Chuyện 'tắm lửa' của người Pà Thẻn
Người Pà Thẻn được coi là ít người và địa bàn cư trú ban đầu của họ chỉ chọn hai nơi là Hà Giang và Tuyên Quang. Ngoài những điều đặc biệt và riêng có của dân tộc này thì lễ Nhảy lửa hay còn gọi là “tắm lửa” chỉ duy nhất họ thực hiện được trong một nghi lễ cộng đồng.
Khi “đồng nhập” người ta nhảy vào lửa và đi trên than thật dễ dàng.
Lễ “tắm lửa” bắt đầu từ giữa tháng 10 âm lịch đến hết tháng Giêng. Và mùa này, những nơi có cộng đồng người Pà Thẻn sinh sống đang diễn ra hoạt động mang mầu sắc tâm linh có một không hai này!
Một dân tộc đặc biệt
Ở Hà Giang, người Pà Thẻn cư trú chủ yếu ở 5 xã: Tân Bắc, Tân Lập, Tân Trịnh, Yên Thành và Tân Nam. Tại xã Tân Bắc (huyện Quang Bình) người Pà Thẻn có khoảng 1.849 khẩu, chiếm 45% dân số toàn xã. Riêng thôn My Bắc là nơi tập trung đông nhất với 131 hộ khoảng 638 khẩu. Cũng như một số dân tộc thiểu số khác, người Pà Thẻn có một kho tàng văn hóa dân gian khá phong phú, đặc sắc thể hiện qua các câu chuyện cổ tích, các làn điệu dân ca, hát ru, hát đối, các điệu nhảy múa tập thể, các loại nhạc cụ cổ truyền…
Lý giải về việc tại sao người Pà Thẻn chỉ cư trú ở Hà Giang, Tuyên Quang nhiều bà con kể: Theo truyền thuyết, từ một ngày rất xa xưa, thời đó đang bị chiến tranh loạn lạc. Hai anh em người Pà Thẻn đi chạy loạn, người anh đi trước, người em đi sau. Đến một ngã 3 đường, người anh lấy một đoạn cây làm chỉ dấu để chỉ hướng đi cho người em biết và đi theo, chẳng may khúc cây đó bị Lợn rừng ủi lệch sang hướng khác, dẫn tới 2 anh em mỗi người đi một ngả bị lạc nhau.
Người em đã đi theo một hướng có nhắc đến một địa danh là “Hủng sợ”, ngày nay cho rằng đó có thể là một từ Hán - Việt nói tới “Hùng Sơn” nghĩa là một dãy núi hùng vĩ mà tổ tiên người Pà Thẻn ở My Bắc đã đi qua. Sau đó, người em đã đi đến vùng Chiêm Hoá (Tuyên Quang) rồi định cư, trong đó có một số người Pà Thẻn từ Chiêm Hoá mới di cư nên Hà Giang cư trú bây giờ. Đến nay, người Pà Thẻn ở My Bắc không biết đã qua bao nhiêu đời định cư yên ổn tại nơi đây.
Người Pà Thẻn cho rằng có một thời kỳ dân tộc này đã phải vượt biển trên đường di cư, vì vậy, có một vật phẩm giờ đến giờ họ vẫn còn lưu giữ theo tín ngưỡng tâm linh, đó là vỏ các con sò biển. Vỏ con sò biển được sử dụng trong vòng đeo trang sức của người phụ nữ, và đính trên mũ của trẻ em (loại sò có miệng rộng, đẹp). Khi trẻ em lớn lên, vỏ con sò biển đó lại được tháo ra để truyền lại làm mũ cho các trẻ em khác. Người Pà Thẻn không ăn Tết cơm mới vào cùng một ngày mà họ ăn Tết đó vào 3 ngày khác nhau. Họ Sìn ăn Tết vào ngày 9-9 âm lịch, ngày 27-9 âm lịch: Gồm các họ Tải, Làn, Phù, Lừu, Hủng, Ván, Tẩn và ngày 28-9 âm lịch: chỉ riêng họ Xìn.
Kỳ bí nhảy lửa
Làm lễ trước khi “tắm lửa”.
Phụ nữ Pà Thẻn múa hát bên đống lửa.
Ngày trước, trong đêm nhảy lửa, người Pà Thẻn không lấy lửa từ nguồn dẫn bên ngoài (bật lửa, diêm, cọ sát tinh cây nứa, ghè đá…), mà người Pà Thẻn lấy lửa bằng một dụng cụ đặc biệt và cách lấy lửa cũng rất đặc biệt. Dụng cụ lấy lửa là một ống tròn, làm bằng sừng trâu, dài khoảng 5cm. Trong đoạn sừng trâu đó, người Pà Thẻn dùng sáp ong miết vào xung quanh phía trong ống, sau đó nhồi bông vào. Khi chuẩn bị lấy lửa, thầy Mo đọc các bài cúng, rồi lấy tay gõ vào miệng ống lửa liên hồi, sau một thời gian lửa sẽ bén cháy và lấy lửa đó để nhóm vào đống củi trong đêm nhảy lửa.
