Tiếp sức để doanh nghiệp hội nhập
Không ít ý kiến cho rằng, sự kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước rất lỏng lẻo, mờ nhạt. Về vấn đề này, theo ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa kết nối được với khu vực doanh nghiệp FDI. Điều đó một phần do chính sách chưa thực sự khuyến khích, tạo động lực cho sự kết nối, mặt khác, do năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam còn rất yếu.
TS. Vũ Tiến Lộc.
Một trong những mục tiêu của việc thu hút đầu tư nước ngoài (DN FDI) thời gian qua đó là tạo được sự kết nối, lan tỏa giữa khu vực DN FDI và khu vực DN trong nước, từ đó có thể nâng cao năng lực, khả năng quản lý cho các DN Việt… Song nhiều ý kiến cho rằng, trên thực tế sự kết nối giữa hai khu vực DN này đang rất lỏng lẻo, nếu không muốn nói là mờ nhạt. Vậy làm sao để gắn chặt được sự kết nối này nhằm nâng cao năng lực cho DN Việt, TS. Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có những trao đổi xung quanh nội dung này.
PV:Không ít ý kiến cho rằng, sự kết nối giữa các DN FDI và DN trong nước rất lỏng lẻo, mờ nhạt. Vậy, đâu là, yếu tố được nhìn nhận là mờ nhạt trong mối quan hệ này, thưa ông?
TS. Vũ Tiến Lộc: Trong những năm qua, Việt Nam đã thu hút được nhiều DN nước ngoài đầu tư vào trong nước với một số vốn không nhỏ và cũng có những hiệu quả nhất định, song chưa đạt được sự lan tỏa về công nghệ cũng như khả năng quản trị từ khu vực FDI đối với nền kinh tế Việt Nam như mong muốn.
Thực tế, DN FDI vẫn tồn tại như một ốc đảo trong nền kinh tế Việt Nam. Khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa kết nối được với khu vực DN này.
Điều đó một phần do chính sách chưa thực sự khuyến khích, tạo động lực cho sự kết nối, mặt khác, do năng lực của các DN vừa và nhỏ của Việt Nam còn yếu, rất nhiều DN không đạt được chuẩn mực toàn cầu do vậy không có khả năng kết nối. Và một yếu tố nữa còn là do bản thân các DN FDI, họ đầu tư vào Việt Nam nhưng phần lớn không mang theo công nghệ hiện đại. Con số chỉ 5% DN FDI sử dụng công nghệ hiện đại minh chứng điều đó.
Trước thực tế đó, VCCI đã có những tiếng nói gì nhằm thúc đẩy tăng cường kết nối giữa hai khu vực DN này, thưa ông?
- Để các DN Việt Nam có thể kết nối toàn cầu, điều quan trọng chính ở chỗ phải nâng cấp các DN Việt Nam để đạt tới chuẩn mực quốc tế về quản trị, công nghệ, về cả trách nhiệm xã hội. Những yếu tố rất quan trọng như tính minh bạch, bảo vệ bản quyền, sự liêm chính… là những yêu cầu tối thiểu của khu vực quốc tế mà các DN Việt Nam phải đạt được.
Do đó nhà quản lý cần có những hỗ trợ DN nâng cao năng lực thông qua việc cung cấp thông tin, tư vấn, kèm theo đó làv sự vào cuộc đồng bộ của Chính phủ cũng như của cả cộng đồng DN trong và ngoài nước. Và ở đây, hạt nhân chính là các công ty xuyên quốc gia.
Doanh nghiệp cần được tiếp sức để thêm sức cạnh tranh, hội nhập.
Lâu nay, Nhà nước thường sử dụng các chính sách ưu đãi để hỗ trợ cộng đồng DN, tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế đang đón cuộc cách mạng công nghiệp 4 thì xem ra những ưu đãi không còn là yếu tố chính trong việc thúc đẩy DN trong việc nâng cao năng lực, vậy có sự hỗ trợ nào thực chất hơn chứ không chỉ là câu chuyện ưu đãi về thuế hay những cách chúng ta thường làm, thưa ông?
