Thận trọng với nấm
Theo các bác sĩ ở Trung tâm chống độc BV Bạch Mai, đây là thời điểm các loại nấm rừng phát triển mạnh; cũng là lúc các cơ sở y tế phải tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp bị ngộ đốc nấm. Đã có nhiều trường hợp tử vong do ngộ độc quá nặng. Trong đó, nạn nhân thường là người dân tộc sinh sống ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Thái Nguyên, Sơn La, Lào Cai…
Nấm lim rất khó kiếm nhưng cần thận trọng khi sử dụng.
Nhiều ca ngộ độc nặng
Theo thông tin từ Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, hiện Trung tâm đang điều trị cho 3 bệnh nhân trong cùng một gia đình bị ngộ độc nấm là Hà Thị Cúc (52 tuổi), Chu Văn Mai (58 tuổi) và Chu Văn Vinh (30 tuổi) ở xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn.
Theo lời người nhà, sáng 20/3, anh Chu Văn Vinh vào rừng thấy nấm tươi nên hái về ăn trong bữa trưa. Bữa đó, chỉ có anh và bố là Chu Văn Mai ăn, mỗi người ăn khoảng 6-7 cây nấm. Đến bữa tối, còn một ít nước và thịt nên mẹ là Hà Thị Cúc ăn nốt. Sau ăn khoảng 6-10 tiếng, cả 3 người đều có triệu chứng đau bụng, đi ngoài, buồn nôn và nôn rất nhiều.
Theo Ths. Lê Quang Thuận- Phó giám đốc Trung tâm Chống độc, 3 bệnh nhân này nhập viện vào chiều 22/3 (tức là khoảng giờ thứ 50 sau khi ăn nấm) trong tình trạng khá nặng. Xét nghiệm cho thấy các bệnh nhân bị tổn thương gan nặng và suy gan, suy thận cấp. Các bệnh nhân được chỉ định lọc máu để hấp phụ và giải trừ chất độc, điều trị suy thận.
Bên cạnh đó, Trung tâm Chống độc cũng phối hợp với Khoa Thăm dò chức năng làm thủ thuật “dẫn lưu mật mũi” để thải trừ trực tiếp chất độc từ gan qua ống mật chủ ra ngoài. Sau gần một tuần điều trị vì tình trạng quá nặng khó cứu chữa, bệnh nhân Chu Văn Vinh, 30 tuổi đã được gia đình xin về để lo hậu sự từ hôm tối 27-3. Hiện bố của anh Vinh là Chu Văn Mai vẫn đang trong tình trạng nặng, đe dọa tính mạng, chỉ có bà Hà Thị Cúc sức khỏe tiến triển tốt hơn.
Nói về tình trạng ngộ độc nấm, TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận và điều trị hàng trăm ca ngộ độc nấm, con số tử vong cũng khoảng vài chục người. Điều trị ngộ độc nấm chủ yếu bằng các biện pháp hồi sức cấp cứu, giải độc với chi phí tốn kém nhưng tỉ lệ tử vong vẫn cao.
Theo TS. Dũng, ngộ độc nấm thường xảy ra ở một số tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có hoàn cảnh rất khó khăn. Bên cạnh đó, do tập quán đi rừng hái rau, nấm về ăn, bà con hái phải nấm hoang dại, có độc, nên khi ăn thường cả gia đình đều bị ngộ độc. TS. Dũng dẫn chứng, trước năm 2009, từng có gia đình 9 người bị ngộ độc nấm thì chết đến 8. Từ thực tế đó, các bác sĩ chống độc đã phải lặn lội đến tận bản làng miền núi xa xôi để tuyên truyền cho người dân bằng trực tiếp các loại nấm độc tìm trên địa bàn.
Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, Việt Nam có khoảng 50-100 loài nấm độc khác nhau, trong đó có những loài có độc tố gây chết người như nấm độc tán trắng, nấm ô tán trắng phiến xanh, nấm độc trắng hình nón. Độc tố nằm trong toàn bộ cây nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm). Độc tố có thể thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu và thường gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe, rất phức tạp và khó tiên lượng.
Vào mùa Xuân, khi mưa xuống, các loại nấm rừng mọc lên rất nhiều. Nấm độc mọc xen lẫn với nấm thường. Trong khi đó nhiều loại nấm độc dù không nhiều nhưng thường trông rất đẹp, ngon, có màu trắng, nhìn giống nấm bình thường. Một trong những loại nấm độc nhất hiện nay không có màu sắc sặc sỡ, nên thường gây nhầm lẫn.
