Sống ở 'ốc đảo' Hồng Lam
Nhắc đến thôn Hồng Lam (xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) người ta thường nói đây là vùng “xa văn hóa”, trong khi thôn chỉ cách trung tâm hành chính xã 500m, cách thành phố Vinh (Nghệ An) còn gần hơn. Ngôi làng có lịch sử gần 400 năm, được bao quanh bởi dòng Lam hiền hòa, thơ mộng nhưng cũng không ít chuyện lạ lùng…
Với người lái đò ở ốc đảo Hồng Lam, tất cả đều quen thuộc, trừ đám cưới.
Ở một nơi “thèm” đám cưới
Hồng Lam là 1 trong 7 thôn của xã Xuân Giang, nhưng khác với những nơi khác, người dân trong thôn chỉ có thể “giao lưu” được với thế giới bên ngoài khi con đò độc nhất vô nhị ở bến Hồng Nhất hoạt động. Từ bên này sông nhìn sang, thôn nổi lên như một ụ đất giữa mênh mông sóng nước. Chúng tôi đến đây vào lúc chuyến đò sang sông buổi sáng. Bến đò tấp nập, nhộn nhịp người chen lên thuyền. Theo lời giới thiệu của bác lái đò lâu năm ở đây thì với bác, tất cả đều quen thuộc, trừ đám cưới.
May mắn cho chúng tôi khi vừa cập bến gặp được ông Hồ Ngọc Sơn (Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Hồng Lam), người dẫn đường nhiệt tình lại am hiểu chuyện trong làng. Dẫn chúng tôi đi quanh thôn, ông Sơn kể về những trầm tích quanh “làng nổi” này. Cách đây chừng 400 năm, có hai anh em nhà nghèo, không chỗ nương thân đã đưa nhau ra vùng này sinh sống và lập nghiệp. Mãi sau rồi cũng có người đưa nhau ra dựng lều, vỡ đất khai hoang sinh sống. “Làng nổi” Hồng Lam dần hình thành từ đó.
Chợ ở ốc đảo Hồng Lam.
Thấy tôi thắc mắc vì sao đám cưới lại trở thành việc “xa xỉ” đối với thôn, ông Sơn nói: Dân số thôn này lên đến đỉnh điểm là khoảng 1.500 nhân khẩu vào năm 90 của thế kỷ trước, nhưng năm nay chỉ còn trên dưới 500 người với 182 hộ. Làng toàn người già, hiếm người trẻ. Dân thèm cảm giác được sống trong không khí sôi động của đám cưới chẳng khác gì sa mạc cầu mưa. “Gần 25 năm nay chỉ có 2 đám cưới, chúng cưới xong rồi cũng có ở đây đâu, vì bố mẹ quê ở đây nên nó về làm thủ tục, xong lại dắt díu nhau đi làm ăn, sinh sống nơi khác”- ông Sơn nói giọng rầu rầu.
Đám cưới ông Sơn nói đến là của 2 người con trai ông Nguyễn Văn Tý là Nguyễn Văn Rốp và Nguyễn Văn Đạo. 2 đám chỉ cách nhau 4 tháng, cả làng vui như hội. Mỗi người một tay giúp cho đôi trẻ. Cưới xong, như bao cặp vợ chồng khác, vợ chồng anh Rốp và Đạo lại tha hương làm ăn.
Cả thôn có trên 50 nóc nhà bị bỏ hoang.
Nghĩ chuyện đám cưới tại ốc đảo cũng lạ, trong khi nhiều nơi người ta đi đám cưới phát “sợ” thì người dân ốc đảo lại “thèm”. Điểm chung nhất ở Hồng Lam từ xưa đến nay là dân số được “già hóa”. Cả ốc đảo chỉ có 2 cặp vợ chồng “đặc biệt”- vợ chồng trẻ, ấy là cặp vợ chồng anh Hồ Văn Sáng (30 tuổi) và vợ chồng anh Ngô Kim Sinh (32 tuổi). Thế hệ trẻ lớn lên, tầm độ 18 tuổi đều đi vào Nam ra Bắc lập nghiệp, tuyệt nhiên không có chuyện thanh niên trong làng lấy nhau.
Cây ở rừng phòng hộ bị đốn ngã, diện tích “ốc đảo” ngày càng bị thu hẹp.
Ám ảnh
Theo giới thiệu của Trưởng thôn Nguyễn Thế Lục, thôn cũng có chợ nhưng nói chợ cho oách chứ thực chất là một cái lán được dựng lên bởi bốn cột gỗ, phía trên lợp bằng những tấm tôn thủng lỗ chỗ. “Cả chợ chỉ có 4 bà ở bên kia sông đưa hàng hóa sang đây ngồi bán. Vì làng ít người nên chợ cũng chẳng nhộn nhịp hơn, họp đến khoảng 10 giờ trưa là nghỉ rồi”- ông Lục nói.
Thôn Hồng Lam ngày càng vắng vẻ bởi đất không níu được chân người. Thanh niên rời làng. Nghề trồng cói làm chiếu, trồng lạc và chài lưới là ba nghề chính của người dân ốc đảo bấy lâu nay. Nhưng rồi nghề cói cũng dần mai một bởi chiếu nhựa, chiếu trúc đã thống lĩnh thị trường, thôn dần vắng bóng những tiếng cút kít bên khung dệt, có chăng cũng chỉ dệt để sử dụng trong gia đình.
Thay vào đó, người dân tập trung trồng lạc, ngô. Với lợi thế là vùng đất được bồi đắp phù sa mỗi khi lũ về, nghề trồng lạc ở đây cho thu nhập khá hơn ở phía bên kia nhưng cũng bị thương lái ép giá mỗi mùa thu hoạch do đò giang cách trở.
Cả xóm có đến gần nửa trăm ngôi nhà bỏ hoang, để mặc cho thời gian xói mòn, hư hỏng, cỏ dại mọc um tùm. Có nhà đổ mái bằng khang trang cũng khóa cửa im lìm, có nhà vừa mới xây chưa kịp trát cũng bỏ đó.
“Những ngôi nhà ấy hầu hết người dân đã bán đi rồi. Một số ruộng vườn được xóm làng xung quanh tận dụng trồng ngô, lạc kiếm thêm thu nhập. Người trẻ bỏ làng đi nơi khác lập nghiệp, làm ăn. Thế rồi ngay cả người già cũng đóng cửa rời làng cùng con cháu. Tính sơ sơ phải có khoảng 150 hộ bỏ làng đi và trên 50 ngôi nhà bỏ hoang rồi”- giọng ông Lục đượm buồn.
Trường chuẩn quốc gia “đóng cửa cài then” vì không đủ học sinh.
Theo người làng thì trước đây trường tiểu học chỉ là ngôi nhà tranh vách đất cấp 4 tạm bợ với 3 gian phòng. Đến năm 2002, Bộ Công an và UBND tỉnh Hà Tĩnh phát động quyên góp, xây dựng lại kiên cố thành 1 tòa nhà hai tầng với 8 phòng học khang trang. Do học sinh theo học ngày càng thưa thớt, đến tháng 11-2010 trường được sáp nhập với trường tiểu học Xuân Giang, trở thành một phân hiệu.
Mặc dù chỉ là phân hiệu nhưng 2 lần trường được công nhận trường chuẩn quốc gia (năm 2004 và được công nhận lại vào năm 2010). Nhưng đến năm 2015, chỉ còn 7 em lớp 1 và lớp 2; năm 2016 còn 3 em lớp 1, nhưng trường vẫn phải duy trì lớp học “3 trò 2 cô”. Năm học 2016 -2017, lớp học phải đóng cửa để gộp lớp với trường chính ở bên kia sông. Chính vì vậy năm học này, ngôi trường hoàn toàn vắng bóng học sinh.
Người dân ốc đảo thường nói đùa “trâu bò nhiều gấp đôi người”.
Nguy cơ sông “nuốt” làng
Sông Lam vốn hiền hòa, thơ mộng bồi đắp nên những bãi phù sa màu mỡ, nuôi dưỡng mảnh đất Hồng Lam từ bao đời nay. Nhờ vậy, người dân ốc đảo trồng lạc, trồng cói không cần đến phân bón. Trong khi chăn nuôi gia súc lại phát triển mạnh. Phân trâu, phân bò chất đống trong làng là bởi vậy. Dẫu “đất lành nhưng chim không chịu đậu”, người đi đã đành, người ở lại cũng không yên vì nỗi lo mất làng cứ đeo bám.
Theo Chi hội trưởng Hội Nông dân, thôn Hồng Lam ngày càng thu hẹp dần, vốn rộng hơn 4km2 nay chỉ còn khoảng 2,5km2, đất sản xuất cũng bị sông “nuốt” đi rất nhiều. Nguyên nhân một phần do thiên tai, bão lũ nhưng chủ yếu là do “cát tặc” ngày đêm hoành hành quanh sông Lam.
Ban ngày, những sà lan cát được hút từ lòng sông Lam lên bờ như thế này vẫn ngang nhiên hoạt động.
Anh Sơn bức xúc: “Cát tặc hoành hành khiếp lắm, chúng hoạt động vào ban đêm tầm khoảng 3h đến 5h sáng với 3 - 4 sà lan hút liên tục lấy đi hàng nghìn m3 quanh khu vực làng. Rừng phòng hộ này trước đây ở tút ngoài kia, giờ bị sông “nuốt” hơn 50m dài cùng 10ha đất sản xuất cũng bị “xóa sổ”, đấy là chưa tính hết số diện tích chạy dọc quanh thôn. Trong các cuộc họp, thôn đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền xã, huyện. Đợt nào huyện triển khai quyết liệt thì cát tặc tạm nghỉ ít ngày, sau rồi đâu lại vào đấy. Nếu không có phương án xử lý dứt điểm, chúng tôi sợ mất làng khi nào không biết”.
Để dẫn chứng, ông Sơn dẫn chúng tôi đến cột điện cao thế tải điện cho cả làng. Dùng những bước chân để áng chừng diện tích, ông Sơn cho biết: “Cột điện này được xây dựng vào năm 2000 nhằm kéo điện về cho dân làng. Thời điểm đó, cột nằm cách bờ sông gần 50m nhưng đến nay chỉ còn lại chưa đến một nửa diện tích. Với tình trạng khai thác cát như hiện nay, vài ba năm nữa chắc thôn Hồng Lam chẳng còn điện thắp sáng”.
Sải những bước dài bên bờ sông, nơi nào cũng thấy sạt lở, hàng chục km bờ kè được đổ bê tông chắc nịch nhằm bảo vệ đất sản xuất cho dân ốc đảo cũng bị cuốn phăng từ khi nào, lòng tôi lại thấy ngao ngán. Thiên tai, nhân tai khiến ốc đảo Hồng Lam không khi nào yên.
Chủ tịch UBND xã Xuân Giang - Lê Hồng Lưu, chia sẻ: Mỗi khi lũ lụt về, thôn Hồng Lam là điểm yếu nhất của huyện Nghi Xuân. Người dân ở ốc đảo này xưa nay vừa phải sống chung với lũ vừa phải chống chọi với nạn “cát tặc”. Do liền kề với tỉnh Nghệ An qua khúc sông Lam nên lực lượng công an huyện Nghi Xuân của Hà Tĩnh đuổi bắt thì chúng chạy tuột sang bên kia nên khó xử lý. Về kinh tế thì thôn Hồng Lam khá phát triển nhưng về đời sống văn hóa không được tốt do cách sông, cách đò. |