Thận trọng khi ứng xử với ca khúc
Mặc dù Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang đã có giải trình, thu hồi công văn cấm lưu hành ca khúc “Màu hoa đỏ” (Nhạc: Thuận Yến; Thơ: Nguyễn Đức Mậu), nhưng đây vẫn là câu chuyện rất cần được rút kinh nghiệm.
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu.
Về vấn đề này, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu cho biết, ông không nghĩ bài “Màu hoa đỏ” bị cấm lưu hành là do những video mà các quán karaoke chèn thêm lời bài hát vào, mà có lẽ Sở VHTT&DL Tiền Giang ấu trĩ. Chuyện nhầm lẫn có thể xảy ra, nhưng điều quan trọng là tìm cách để khắc phục và sửa đổi. Ông cũng lấy làm khó hiểu khi trong danh sách những bài hát bị cấm khác có những bài vô thưởng vô phạt.
Lấy ví dụ như bài “Con đường xưa em đi” thì lý do bị cấm là gì? Bài này nói về tình cảm yêu đương đơn thuần của nam nữ mà hầu hết các thế hệ thanh niên xưa nay đều rất thích, vậy mà cũng cấm. “Nói chung trong chuyện quản lý bài hát, Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng nên xem xét và đánh giá đa chiều chứ không nên để tình trạng này xảy ra thường xuyên như vậy được”- theo nhà thơ Nguyễn Đức Mậu.
PV: Ông có thể chia sẻ thêm về hoàn cảnh ra đời bài thơ được dùng làm lời bài hát “Màu hoa đỏ” ?
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: Bài thơ ra đời lúc tôi và anh Thuận Yến đang là những người lính già đầy tâm huyết và quyết tâm viết về đề tài chiến tranh. Trong quãng thời gian làm việc tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi và nhạc sĩ Thuận Yến đã cho ra đời bài hát này như một cái duyên vậy.
Khi chúng tôi ngồi ôn lại kỉ niệm chiến trường, cả hai bỗng nảy lên ý nghĩ là sẽ cùng nhau sáng tác một bài hát để cổ vũ tinh thần cho đồng bào và chiến sĩ cả nước. Cuối cùng chúng tôi đi đến quyết định là tôi chịu trách nhiệm phần lời bài hát, còn anh Thuận Yến sẽ lo viết nhạc.
Sở dĩ tại sao lúc đầu nó có tên là “Thời hoa đỏ” mà sau lại đổi tên thành “Màu hoa đỏ” là bởi vì trong suốt những năm tháng hành quân tại trận địa, dọc hai bên đường đều rực đỏ màu của hoa chuối rừng, vây nên đặt là “Màu hoa đỏ” sẽ phần nào gợi lên không khí hào hùng, tinh thần sục sôi chiến thắng của quân và dân ta, qua đó sẽ có tác động không nhỏ đến anh em chiến sĩ.
Theo Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thì từ lâu ca khúc đã được Trung tâm trả bản quyền tác giả. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng người được nhận tiền tác quyền là nhạc sĩ Thuận Yến, còn tác giả lời thơ bị bỏ quên? Với tư cách có thể nói là đồng tác giả của ca khúc, ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Tôi phải đính chính lại ngay như thế này, việc Trung tâm bản quyền tác giả trả tiền tôi vẫn nhận được bình thường, nói tôi không được nhận hay “bị bỏ quên” là không đúng. Bài “Màu hoa đỏ” ra đời là cả một quá trình tôi với nhạc sĩ Thuận Yến chung sức, giữa hai anh em từ lâu đã có một sự gắn bó khăng khít lâu bền, cho nên không thể hiểu sai điều này được, mọi việc chỉ có vậy.
Lâu nay người viết lời bài hát (ở đây có thể nói là nhà thơ có lời thơ được phổ nhạc) không được chú trọng, quan tâm trong việc được hưởng tác quyền, thưa ông?
- Về vấn đề bản quyền, tôi không biết các trường hợp khác như thế nào, nhưng trường hợp của tôi thì không bị bỏ quên. Chuyện này dễ gây hiểu lầm lắm, quan trọng là hai bên viết thơ và phổ nhạc tự bàn bạc với nhau. Tôi cũng muốn nói là chuyện bản quyền hay chuyện hưởng khoản tiền từ lời ca khúc tôi đều được nhận đúng và đầy đủ, chưa hề có một khúc mắc nào xảy ra cả.
Nếu nói sai sự thật, vô tình sẽ làm ảnh hưởng tới tình cảm của tôi và nhạc sĩ Thuận Yến bao nhiêu năm qua. Tôi phải lên tiếng vì việc đó, để tránh việc nhiều người thêu dệt làm mất hình ảnh cũng như tình cảm giữa hai người lính, mặt khác là tình cảm của hai người nghệ sĩ, một là nhạc sĩ và một là nhà thơ.
Trở lại câu chuyện ứng xử với tác phẩm nghệ thuật nói chung, ca khúc nói riêng. Theo ông, việc quản lý hiện nay nên như thế nào?
- Tôi chỉ muốn nói rằng, khi quyết định cấm phát hành hay lưu hành một bài hát phải hết sức cân nhắc và cẩn thận. Qua trường hợp của tôi thì ai cũng thấy là đương nhiên cần phải sửa sai rồi.
Nhưng những trường hợp của các ca khúc khác, khi quyết định cấm một tác giả hay tác phẩm cần hết sức thận trọng, đặc biệt là khi tinh thần đoàn kết toàn dân được đặt lên hàng đầu. Nói chung là phải rất thận trọng, tránh những sai lầm đáng tiếc có thể xảy ra.
Trân trọng cảm ơn ông!