Cùng trăn trở nâng niu hạt 'ngọc' Việt
Với giống lúa ST, sản lượng lúa ở tỉnh Sóc Trăng từ năm 2011 đến nay tạo sự bứt phá ngoạn mục, đạt hơn hai triệu tấn, vươn lên tốp đầu những tỉnh sản xuất lúa lớn nhất trong khu vực ĐBSCL.
Chủ tịch HĐQT Công ty ADC Võ Minh Tấn thăm đồng lúa đang trổ bông.
1- ADC – Mang đến sự tốt lành
Học ngành nông nghiệp, ra trường, lặn lội hàng chục năm cùng nông dân trên đồng ruộng, anh kỹ sư Võ Minh Tấn mãi luôn trăn trở: Làm sao cho nông dân không còn cảnh lẩn quẩn cảnh “được mùa, rớt giá”. Cám cảnh nông dân sản xuất ra hạt gạo là sản phẩm gắn liền với đời sống hàng ngày của hàng chục triệu con người Việt Nam nhưng cuộc sống vẫn cơ cực, nghèo nàn. Nhiều mặt của đời sống vẫn trong vùng trũng của đất nước,…. Gần 25 năm từ khi lập ra doanh nghiệp, sản phẩm của Công ty ADC luôn gắn bó mật thiết với nông dân. Sau khi chuyển hướng sang sản xuất nông nghiệp, ADC chủ trương phát triển kinh doanh theo qui trình khép kín từ cung cấp lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, tư vấn kỹ thuật đến bao tiêu đầu ra của sản phẩm.
Chủ tịch HĐQT Võ Minh Tấn bộc bạch: Muốn xây dựng thương hiệu cho gạo Việt, thì doanh nghiệp phải bắt đầu từ giống lúa thật chuẩn, lập vùng nguyên liệu sản xuất theo quy trình kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế Globalgap. Có được qui trình này, hạt gạo Việt mới đạt chất lượng cao, có thể truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu của thị trường nước ngoài. Sản xuất theo mô hình này, nông dân lãi 20 triệu/ ha - một con số mà nông dân chưa bao giờ nghĩ đến!
Quy trình sản xuất gạo theo chuẩn Globalgap của ADC giúp nông dân được mùa, an tâm sản xuất và đảm bảo được 4 tiêu chí lớn: an toàn môi trường; an toàn sức khỏe người sản xuất; an toàn sức khỏe người tiêu dùng; truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Giờ đây, ADC tập hợp được hơn 16.000 nông dân vào câu lạc bộ “cánh đồng mơ ước”, sản xuất theo qui trình kỹ thuật do nhóm nghiên cứu và kỹ sư của ADC hướng dẫn. Hạt gạo do ADC tổ chức sản xuất đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác, dễ dàng xâm nhập thị trường, mỗi năm, xuất khẩu từ 30.000 đến 50.000 tấn gạo chủ yếu vào những thị trường khó tính như: Mỹ, EU. Nay, Công ty đã tạo được thương hiệu cho hạt gạo Việt với các thương hiệu “Tứ Qúy”, “Trường Thọ”,… được thị trường Mỹ và EU chấp nhận.
Hỏi về bí quyết thành công, anh Võ Minh Tấn, cho rằng ngoài yếu tố chất lượng là hàng đầu thì cả phía doanh nghiệp cũng như nhà sản xuất là nông dân cần phải trung thực. ADC giữ cam kết “đã đầu tư cái gì cho nông dân thì phải mua lại cái ấy” tạo sự thay đổi lớn trong suy nghĩ của nông dân, nhờ đó tập hợp được nông dân sản xuất qui mô lớn.
Giám đốc Võ Minh Khải kiểm tra giống lúa Hoa Sữa phát triển.
2- Sản xuất sạch – chìa khóa thâm nhập thị trường khó tính
Ông Võ Minh Khải - doanh nhân tiên phong trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm hữu cơ cho biết: Năm 2009, khái niệm về sản phẩm hữu cơ vẫn mờ mịt. Với mớ kiến thức học được từ nhà trường cộng thêm với những dịp đi nước ngoài thời làm công tác ngoại thương nên khác với các doanh nhân khác là thay vì lo kinh doanh sao cho có hiệu qủa nhanh, lợi nhuận nhiều thì tôi lại quay sang sản xuất nông nghiệp, tìm về vùng đất U Minh, tỉnh Cà Mau – vốn là căn cứ kháng chiến cũ, thuê 317 ha đất ở xã Khánh An lập trang trại để sản xuất 3 nhóm mặt hàng hữu cơ là: gạo hữu cơ và chức năng; Rau qủa hữu cơ; Thủy sản hữu cơ trong đó diện tích sản xuất lúa hữu cơ 220 ha; 40 ha rau qủa và 40 ha nưôi thủy sản theo phương thức khép kín từ con giống, chế phẩm sinh học và chế biến.
Giống lúa được trồng là giống Hoa sữa, được mệnh danh là “siêu thực phẩm của thế kỷ 21”, có giá trị dinh dưỡng cao, có khả năng phòng ngừa bệnh tật, đặc biệt là bệnh béo phì, mỡ máu và cao huyết áp... được khách hàng trong nước cũng như nước ngoài rất ưa chuộng. Tất cả các sản phẩm đều mang thương hiệu độc quyền “hoasuafoods”.
Từng ngồi tại phòng làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh, ông Khải là giám đốc Công ty Cổ phần thương mại sản xuất Viễn Phú –Green Farm, quần áo bảnh bao. Nhưng khi chúng tôi lặn lội về đến tận U Minh tìm hiểu mô hình sản xuất sạch của ông thì ông Khải, giám đốc lại trở thành anh nông dân chính hiệu. Về tới trang trại, ông Khải thường xuyên ở ngoài đồng, khi thì thăm đồng lúa, lúc thì ra khu trồng rau, lúc thì ở ao cá.