- Tôi cho rằng, những ưu đãi tốt nhất là của Nhà nước dành cho cộng đồng DN, đặc biệt là khu vực DN nhỏ và vừa chính là làm sao để nâng cao năng lực của DN thông qua tăng cường cung cấp thông tin, cải cách hệ thống giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong các DN, song song với đó là kết hợp các biện pháp hỗ trợ xúc tiến thương mại…
Tôi nghĩ những phương pháp hỗ trợ có tính chất kỹ thuật đó mới có thể giúp các DN vừa và nhỏ nâng cao năng lực một cách thực chất hơn để kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu chứ không phải là sự hỗ trợ về tiền bạc đơn thuần.
Doanh nghiệp cần sự cởi mở hơn của thủ tục hành chính để hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.
Nói đến thu hút đầu tư nước ngoài, câu chuyện về môi trường thời gian qua đã trở thành tâm điểm. Dư luận xã hội không khỏi lo lắng khi chúng ta đang quá dễ dãi trong thu hút đầu tư để rồi môi trường phải gánh những hệ lụy từ sự dễ dãi đó. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này cũng như những cam kết của Chính phủ trong môi trường đầu tư hiện nay, thưa ông?
- Trước hết phải nói rằng, trong quá trình phát triển, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường hay nội dung liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường là một trong những nội dung rất quan trọng và bất kỳ DN nào khi bước chân vào thương trường cũng cần phải lưu ý nội dung này. Phần lớn các DN đều mong muốn Nhà nước có những chính sách nhất quán để làm sao vừa thúc đẩy DN vừa bảo vệ môi trường, vì chỉ có bảo vệ môi trường DN mới có thể phát triển bền vững.
Trong năm 2016, chúng ta đã chứng kiến những sự cố đáng tiếc về môi trường mà lỗi không chỉ ở bản thân DN, một phần lỗi do chính các chính sách thu hút đầu tư của chúng ta vẫn đang quá dễ dãi. Bởi vậy, việc siết chặt kỷ cương để loại bỏ những DN mang công nghệ lạc hậu sang đầu tư ở nước ta là cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh việc siết chặt những kỷ cương và tăng cường hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường thì việc đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư theo những cam kết của Chính phủ cũng là yếu tố quan trọng.
Bởi vậy, một mặt tôi cho rằng, những DN vi phạm cần phải có chế tài xử lý nghiêm khắc nhưng đồng thời Chính phủ cũng phải có biện pháp thực hiện cam kết của mình để đảm bảo sự tin cậy của môi trường đầu tư kinh doanh. Phải nói rằng hiện nay cộng đồng DN rất đồng tình với các chủ trương tăng cường bảo vệ môi trường của Chính phủ. Và tại Diễn đàn DN Việt Nam diễn ra cuối năm 2016 vừa qua, cộng đồng DN quốc tế cũng đã khẳng định, sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam những công nghệ tốt nhất về bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, việc xử lý những vấn đề môi trường đã xảy ra trong quá khứ, một mặt DN luôn mong muốn xử phạt những DN vi phạm một cách nghiêm minh, mặt khác các DN bày tỏ mong muốn rằng các cam kết của Chính phủ về môi trường đầu tư vẫn phải được đảm bảo, việc này rất quan trọng để tạo niềm lòng tin cho các nhà đầu tư, tạo sự vững tâm đối với nhà đầu tư khi tham gia đầu tư tại Việt Nam.
DN tuân thủ pháp luật nước sở tại và ngược lại, niềm tin của họ được duy trì khi các cam kết của nước sở tại được thực thi, đó là yếu tố sống còn của một môi trường kinh doanh lành mạnh. Và đó cũng chính là những yếu tố rất quan trọng để đảm bảo các DN có thể đầu tư phát triển ổn định lâu dài tại Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn ông!