Lê Công Vinh: Chuyện làm sếp!
Với nhiều người, tài đá bóng của Công Vinh không được đánh giá thuộc vào thứ hạng cao nhất của những danh thủ bóng đá nước nhà. Tuy nhiên, khi còn là cầu thủ, Công Vinh là hình mẫu chuyên nghiệp của bóng đá Việt và là người mở đầu rất nhiều những kỷ lục. Lúc này, Lê Công Vinh cũng đang mở đầu cho một trang sử bóng đá xứ ta: một cầu thủ đủ sức làm sếp ở một CLB đỉnh cao.
Từ thương vụ bị cho là mang tính PR
Công Vinh - cầu thủ - là điển hình hiếm gặp của một người xuất phát điểm lắm thiệt thòi nhưng đã nỗ lực đến tột cùng để gặt hái thành công. Thành công ấy được ngưỡng vọng bao nhiêu thì cũng bị đố kỵ bấy nhiêu, và đó là lý do khiến anh chưa bao giờ thực sự trở thành thần tượng của số đông người hâm mộ. Bởi vậy, ngay từ khi những thông tin cựu tiền đạo ĐTVN Lê Công Vinh lên làm quyền Chủ tịch CLB TP HCM đã gây xôn xao và kéo theo rất nhiều sự tò mò của dư luận.
Kết thúc AFF Cup 2016, CLB TP HCM gây sốc khi công bố đưa Lê Công Vinh về nắm giữ vị trí Phó chủ tịch. Không dừng lại ở đó, chưa đầy hai tuần sau quyết định trên, tại Lễ xuất quân của đội bóng mới đây, tiền đạo xứ Nghệ tiếp tục được đưa lên nắm chức quyền Chủ tịch. Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, Lê Công Vinh có lẽ là trường hợp đầu tiên thăng tiến chóng mặt như vậy về “quan lộ”. Công Vinh vốn vẫn là một trong những cầu thủ có nhiều đóng góp nhất với bóng đá Việt Nam, là người có quan hệ rộng và đặc biệt khéo léo, tinh quái trong giao tiếp, nhưng việc anh lên làm “sếp” ngay sau khi giải nghệ vẫn thực sự gây bất ngờ với rất nhiều người.
Từ bất ngờ tới nghi ngờ, nhiều người cho rằng đây chỉ là một cú PR. Cụ thể, sự có mặt của Công Vinh là để kéo các doanh nghiệp về với đội bóng rất cần sự đầu tư lớn như TP HCM.
Thực tế thì khi còn thi đấu, Công Vinh đã nhiều lần gây ồn ào với những thương vụ PR, từ lần ra thủ đô khoác áo đội bóng bầu Hiển, rồi chuyển sang bầu Kiên, sang Nhật Bản thi đấu và gần nhất là đầu quân cho đội bóng được mệnh danh là “Chelsea Việt Nam” B.Bình Dương cũng không phải nặng về chuyên môn.
CLB TP HCM dưới sự quản lý của Sở Văn hóa, Thể thao TP HCM gặp nhiều khó khăn hơn so với “người anh em” Sài Gòn FC – vốn là đội bóng mới được “chuyển hộ khẩu” từ Hà Nội vào. Vì thế, nếu có một nhân vật nổi tiếng, có quan hệ rộng, thì việc làm PR sẽ rất thuận lợi.
Thế nhưng, Công Vinh đã ngay lập tức chứng minh rằng anh tới TP.HCM là để làm việc, bằng chính sức lực, sự hiểu biết cũng như uy tín của mình. Ngay từ khi mới lên nắm quyền CLB TP HCM, Lê Công Vinh đã có quà ra mắt gây hiệu ứng ấn tượng với hai bản hợp đồng ngoại binh nhằm tăng cường sức mạnh cho mùa giải 2017. Đây là hai bản hợp đồng do chính anh đứng ra trực tiếp đàm phán. Công Vinh đã mang về tiền vệ Victor từ Hà Nội T&T, cũng như chân sút Dyachenko của Than Quảng Ninh. Cùng với đó, anh cũng gây ồn ào với dư luận xung quanh việc mình thẳng tay “trảm” 6 cầu thủ để dọn chỗ cho những bản hợp đồng mới… Vụ việc 6 cầu thủ TP HCM là Văn Bửu, Đức Nhân, Văn Sơn, Thanh Phú, Viết Đàn và Xuân Dư dù được CLB hứa sẽ ký hợp đồng nhưng đúng thời điểm Công Vinh được mời về làm Phó Chủ tịch đã bất ngờ bị loại đã xuất hiện những thông tin cho rằng chính Công Vinh là người đứng sau vụ việc này là để dọn chỗ cho một số cầu thủ thân quen đến thi đấu.
Đích thân Công Vinh nói rằng anh “vô can” trong quyết định “trảm” 6 cầu thủ của CLB và việc giữ ai, loại ai, hoàn toàn là do HLV trưởng và ban huấn luyện quyết định. HLV Alain Fiard của CLB TP HCM cũng khẳng định chính ông là người chịu trách nhiệm chuyên môn cao nhất ở đội bóng và việc 6 cầu thủ bị loại khỏi danh sách không liên quan đến Công Vinh. Dù có thể không liên quan, nhưng chắc chắn điều tiếng này khó có thể xóa trong ngày một, ngày hai.
