỗ ở trình độ ngày xưa, chỉ cần tốt nghiệp trung cấp thôi cũng đi dạy.
Ở phổ thông, vấn đề phổ cập thông tin hiện khá mạnh. Nhất là ở các thành phố đã có những trường học trên máy tính cũng như các thiết bị tương tác hiện đại… Giáo viên phải rất thông thạo cái này.
Bên cạnh đó, trình độ ngoại ngữ của giáo viên cũng cần được nâng lên. Bộ GD-ĐT đã có chủ trương nhưng việc thực hiện chưa quán triệt, nhiều nơi mới chỉ học hình thức để lấy bằng.
Ông có đề xuất gì đối với các hoạt động của Hội đồng sắp tới?
- Thực ra, vấn đề giáo dục hiện nay rất ngổn ngang, động đến vấn đề gì cũng vướng cả. Tôi cho rằng nếu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thì sẽ có những chuyển biến tốt.
Về phía Hội đồng, theo kinh nghiệm tham gia các khóa trước, tôi thấy rằng không chỉ họp các thành viên trong Hội đồng với nhau mà trước đó các thành viên phải lắng nghe, nắm tình hình ở các cơ sở để từ đó có ý kiến, đề xuất xác đáng.
Muốn vậy, phải được tạo điều kiện để đi các cơ sở. có đi mới hiểu được ý kiến của các bên. Phải làm việc thực sự mới có hiệu quả.
Trân trọng cảm ơn ông!