Xuân sang trẩy hội Lồng Tồng
Đầu Xuân, đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Hà Giang lại tưng bừng mở hội Lồng Tồng. Lồng Tồng còn có nghĩa là lễ xuống đồng, là một phong tục cổ xưa của một số đồng bảo dân tộc thiểu số, thường được tổ chức vào khoảng từ ngày mồng 4 tới mồng 10 tháng Giêng.
Trò chơi tung còn.
Vào những ngày ấy, tại các thôn Bản Tùy, Tiến Thắng, Hạ Thành của các xã Ngọc Đường; Phương Thiện và Phương Độ (TP Hà Giang)… lễ hội rộn ràng, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tốt, mùa màng bội thu, gửi gắm ước vọng về một năm mới no ấm, hạnh phúc. Đây là dịp để người dân địa phương, du khách gặp gỡ, giao lưu văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết, tạo khí thế thi đua hăng hái bắt tay vào mùa vụ mới.
Các chàng trai, cô gái Tày, Nùng xúng xính trong những bộ áo dài chàm đen truyền thống, nô nức gọi nhau cùng đi hội. Tiếng trống, tiếng chiêng âm vang càng làm cho bầu không khí lễ hội thêm tưng bừng, náo nhiệt.
Theo ông Lê Văn Tới- Phó Chủ tịch UBND xã Phương Thiện (TP Hà Giang), lễ hội Lồng Tồng của người Tày đã có từ lâu. Ngày nay, để bảo tồn và phát huy giá trí của lễ hội này, hằng năm xã đã chỉ đạo các thôn thay phiên tổ chức. Việc này còn nhằm tiết kiệm cho bà con các thôn bản mà vẫn vui vẻ, giữ đúng bản sắc, không bị thương mại hóa hay mê tín dị đoan.
Vui hội Lồng Tồng du khách đừng quên tham dự phần lễ và phần hội. Theo đó, ngoài cánh đồng, già làng đã sắp mâm lễ cúng trang trọng, chu đáo gồm: Gà trống thiến, thủ lợn, các loại bánh trái (bánh chưng, bánh dày, xôi ngũ sắc, mâm ngũ quả), cây nêu treo quả còn, rượu ngon, nước sạch và các loại hạt giống tốt. Kết thúc phần nghi lễ, thầy cúng tưới nước, rượu ra khắp bốn phương trời và phát lộc Xuân (những hạt giống tốt đã được làm lễ) cho mọi người.
Đến phần hội, người dân trong thôn, bản mời du khách cùng hòa mình vào không khí tưng bừng với những trò chơi dân gian như: tung còn, kéo co, ném sảng, đẩy gậy hay thưởng thức những điệu hát then mộc mạc, giản dị. Nơi tụ tập đông vui nhất chính là nơi diễn ra hội tung còn.
Người Tày quan niệm, trong lễ hội Lồng Tồng phải có người tung được quả còn xuyên qua vòng tròn treo trên cây nêu cao thì năm đó mới nhiều may mắn, vạn sự như ý, bản làng yên vui. Những quả còn ngũ sắc rực rỡ màu sắc, gắn những tua dài theo hướng tay người tung lao lên trời mang theo bao ước vọng về một năm mới gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp.