Hậu Giang: Hàng loạt cán bộ cơ sở xin nghỉ việc, vì đâu?

Lê Quốc Khánh 03/04/2017 09:05

Theo báo cáo mới nhất của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hậu Giang, tính từ năm 2016 đến nay, có 1.057 cán bộ cơ sở của nhiều cơ quan làm đơn xin nghỉ việc, với nhiều lý do khác nhau trong đó chủ yếu là vì kinh tế.

Hai Phó Chủ tịch không chuyên trách xã Tân Thành
(thị xã Ngã Bảy là Nguyễn Văn Lịnh và Bùi Thị Tuyết Ngà xin nghỉ việc.

Chúng tôi tìm về thị xã Ngã Bảy nơi có 35 trường hợp cán bộ cơ sở từ xã đến ấp, khóm, khu vực có đơn xin nghỉ việc. Ông Nguyễn Văn Sơn- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã Ngã Bảy đưa chúng tôi danh sách 35 cán bộ xã, ấp xin nghỉ việc, bao gồm 19 cán bộ cấp xã, phường và 16 cán bộ ở các ấp, khu vực trong đó có 3 cán bộ là Phó Chủ tịch không chuyên trách xã. Đã có 18 người xin được việc ở các công ty, xí nghiệp hoặc tự mở cơ sở kinh doanh, mua bán.

Đến xã Tân Thành, nơi có 2 Phó Chủ tịch không chuyên trách xin nghỉ việc là chị Bùi Thị Tuyết Ngà và anh Nguyễn Văn Lịnh. Ông Huỳnh Hoàng Anh- Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Thành cho biết, anh Lịnh và chị Ngà đều là đảng viên, đều tốt nghiệp đại học, có nhiều năm công tác Mặt trận, tận tụy với công việc, sâu sát với phong trào. Ông Anh cho biết thêm: Xã hiện có 8 cán bộ không chuyên trách cấp xã và ấp, khu vực xin nghỉ việc trong đó có 2 Phó Chủ tịch xin nghỉ việc khiến cho công tác Mặt trận xã gặp không ít khó khăn. “Đảng ủy xã giao cho tôi gặp gỡ, tìm hiểu hoàn cảnh kinh tế, động viên tư tưởng và bàn biện pháp giúp đỡ cho anh Lịnh một căn nhà Đại đoàn kết nhưng anh vẫn kiên quyết xin nghỉ vì nếu có nhà rồi nhưng kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn thì cũng không yên tâm công tác”- ông Anh nói.

Chị Bùi Thị Tuyết Ngà bộc bạch: “Em lập gia đình, có một đứa con, là Phó Chủ tịch Mặt trận xã không chuyên trách, hiện được hưởng phụ cấp 0.95 của mức 1.250.000 đồng, trừ khoản đóng bảo hiểm xã hội, còn lại 1.030.000 đồng. Ngoài ra, xã hỗ trợ 200.000 đồng tiền xăng nên cộng các khoản thu nhập trong tháng là 1.230.000 đồng. Với mức thu nhập như vậy, mà mỗi ngày phải làm việc như công chức, đảm bảo đúng giờ giấc theo qui chế nên không còn thời gian để chăm sóc con cái, gia đình. Hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn nên đành phải xin nghỉ để kiếm việc khác có mức thu nhập cao hơn mới đủ trang trải cuộc sống”.

Chị Ngà cho biết đang xin việc ở một công ty, được hứa hẹn sẽ tuyển dụng làm việc với mức thu nhập trên 4 triệu đồng/tháng.

Anh Nguyễn Văn Lịnh, sinh năm 1983, ở ấp Sơn Phú 2A, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, tự bỏ tiền tiếp tục học đại học ngành môi trường chi phí hơn 100 triệu đồng nay thu nhập hàng tháng hơn 1 triệu đồng nên cũng không thể đeo bám nhiệm vụ được. Anh Lịnh cho biết, hiện là đại biểu HĐND xã, đã học trung cấp chính trị, rất tâm huyết với công tác Mặt trận nhưng lương thấp quá, đành phải xin nghỉ việc, kiếm việc khác với hy vọng đủ trang trải cuộc sống và lo cho kinh tế gia đình. Ngoài ra, lý do anh xin nghỉ việc là vì việc xét vào biên chế mù mịt, xa vời.