TS. Dũng chia sẻ gần đây, các chuyên gia đã nghiên cứu, tìm hiểu về các loại nấm chứa độc và phát hiện ra 13 loại nấm có thể gây độc tại Cao Bằng- địa bàn miền núi trước đây có nhiều người ngộ độc nấm. Chúng tôi đã thu thập các mẫu nấm độc này, mang về xét nghiệm, thử nghiệm trên thỏ, rồi giải phẫu, phân tích các cơ quan phổi, gan, thận, lách… xem tổn thương do nấm độc gây ra như thế nào và tại sao con người lại chết vì ngộ độc nấm nhanh đến thế.
Biểu hiện ngộ độc nấm và cách xử trí
Tại các bản làng, nhiều người cho rằng, chỉ cần dựa vào kinh nghiệm bản thân, hoặc nhìn các loại nấm “nếu côn trùng ăn được thì người ăn sẽ không ngộ độc”, song trên thực tế các bác sĩ Trung tâm Chống độc đã từng cấp cứu cho bệnh nhân bị ngộ độc nấm dù nấm đó đã bị kiến đục khoét và côn trùng khác ăn.
Theo TS. Dũng, trong một số loại nấm độc có nấm tán trắng chứa độc tố amatoxin gây độc khá nguy hiểm, còn lại cũng có một số loại nấm khác chỉ gây rối loạn tiêu hóa, bệnh nhân dễ qua khỏi nếu được cấp cứu kịp thời. Nhóm nấm độc mà triệu chứng gây độc xuất hiện muộn sau 6 giờ đồng hồ khi ăn nấm thì thường kinh khủng nhất, gây tổn thương gan, rối loạn đông máu, người bệnh dễ chết trong tình trạng suy đa phủ tạng. Với các loại nấm gây ngộ độc trước 6 giờ đồng hồ thường chỉ gây triệu chứng ngộ độc nôn, rối loạn tiêu hóa.
Các bác sĩ khuyến cáo, ngay khi có triệu chứng ngộ độc nấm phải gây nôn, rồi chuyển đi cấp cứu ở trung tâm y tế gần nhất để kịp thời rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính sớm. Ngoài ra, nên đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến cơ sở y tế. Mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loài nấm. Sau khi ăn nấm mà có biểu hiện bị ngộ độc, nếu người bệnh vẫn còn tỉnh táo nên cho uống thật nhiều nước để gây nôn, sau đó nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện cấp cứu.
BS Nguyễn Trung Nguyên cũng hướng dẫn cách dự phòng ngộ độc nấm bằng cách, xác định thời gian từ lúc ăn nấm đến lúc có triệu chứng ngộ độc nấm. Nếu dưới 6 tiếng có thể điều trị ở xã, huyện. Nếu hơn 6 tiếng gửi bệnh nhân lên bệnh viện tỉnh nơi có điều kiện lọc máu. Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm mầu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả, đặc biệt là nấm có đủ vòng cuống, bao gốc.
Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc. Nấm tươi mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc. BS Nguyên cũng chia sẻ, những ca ngộ độc nấm nặng chi phí điều trị rất cao, trong khi tỉ lệ tử vong lên đến 50%, cho dù người bệnh chỉ ăn 1 - 2 tán nấm.
Biểu hiện thường gặp đầu tiên của ngộ độc nấm là loạn nhịp thở, chóng mặt buồn nôn, rối loạn hoạt động của bộ máy tiêu hóa, gan thận, co giật, rối loạn thần kinh, tim mạch, hôn mê và tê liệt thần kinh trung ương… Biểu hiện ngộ độc sớm: Thường biểu hiện sau ăn 30 phút đến 2 giờ, tối đa là 6 giờ. Biểu hiện ngộ độc muộn: Có thể sau khi ăn 6 - 40 giờ (trung bình 12 giờ) mới xuất hiện triệu chứng. Hầu hết các trường hợp do nấm lục (nấm độc xanh đen) 6 - 40 giờ sau ăn, bệnh nhân mới biểu hiện nôn, đau bụng, tiêu chảy dữ dội và nhiều trong khi đó hầu hết chất độc đã vào máu. Có trường hợp sau 1 - 2 ngày điều trị, các biểu hiện nôn, đau bụng, tiêu chảy đỡ, người bệnh nghĩ là bệnh đã khỏi. Nhưng trên thực tế, tình trạng ngộ độc vẫn tiếp diễn âm thầm ở các cơ quan khác. Sau 3 - 4 ngày: vàng mắt, vàng da, mệt mỏi, ăn kém, tiểu ít dần, phù, chảy máu nhiều nơi, hôn mê và tử vong. |