Bên cạnh đó, cựu tiền đạo, đội trưởng ĐTVN cũng sẽ có những đóng góp về chuyên môn trong việc chấm dứt hợp đồng với những cầu thủ không đạt yêu cầu hay không nằm trong kế hoạch sử dụng của đội bóng. Cựu tiền đạo xứ Nghệ trực tiếp giải quyết nhiều nguyện vọng của cầu thủ liên quan đến chế độ, dụng cụ tập luyện, giày thi đấu…
Về đối ngoại, Công Vinh có sức hút rất lớn với giới truyền thông và điều này sẽ giúp CLB TP HCM dễ dàng hơn trong quá trình xây dựng hình ảnh trong mắt người hâm mộ, nhất là đội bóng này lần đầu tiên lên chơi V.League. Với vai trò Chủ tịch CLB, mục đích tận dụng uy tín, kinh nghiệm và hình ảnh của anh trong làng bóng đá làm đòn bẩy để bứt phá, tạo tiếng vang và góp phần phát triển CLB TP HCM nhanh hơn.
Gây ồn ào từ xây... nhà vệ sinh đến mua xe bạc tỉ cho đội
Khi còn là cầu thủ, Công Vinh được coi là người chuyên nghiệp nhất. Chỉ nhậm chức ít ngày, anh đã kịp chứng tỏ mình sẽ là vị chủ tịch nhiều chiêu trò nhất. Từ chuyện xây phòng thay đồ, mua xe chuyên chở cầu thủ như của các đội bóng tại Premier League tới… nhà vệ sinh, tất cả đều nằm trong kế hoạch xây dựng hình ảnh bóng đá chuyên nghiệp của cựu đội trưởng ĐTVN.
Trong thời gian gần đây, CLB TP HCM dù mới chỉ là tân binh của V.League nhưng đang liên tục gây tiếng vang trên truyền thông nhờ sự xuất hiện của quyền chủ tịch Lê Công Vinh. Bằng kinh nghiệm sau những năm tháng thi đấu ở nước ngoài, Công Vinh đã áp dụng những cách làm chuyên nghiệp vào đội bóng Sài thành.
Cùng với đó, cựu tiền đạo của tuyển Việt Nam cho biết anh muốn CLB TP HCM chuyên nghiệp hoá, bắt đầu từ những chi tiết nhỏ. Cụ thể, Công Vinh chủ động tiếp xúc với các CĐV, tặng áo đấu và kêu gọi họ đến sân cổ vũ cho đội nhà. Anh cũng cho tu sửa lại phòng thay đồ cho các cầu thủ ở sân Thống Nhất thành một hình ảnh khá khang trang và sạch sẽ theo kiểu Bayern Munich.
Sau phòng thay đồ công trình tiếp theo của sân Thống Nhất được nâng cấp chính là phòng vệ sinh. Việc một ông quyền Chủ tịch CLB phải quan tâm tới cái nhà vệ sinh đã gây ra nhiều tranh cãi những ngày qua. Công Vinh chia sẻ: “Đó không phải là ý tưởng của tôi, mà nảy ra sau khi tôi hỏi người hâm mộ cần gì. Người hâm mộ là khách hàng, thậm chí có thể xem là thượng đế, họ cần gì thì mình phải cố gắng đáp ứng.
Tôi đã từng nói chuyện với nhiều CĐV, và họ nói rằng họ sợ đến sân không phải vì không vui hay đội thua hoặc như thế nào đấy mà nguyên nhân khiến họ sợ xuất phát từ cái nhà vệ sinh.
Mơ ước của tôi là tạo ra một món hàng chất lượng mà người hâm mộ khi bỏ tiền ra mua vé đến sân sẽ cảm thấy hài lòng. Tôi cũng yêu cầu các cầu thủ luôn coi người hâm mộ là thượng đế. Sau trận đấu, dù chỉ còn một người ngồi trên sân, toàn đội cũng phải tới chào và bày tỏ sự biết ơn”.
Trước câu hỏi, liệu mình có làm "màu" trong những ngày qua khi tần suất xuất hiện trên các phương tiện truyền thông khá dày đặc, với nhiều hành động khác nhau, Công Vinh quả quyết: "Việc ai nói gì thì mặc họ tôi không quan tâm, bởi giờ tôi có quá nhiều việc phải làm.
Việc Công Vinh khẳng định sẽ sửa chữa, nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh ở sân Thống Nhất để chiều lòng những khán giả khó tính vốn nhận được nhiều phản hồi tích cực. Tuy nhiên, hành động này của CV9 lại khiến các fan xứ Nghệ “khẩu chiến” dữ dội trên trên các diễn đàn bóng đá. Công Vinh sốt sắng sửa chữa và làm sạch nhà vệ sinh ở sân vận động Thống Nhất cũng bị bình luận là “không xứng tầm” với vị trí một ông Chủ tịch. Và tất nhiên, như khá nhiều cuộc tranh luận về bóng đá hay cá nhân từng cầu thủ từ trước đến nay, những cuộc chiến như thế này gần như không có hồi kết…
Trong những ngày qua, Công Vinh luôn là tâm điểm của dư luận. Thậm chí, tên của anh còn trở thành một từ khoá “hot” trên các phương tiện truyền thông và diễn đàn mạng, vượt qua cả những gương mặt được giới mộ điệu bóng đá Việt Nam yêu thích lâu nay như Công Phượng, Xuân Trường hay Tuấn Anh…
Tất nhiên, những việc làm của Công Vinh, như đã nói ở trên, luôn có hai luồng ý kiến trái chiều. Nhưng phải thừa nhận rằng, bóng đá Việt Nam đã có hơn một thập niên phát triển theo hướng đi lên chuyên nghiệp. Trên con đường đó, người hâm mộ luôn được xác định là một nhân tố quan trọng. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy rất ít đội bóng có những hoạt động thực sự hướng về CĐV.