Đến xã Tân Thành, chúng tôi cũng được biết có trường hợp của anh Trang Thanh Long, sinh năm 1970, hiện là Đảng ủy viên, cán bộ tổ chức xã cũng không thuộc diện biên chế 22 người mà chỉ là cán bộ không chuyên trách. Anh Long đang học đại học quản lý nhà nước hệ vừa học vừa làm với hy vọng sau này được xét vào biên chế. Tuy nhiên, theo anh Long, chị Ngà, anh Lịnh thì tình hình cũng hết sức mong manh. Chính vì vậy mà anh Lịnh, chị Ngà chọn con đường xin nghỉ việc và tự lo cứu lấy mình.

Ngoài thị xã Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp, tại thành phố Vị Thanh, huyện Long Mỹ cũng có 22 Phó Chủ tịch Mặt trận không chuyên trách xã xin nghỉ việc vì lý do kinh tế. Bên cạnh đó, có đến 9 Trưởng ban Công tác Mặt trận khóm, ấp, khu vực ở các huyện Phụng Hiệp, Châu Thành, Long Mỹ xin nghỉ việc. Các Trưởng ban Công tác Mặt trận nêu lý do xin nghỉ là vì họ chỉ được hưởng phụ cấp 0,9. Ngoài ra không có chế độ nào khác. Trong chuyến về cơ sở, chúng tôi cũng được biết có một số công an viên của xã, xã đội cũng xin nghỉ việc vì họ chỉ được hưởng mức hỗ trợ 700.000 đồng/người/tháng. Các cán bộ xóa đói giảm nghèo, Chữ thập Đỏ, Hội Nông dân xã cũng không thuộc diện biên chế. Phó trưởng ấp chỉ được hưởng phụ cấp 0,5.

Theo ông Huỳnh Hoàng Anh- Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Thành, cán bộ cơ sở là người trực tiếp truyền đạt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đến người dân, nhưng mức lương không đủ sống nên cho dù lãnh đạo có động viên đến đâu thì họ cũng xin nghỉ. Đã có nhiều trường hợp, chưa có quyết định nhưng họ bức xúc quá nên nghỉ trước.

Ông Hoàng Anh cũng bức xúc cho biết: “Tôi là cán bộ xã, luân chuyển về ấp mấy năm nên không được tính thời gian liên tục. Do vậy, còn 2 năm nữa đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian được hưởng chế độ hưu trí! Quả là quá thiệt thòi cho cán bộ cơ sở”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Vân, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Phụng Hiệp cho biết, ở Phụng Hiệp có 8 xã, thị trấn thì có 2 Phó Chủ tịch không chuyên trách Mặt trận xã xin nghỉ việc và có 3 Trưởng ban Công tác mặt trận ấp của xã Long Thạnh và Hiệp Hưng xin nghỉ việc vì lý do kinh tế. So với cán bộ các đoàn thể thì cán bộ Mặt trận được hưởng phụ cấp khá hơn nhưng vẫn không ăn thua. Để đào tạo cán bộ mới, bắt nhịp với công việc cần thời gian khoảng 2-3 năm mới hiểu được tình hình, có kiến thức về công tác mặt trận, có kinh nghiệm thực tiễn trong công tác vận động quần chúng, tổ chức, xây dựng mô hình. Hiện nay, đa số cán bộ cơ sở xin nghỉ việc đều có bằng từ cao đẳng đến đại học, rất ít trường hợp chỉ tốt nghiệp cấp 3. Bà Vân cho rằng, Trung ương cần hỗ trợ kinh phí đặc thù cho Mặt trận bởi hiện nay MTTQ tham gia rất nhiều lĩnh vực, tổ chức nhiều phong trào, xây dựng nhiều mô hình nhưng không có kinh phí đặc thù. Ở cơ sở tuyển dụng cán bộ nên căn cứ vào bằng cấp để trả lương chứ chỉ trả phụ cấp 0,95 hoặc 0,90 thì sẽ không thu hút được cán bộ làm việc.

Lê Quốc Khánh