Anh Khải cho biết: Sau hơn 7 năm, tôi đã biến vùng bưng biền năm xưa, phèn nặng, cải tạo, làm thủy lợi với cống bọng hoàn chỉnh, trở thành những vuông ruộng lúa hữu cơ, những ao nuôi thủy sản hữu cơ, những luống rau sạch,… sản xuất 8 loại giống gạo hoa sữa đen; tím; trắng; đỏ trong đó hoa sữa đen và tím có giá trị dinh dưỡng rất cao, hàm lượng đạm từ 10% đến 2% với 16 loại a-xít a-mi-nô. Tùy năng suất chỉ đạt từ 2-2,5 tấn/ha nhưng giá trị mang lại gấp từ 7-8 lần so với sản xuất giống lúa thường. Những năm sau này, nhờ ruộng được chủ động nguồn nước, cộng với các biện pháp chăm sóc tích cực hơn nên năng suất đã đạt 3,5 tấn/hạ, tăng hơn 1 tấn so với trước.
Bên cạnh lúa, trang trại của Viễn Phú Green Farm còn nuôi bảy loại cá đồng hữu cơ, trồng 17 loại rau sạch cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Sản lượng hàng năm khoảng 1.000 tấn gạo hoa sữa, 5.000 tấn rau qủa, 3.000 tấn thủy sản. Năm 2012, tổ chức quốc tế Control Union (Hà Lan) đã cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn gạo hữu cơ tạo lợi thế cho sản phẩm của Viễn Phú Green Farm thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Phần Lan, Nga, Anh, Canada,… bởi tính chất an toàn tuyệt đối và có lợi cho sức khỏe và cân bằng hệ sinh thái trong nền sản xuất nông nghiệp bền vững. Giá trị một tấn gạo Hoa Sữa xuất khẩu đạt từ 2.500 USD trở lên, góp phần mang lại lợi nhuận cao cho Viễn Phú Green Farm.
Tuy vậy, ông Võ Minh Khải vẫn đau đáu một nỗi niềm: 7 năm qua, Viễn Phú Green Farm tạo được mô hình sản xuất hữu cơ. Chính phủ, Quốc hội thì đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt cho mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhưng ngân hàng vẫn chưa “mở cửa” cho ông vào!
Kỹ sư Hồ Quang Cua.
3- Kỹ sư Hồ Quang Cua - Người tạo thương hiệu gạo thơm ST
Bây giờ, bộ giống lúa thơm ST trở thành niềm tự hào không chỉ của ngành nông nghiệp Sóc Trăng mà hạt gạo thơm ST xuất khẩu đi ra thị trường thế giới, trở thành niềm tự hào của hạt gạo Việt Nam. Hơn 20 năm qua, bộ giống lúa ST do kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm nghiên cứu lai tạo, nhân giống ban đầu từ bộ giống lúa VD20 đột biến. 20 năm qua, kỹ sư Cua đã thu thập khoảng 1.050 cá thể đột biến rồi trồng thử nghiệm, cho lai tạo theo nhiều cách khác nhau để chọn những cá thể vượt trội nhất đưa vào sản xuất. Đến nay, hơn 22 giống lúa thơm ST được nhân ra. Bà con nông dân vùng ĐBSCL sản xuất trên diện tích hơn 100.000 ha, khẳng định giá trị hơn hẳn các loại giống lúa khác. Các nhà nông học đánh giá cao khả năng chọn tạo giống lúa ST của kỹ sư Hồ Quang Cua, đặc biệt dòng gạo than có thể làm thực phẩm chức năng do chứa hàm lượng chất chống ôxy hoá anthocyanin rất cao, có tiềm năng chống lại bệnh ung thư, tim mạch và nhiều bệnh khác. Gạo thơm Sóc Trăng (ST) đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa.
Ông Cua tâm sự: Niềm đam mê cây lúa đã thôi thúc tôi cùng với nhóm cộng sự nghiên cứu, lai tạo nên giống lúa thơm ST đưa đến vinh quang của bộ giống ST. Bên cạnh việc đưa ra cho nông dân sản xuất, nhân giống, kỹ sư Cua còn xây dựng trại thực nghiệm và ứng dụng trên đồng ruộng trình diễn của chính gia đình ông. Giờ đây, hàng chục nghìn nông dân trong đó có đông đồng bào Khmer đã đổi đời nhờ giá lúa thơm ST cao hơn gấp đôi so với lúa hàng hóa khác. Tính ra, với năng suất từ 10 đến 12 tấn/ha, nông dân lãi gần 50 triệu đồng. Kỹ sư Cua còn tiên phong trong việc đưa chế phẩm sinh học vào qui trình sản xuất lúa thơm ST để sản phẩm không chỉ ngon mà còn an toàn cho người tiêu dùng và thân thiện với môi trường.
Với giống lúa ST, sản lượng lúa ở tỉnh Sóc Trăng từ năm 2011 đến nay tạo sự bứt phá ngoạn mục, đạt hơn hai triệu tấn, vươn lên tốp đầu những tỉnh sản xuất lúa lớn nhất trong khu vực ĐBSCL.
Khẳng định công lao của kỹ sư Hồ Quang Cua đưa hạt gạo Việt ra biển lớn, đầu năm 2016, Chủ tịch nước phong tặng cho ông Hồ Quang Cua danh hiệu “Anh hùng lao động” và nhiều huân chương cao qúy khác.