Trong lễ nhảy lửa, thầy Mo sắm lễ, thắp hương tế cáo trời đất, tổ tiên rồi bắt đầu đọc các bài cúng như những câu thần chú. Nội dung các bài cúng là mở đường lên trời, báo cáo với Thần Lửa, tế cáo linh hồn của tổ tiên để mời về nhập vào các nghệ nhân nhảy lửa trong đêm hội. Các nghệ nhân khi được nhập đồng, trong người như bị thôi miên, múa may uyển chuyển, rồi nhảy vào đống lửa đang cháy đỏ rực để biểu diễn mà không hề bị bỏng cho đến khi đống lửa lụi tàn. Điều này, cho đến nay khoa học vẫn chưa có sự giải thích nào thoả đáng. Khi các nghệ nhân biểu diễn xong, thầy Mo lại làm thủ tục để tiễn Thần Lửa và linh hồn tổ tiên về chốn cũ, tất cả lại trở về trạng thái bình thường và lễ hội kết thúc với niềm tin những điều tốt đẹp nhất sẽ dần đến với họ.
Trước kia, phụ nữ người Pà Thẻn cũng nhảy lửa như nam giới. Nhưng do trong quá trình nhảy, trang phục của một số người phụ nữ Pà Thẻn đã bị xô lệch khi đang nhảy say xưa, có một số người nam đã có những hành động thiếu tế nhị rồi sinh ra phức tạp. Các cụ già khi xem lễ nhảy lửa đã không chấp nhận được nên đề nghị thầy Mo xin với Thần Lửa và tổ tiên khoá cửa nhập đồng đối với người phụ nữ. Thầy Mo đã phải tìm một con gà trống lông trắng, nuôi được 7 năm để làm lễ tế cáo Thần Lửa và tổ tiên để xin khoá cửa lên đồng của phụ nữ. Từ đó người phụ nữ Pà Thẻn đã không nhập được đồng, nên không thể nhảy được vào đống than lửa như nam giới. Cửa “nữ ” đó đã bị khoá vĩnh viễn cho đến ngày nay.
Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn thường bắt đầu từ ngày 16-10 âm lịch cho đến hết năm. Vào ngày đó, thầy Mo bắt đầu làm lễ truyền nghề cho những ai muốn học và tất cả nam giới người Pà Thẻn đều có thể học nghề. Người muốn học nghề phải có một lễ nhỏ là: 1 con gà, 1 chai rượu và 1 bó hương để thầy Mo làm lễ khai truyền. Sau lễ khai truyền cũng là lễ mở cửa Thần lửa thì người Pà Thẻn có thể làm lễ nhảy lửa vào bất kể ngày nào từ đó đến hết năm âm lịch. Ngày trước, người Pà Thẻn chỉ nhảy lửa ở trong bếp, khi đống lửa đốt lên để người Pà Thẻn quây quần bên nhau thì thầy Mo cúng và đọc thần chú, sau đó cùng nhau nhảy lửa như một sự truyền bá sức mạnh tâm linh. Sau này mới đem lễ nhảy lửa ra trình diễn ngoài trời như hiện nay.
Khi những nghệ nhân nhảy lửa mà không có độ dừng, thì thầy Mo phải lấy một bát nước, làm phép rồi phun vào đống lửa thì mới dừng lại được.
Hôn nhân và bình quyền
Trẻ em dân tộc Pà Thẻn.
Nói đến người Pà Thẻn là nói đến một dân tộc có đời sống văn hóa tinh thần độc đáo và giàu bản sắc. Bên cạnh các tục như nhảy lửa, cơm mới thì phải kể đến tập tục nhập họ cho con dâu của người Pà Thẻn. Chính do tập tục nhập họ này mà họ của người Pà Thẻn luôn được bảo toàn và không bao giờ sợ mất họ, mất người hương khói và xóa bỏ cơ bản tập tục “trọng nam, khinh nữ” còn tồn tại dai dẳng.
Cưới hỏi của người Pà Thẻn cũng hết sức đặc sắc. Theo truyền thống, trai gái Pà Thẻn tìm hiểu nhau khi gặp mặt không phân biệt trai đến nhà gái trước hay gái đến nhà trai trước. Nếu bên trai đến trước thì họ phải xin phép hộ gia đình nào đó trong làng cho phép được tìm hiểu taị gia đình đó. Khi ăn hỏi hai gia đình phải trải qua ba hoặc bốn lần gặp mặt rồi mới đến kết hôn. Trước khi nhà trai tới rước dâu đêm hôm trước, nhà gái cúng một đêm để cắt họ. Hôm sau, khi nhà trai rước dâu thì nhà trai cũng phải cúng nhập dâu để hợp nhất thành chủ. Cô dâu phải dùng khăn che mặt, ngồi một chỗ cho tới khi tối đi ngủ mới được bỏ ra.
Người Pà Thẻn có truyền thống chung thủy một vợ một chồng. Họ đã có một lời nguyện thề, nếu đã làm vợ chồng thì làm mãi mãi. Chính vì vậy lịch sử người Pà Thẻn từ xưa đến nay không được phép ly hôn, kể cả khi lấy vợ sinh con mà không có người nối dõi (con trai) vẫn không được phép đi lấy vợ khác. Người Pà Thẻn khi kết hôn, con gái đi lấy chồng bao giờ cũng bị cúng cắt họ và nhập họ nhà trai. Vậy tục nối dõi lưu truyền trong tất cả những người mang họ đó, chứ không phải trong một gia đình. Bởi thế mà người Pạ Hưng không bao giờ bị mất họ.