Lãnh đạo UBND TP HCM: 'Sáp nhập các sở là bước lùi với thành phố'
Chánh văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan nói rằng, thành phố là đô thị lớn nhất nước, công việc rất nhiều... nên sáp nhập các sở sẽ rất khó khăn và là một bước lùi.
Chánh văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan. (Ảnh: H.C).
Ngày 31/3, trao đổi về đề án sáp nhập một số sở ngành đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến, ông Võ Văn Hoan cho biết, Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị nói rất rõ, tất cả những vấn đề liên quan đến TP HCM phải được nghiên cứu sâu và chỉ đạo cụ thể để tạo điều kiện cho thành phố phát triển.
Tuy nhiên, "thật sự đáng buồn" là cơ chế, chính sách cho TP HCM hiện cũng như 62 tỉnh thành khác. Bộ Nội vụ đã mời thành phố ra làm việc về vấn đề này và thành phố đã nêu rõ quan điểm.
"Thành phố mà gom 3 sở này vô thì rất vất vả, có thể nói là một bước đi lùi… và sẽ rất khó khăn trong quản lý quy hoạch. Không phải thành phố không muốn tinh gọn bộ máy, mà do quá lớn, quá nhiều việc. Nếu xem thành phố cũng như tỉnh khác thì không thể quản lý tốt đô thị có mười mấy triệu dân", ông Hoan nói.
Theo người phát ngôn của UBND TP HCM, đa số các tỉnh khác thu ngân sách, đầu tư không nhiều. Nếu thành phố không phát triển, thu ngân sách không tốt sẽ ảnh hưởng đến ngân sách quốc gia.
Nếu gom Sở Kế hoạch – Đầu tư và Sở Tài chính như kế hoạch của Bộ Nội vụ thì thành phố "thực sự rất đuối". Việc gom các sở Giao thông vận tải, Xây dựng và Quy hoạch – Kiến trúc cũng rất bất cập. Bởi trước đây lĩnh vực Quy hoạch – Kiến trúc thuộc Sở Xây dựng nhưng khi thành phố có cơ chế Kiến trúc sư trưởng - chỉ một người có quyền nắm về quy hoạch - nên đã tách ra vì "quy hoạch mà quản lý tập thể là chết".
Chánh văn phòng UBND TP HCM cũng cho biết thêm, sắp tới thành phố sẽ hình thành 2 tổ công tác để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp lĩnh vực đầu tư và xây dựng. Họ sẽ là đầu mối tham mưu cho Ủy ban các vấn đề đầu tư và xây dựng.
"Hiện, một doanh nghiệp làm giấy chứng nhận đầu tư phải qua 5 vòng, 7 lượt, có khi mất 4-5 năm. Phải tập trung về một đầu mối để nhà đầu tư không phải chạy lòng vòng nữa. Nhập sở khó, lập trung tâm hành chính cũng khó thì bây giờ chỉ còn cách này", ông Hoan khẳng định.
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành. Một số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh sẽ được hợp nhất như: nhập Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch - Tài chính.
Riêng tại Hà Nội và TP HCM, Sở Xây dựng được đề xuất sáp nhập với Sở Giao thông Vận tải và Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị. Cơ cấu Sở mới gồm Văn phòng, Thanh tra và không quá 9 phòng chuyên môn, nghiệp vụ.
Theo Bộ Nội vụ, chức năng của Sở Tài chính với Sở Kế hoạch và Đầu tư có mối quan hệ liên thông, nhất là trong lĩnh vực quản lý tài chính và bố trí cân đối các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc hợp nhất sẽ bảo đảm phù hợp với nguyên tắc tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.
Việc hợp nhất 2 sở này cũng tạo điều kiện để tham mưu cho UBND tỉnh quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế hoạch, đầu tư, tài chính, ngân sách và một số lĩnh vực liên quan được hiệu quả hơn; bảo đảm quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được gắn với khả năng cân đối nguồn lực về tài chính.
Cũng theo Bộ Nội vụ, việc hợp nhất sẽ hạn chế tối đa các giao thoa về nhiệm vụ giữa 2 sở kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ Chính phủ.
Việc hợp nhất Sở Xây dựng với Giao thông vận tải thành Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị, Bộ Nội vụ cho rằng sự hình thành, phát triển các không gian đô thị hiện đại không thể tách rời giữa quy hoạch xây dựng đô thị và quy hoạch hạ tầng giao thông. Nhất là khi Chính phủ đang chỉ đạo đẩy mạnh triển khai các dự án theo các hình thức đầu tư công - tư (BOT, PPP...).
Tổ chức một cơ quan quản lý thống nhất hai lĩnh vực này sẽ bảo đảm nâng cao tính hiệu quả, khắc phục những bất cập trong quản lý hạ tầng đô thị (xây dựng nhà, cấp, thoát nước đô thị thuộc ngành xây dựng) và hạ tầng giao thông (xây dựng đường thuộc ngành giao thông).