Chuyển đổi Văn phòng Công chứng: Đề xuất kéo dài thời gian
Theo quy định của Luật Công chứng 2014, thì sau ngày 1/1/2017 Phòng Công chứng phải chuyển đổi thành Văn phòng Công chứng. Tuy nhiên đến nay việc chuyển đổi gặp không ít khó khăn, trở ngại.
Nhiều khó khăn
Theo Luật Công chứng năm 2014 thì Văn phòng Công chứng (VPCC) được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh, phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn (Điều 22.1).
Đồng thời Luật này cũng quy định: “Trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, VPCC do một công chứng viên thành lập theo quy định của Luật Công chứng năm 2006 phải chuyển đổi thành VPCC được tổ chức và hoạt động theo quy định tại Điều 22 của Luật này”.
Mặc dù vậy, đến nay sau gần 3 tháng quy định trên có hiệu lực, việc chuyển đổi gặp không ít khó khăn. Thanh Hóa có 3 Phòng Công chứng là đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc Sở Tư pháp. Bao gồm Phòng Công chứng số 1 tại TP Thanh Hóa; Phòng Công chứng số 2, tại thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc; Phòng Công chứng số 3 tại thị trấn Hà Trung, huyện Hà Trung. Đến tháng 2/2017 trên địa bàn huyện Hà Trung mới có 1 VPCC hoạt động (VPCC Hà Trung) và huyện Ngọc Lặc chưa có VPCC. Như vậy, Thanh Hóa chỉ có Phòng Công chứng số 1 đủ điều kiện chuyển đổi theo quy định.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP, việc chuyển đổi PCC chỉ thực hiện khi các địa bàn cấp huyện đã thành lập đủ số tổ chức hành nghề công chứng theo Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và số lượng VPCC nhiều hơn số lượng phòng công chứng hoặc các địa bàn cấp huyện chưa thành lập đủ số tổ chức hành nghề công chứng theo Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng có ít nhất 2 VPCC đã hoạt động ổn định từ 2 năm trở lên, kể từ ngày đăng ký hoạt động.
Mặc dù chỉ có 1 Phòng Công chứng phải chuyển đổi sang VPCC, tuy nhiên đến nay Thanh Hóa chưa thực hiện xong được việc chuyển đổi. Trưởng phòng Bổ trợ Tư pháp, Sở Tư pháp Thanh Hóa Nguyễn Thị Biển cho biết, có rất nhiều vấn đề từ quy định pháp luật đến thực tiễn áp dụng rất khó triển khai, đặc biệt là căn cứ định giá chuyển đổi, quyền và lợi ích hợp pháp của công chứng viên , viên chức, người lao động khi chuyển đổi.
Lùi thời hạn chuyển đổi
Theo quy định của Luật Công chứng, nếu VPCC do một công chứng viên thành lập không thực hiện xong việc chuyển đổi trong thời hạn này thì UBND cấp tỉnh thu hồi quyết định cho phép thành lập, Sở Tư pháp thu hồi giấy đăng ký hoạt động công chứng.
Tuy nhiên, việc chấm dứt hoạt động VPCC chưa chuyển đổi sẽ gây thiệt hại trực tiếp đến quyền và lợi ích của người yêu cầu công chứng, công chứng viên, người lao động, làm giảm niềm tin của các tổ chức, cá nhân đối với sự ổn định của các tổ chức hành nghề công chứng...
Do đó Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn thực hiện Khoản 1 Điều 79 Luật Công chứng được đề nghị bổ sung vào Chương trình cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2017) theo quy trình một kỳ họp. Hiện nay Bộ Tư pháp có công văn gửi các bộ, ngành, cơ quan về đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết nêu trên.
Theo đó, Dự thảo Nghị quyết gồm 02 điều, quy định việc kéo dài thời hạn chuyển đổi Văn phòng Công chứng theo quy định tại Khoản 1 Điều 79 Luật Công chứng số 53/2014/QH13 thêm 24 tháng kể từ ngày 1/1/2017 và giao cho Chính phủ trách nhiệm triển khai thi hành Nghị quyết này.
Theo báo cáo của các địa phương thì các VPCC không chuyển đổi được đúng thời hạn chủ yếu do không có nguồn công chứng viên để tiến hành hợp danh, tập trung chủ yếu tại những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội chưa phát triển, số lượng công chứng viên trên địa bàn ít.
Trước thực trạng khó khăn trong việc chuyển đổi VPCC trên cả nước, bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Công chứng năm 2014, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép kéo dài thời hạn chuyển đổi VPCC theo Bộ Tư pháp là cần thiết.